| Hotline: 0983.970.780

Vân Hội, những điều huyền bí: Nơi mẹ Âu Cơ đặt bước chân đầu tiên?

Thứ Tư 22/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Vùng đất phía Nam huyện Trấn Yên (Yên Bái) nơi gặp gỡ sông dài núi cao nên hội tụ những đám mây ngũ sắc trên các đỉnh núi, dòng sông. Bởi thế, người dân mới gọi là Vân Hội. 

Bao phủ quanh vùng đất là những chuyện huyền bí kể mãi không hết…

Nằm dưới chân núi Nả, núi Bụt, núi Hận và núi Kìm, cánh đồng xã Vân Hội gần trăm ha, mấy ngàn năm trước nơi đây là đầm nước mênh mông nằm giữa ngòi Vần, ngòi Mon và ngòi Lĩnh.

Trải qua hàng ngàn năm bồi tụ của phù sa từ các triền núi chảy xuống đã hình thành nên cánh đồng màu mỡ, lau sậy mọc ken dày nơi trú ngụ của trăn, rắn, hổ, báo…

Sau nhiều thế hệ, đời nọ nối đời kia, các tộc người nơi đây đã khai phá xây dựng nên cánh đồng Vân Hội như bây giờ.

Ông Nguyễn Văn Thế, Bí thư xã Vân Hội kể rằng: Khoảng năm 2009, khi đó tôi đương là Chủ tịch xã được cử đi đón nhà ngoại cảm từ miền Nam ra, bà là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người.

Chúng tôi dùng thuyền máy đi từ cửa ngòi Vần qua đầm Vân Hội xuống Hiền Lương, khi tới nơi đã thấy nhà ngoại cảm ở đó rồi.

Ngòi Vần bắt nguồn từ núi Nả, chảy xuống xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, nơi có đền mẫu Âu Cơ trước khi đổ ra sông Hồng.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Nhà nước đắp hồ Vân Hội cung cấp nước cho cánh đồng Hiền Lương. Hồ Vân Hội có diện tích mặt nước hơn 400 ha, thì có trên 200 ha nằm trên đất Vân Hội.

Sau này tôi mới biết, nhà ngoại cảm vào thắp hương trong đền mẫu Âu Cơ rồi đi khắp đất Hiền Lương mới bảo rằng đây không phải là nơi mẹ Âu Cơ đặt bước chân đầu tiên khi chia tay Lạc Long Quân mang 50 người con lên rừng sinh sống mà ở thượng nguồn ngòi Vần.

16-13-32_2
Ông Nguyễn Văn Thế (trái) và Đào Văn Hân (phải) chỉ ngòi Mon nơi nhà ngoại cảm cho rằng mẹ Âu Cơ cập thuyền lên đất Vân Hội

Nhà ngoại cảm đứng trên mũi thuyền chỉ tay về phía trước, thuyền đi theo hướng tay của bà chỉ. Hồ nước rộng mênh mông được tạo nên bởi nhiều con ngòi: Ngòi Vần, ngòi Lĩnh, ngòi Yếng, ngòi Mon, ngòi Hạ, ngòi Ác…

Điều lạ thay bà chỉ theo đúng luồng chảy của ngòi Vần, khi gần tới chân núi Bụt bà cho thuyền rẽ vào ngòi Mon rồi cập vào bờ ruộng. Từ đây bà lội ruộng đi thẳng lên mô đất cách UBND xã một đoạn không xa.

Bà bảo với chúng tôi: Đây là nơi mẹ Âu Cơ xuống thuyền đặt bước chân đầu tiên tìm đất sinh cơ lập nghiệp. Nhưng có lẽ xưa kia đây là vùng núi cao, rừng rậm, ma thiêng nước độc, lam chướng ngàn trùng nên mẹ đã quay xuống Hiền Lương nơi đất trời thoáng đãng, bằng phẳng thuận tiện cho việc mở mang trang ấp, ruộng đồng để dạy cho nhân dân cấy cày…

Nhà ngoại cảm dặn chúng tôi đêm ba mươi Tết và đêm mùng 6 tháng Giêng mang 21 nén hương và 21 bông hoa cắm ở ba nơi, mỗi nơi thắp 7 nén hương và 7 bông hoa quanh mom đất.

Nhà ngoại cảm giải thích rằng: Đêm mùng 6 tháng Giêng trước hội đền Âu Cơ là ngày Tiên giáng trần…

Làm theo lời nhà ngoại cảm, từ bấy đến nay năm nào ông Thế và những người có trách nhiệm của xã Vân Hội đêm ba mươi Tết và đêm mùng 6 tháng Giêng đều tới đây thắp hương cầu mong mẹ Âu Cơ phù hộ cho nhân dân trong xã mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn…

Chúng tôi theo ông Nguyễn Văn Thế lên chiếc xuồng máy chạy dọc hồ Vân Hội tới tận bờ đập trên đất Hiền Lương. Nhìn nước hồ rộng mênh mông, tôi hình dung ra cách nay hơn nửa thế kỷ dọc ngòi Vần, ngòi Hạ, ngòi Lĩnh, ngòi Mon… là những cánh đồng tốt tươi.

16-13-32_3
Đảo phân ranh giới giữa hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ trên hồ Vân Hội

Để có nguồn nước tưới cho cánh đồng Hiền Lương và vùng đất hạ lưu, hồ Vân Hội được xây dựng, dấu tích những cánh đồng xưa kia không còn nữa, hiện trên sóng nước là mấy chục đảo nhỏ cây xanh mướt mải.

Từ trên bờ đập hồ Vân Hội nhìn xuống cánh đồng xã Hiền Lương xanh ngút tầm mắt. Giữa cánh đồng là đền mẫu Âu Cơ, từ đây tôi nhớ lại truyền thuyết về mẹ Âu Cơ đã đem 50 người con ngược ngàn sinh cơ lập nghiệp.

Trong cuộc thiên di vạn dặm ấy, mẹ Âu Cơ cùng các con đi mở đất, tới đâu cũng dạy dân cấy lúa trồng dâu nuôi tằm dệt vải.

Tới trang Hiền Lương thấy phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, núi cao đồng rộng, sông dài hồ nước trong mát, cỏ cây hoa lá tốt tươi nên cho khai hoang lập ấp.

Khi trang ấp đã ổn định mẹ lại cùng các con lên đường mở mang các vùng đất mới.

Cho đến lúc giang sơn mở rộng, mẹ Âu Cơ trở lại Hiền Lương nơi Người đã chọn để gửi thân xác của mình.

Tương truyền rằng ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Thân mẹ cùng bầy Tiên nữ bay về trời để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa, nơi đó nhân dân ta đã dựng một ngôi đền thờ phụng, gọi là đền mẫu Âu Cơ.

Theo nhà ngoại cảm, rất có thể khi mẹ Âu Cơ đóng thuyền bè đem 50 người con ngược sông Hồng lên núi, khi tới ngòi Vần thấy nước trong xanh mát mẻ có nhiều cá tôm nên đã rẽ vào, rồi cứ thế ngược tới ngòi Mon thì cập thuyền dưới chân núi Bụt.

Tại đây mẹ đã xuống thuyền, thăm khám vùng đất trước khi lập trang ấp. Nhưng do Vân Hội núi cao, rừng thiêng nước độc không tiện cho việc mở mang ruộng đồng nên mẹ đã quay xuôi xuống Hiền Lương.

Điều nhà ngoại cảm đưa ra phải chăng chỉ là giả thuyết và sự suy đoán khi kết nối giữa hai vùng đất Hiền Lương và Vân Hội thông qua ngòi Vần?

Tuy nhiên, lòng tin của người dân thì coi Vân Hội là nơi mẹ Âu Cơ đặt những bước chân đầu tiên trong cuộc thiên di đưa 50 người con lên rừng sinh cơ lập nghiệp, mở mang giang sơn, bờ cõi.

Theo ông Lý Kim Khoa, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái, đình Vân Hội có tên là đình Minh Phú, đã 3 lần được vua Khải Định năm thứ 9 sắc phong. Đình thờ Mẫu và thần Cao Sơn Đại Vương, kết hợp thờ thành hoàng làng.

Để chứng minh cho điều đó, ông Nguyễn Văn Thế cùng ông Đào Văn Hân, Phó chủ tịch xã đưa chúng tôi tới xem đình Vân Hội đã trở thành phế tích nằm cạnh ngòi Lĩnh.

Tại đây chúng tôi tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Khanh, người đã canh tác cạnh đình đã gần 50 năm nay. Bà chỉ cho chúng tôi những viên đá kê cột đình vẫn theo hàng.

Bà Khanh cho hay: Tôi từ vùng hồ Thác Bà chuyển cư về đây năm 1966, thấy nơi đây hoang hóa thì khai hoang ruộng nước.

Người ta bảo với tôi rằng mảnh đất mà tôi trồng hoa màu là nền đình cũ, trước đây khi chuyển đình từ Đồng Yếng về làng Dọc, tới đây thì không khiêng được nữa, họ mới dựng đình trên mảnh đất này.

16-13-32_4
Bà Nguyễn Thị Khanh chỉ cho tảng đá kê cột đình Vân Hội

Tôi cuốc đất trồng hoa màu trên nền đình, đêm về toàn mơ gặp những người lạ, họ ăn mặc quần thụng áo dài đầu chít khăn mỏ quạ như thuở xưa, sau đó tôi như người bị ma làm cứ đi lại lung tung như mất trí. Gia đình phải làm lễ cầu cúng mới khỏi.

Từ đó đến nay tôi không dám trồng cấy gì trên nền đình nữa.

16-13-32_5
Sắc phong đình Minh Phú của vua Khải Định

Nói rồi bà Khanh chỉ cây xoan còi cọc chỉ to hon bắp đùi mọc sát bụi tre: Mấy chục năm rồi cây xoan vẫn chỉ to bằng ngần ấy thôi. Làm ruộng ở đây tôi thường nghe tiếng kẽo kẹt như người đưa võng trên ngọn xoan kia, khi lại nghe như có tiếng người nói chuyện rì rầm, hãi lắm. Bụi tre gia đình tôi trồng thì chặt được, còn cây xoan thì không dám động dao vào…

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.