| Hotline: 0983.970.780

Vẫn “khát” sinh viên có tay nghề cao

Thứ Tư 19/01/2011 , 09:38 (GMT+7)

Khó khăn lớn nhất mà các trường TCCN, trường nghề đang gặp phải là nhận thức của các bậc phụ huynh.

Trong khi các trường ĐH, CĐ đang ráo riết tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu đào tạo thì các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trường nghề cũng đang tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút học sinh vào trường. Tuy nhiên, các trường cũng không khỏi lo lắng khi nhận thức của học sinh và phụ huynh vẫn còn nặng tư tưởng học trung cấp chỉ ra làm “thợ”.

Tăng đầu tư, mở rộng đối tượng... 

Để thu hút được đông người thi tuyển, nhiều trường TCCN bên cạnh việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị thì không ít trường mở rộng hơn đối tượng và điều kiện tuyển sinh như: xét tuyển tất cả đối tượng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương; có đủ sức khỏe theo học, không mắc bệnh truyền nhiễm, tâm thần. Như trường TCCN Kinh tế - Công nghệ Gia Định đã phải đầu tư lại toàn bộ cơ sở vật chất phòng máy vi tính cho học sinh thực hành. Theo ông Nguyễn Chí Hiếu (cán bộ làm công tác tuyển sinh của trường), hiện nay có quá nhiều trường đào tạo TCCN, kể cả các trường ĐH lớn, có thương hiệu cũng dành nhiều chỉ tiêu đào tạo trung cấp. Để làm tốt việc tuyển sinh, trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đến việc chuyển đổi đào tạo theo học chế tín chỉ phục vụ cho năm học mới. Ngoài ra, cũng đầu tư gần 1 tỉ đồng để nâng cấp trang thiết bị thực hành, cơ sở vật chất, phòng Lab giảng dạy ngoại ngữ, phòng vi tính có thể phục vụ cho trên 10.000 học sinh.

Hay như với Trường Trung cấp Ánh Sáng (Hà Nội) còn liên kết với nhiều doanh nghiệp, đào tạo lao động theo nhu cầu của xã hội. Theo Phó hiệu trưởng nhà trường, đây là trường trung cấp đầu tiên có Viện nghiên cứu đào tạo riêng cho trường nhằm giúp học viên có điều kiện học tập, thực hành và sáng tạo những kiến thức đã học vào các công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao. Ngoài ra, trường còn ký kết với các doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu xã hội, đến nay hầu hết các em học sinh sau khi ra trường có học lực khá giỏi đều được các doanh nghiệp tiếp nhận ngay.

 …Nhưng vẫn “khát” thợ

Đầu tư tốn là thế, nhưng theo một lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết khó khăn lớn nhất mà các trường TCCN, trường nghề đang gặp phải là nhận thức của các bậc phụ huynh: học nghề ra chỉ được làm “thợ”, rồi làm việc trong môi trường độc hại nữa. Vì vậy, nhiều phụ huynh nhất quyết không cho con em mình theo đuổi ngành học yêu thích. Đây chính là lý do giải thích năm học vừa qua, chỉ tiêu vào nhiều trường ĐH, CĐ giảm, không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Ví như trường Trung cấp chuyên nghiệp Kinh tế - Kỹ thuật Vạn Tường (Tp.HCM), năm học 2010 thiếu gần 40% chỉ tiêu được tuyển. Và, trải qua một thời gian dài bị chi phối bởi tư duy trọng bằng cấp, hiện như nước ta đang trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, đặc biệt đội ngũ thợ công nhân có tay nghề cao.

Đặc biệt, do có sự chia cắt trong quản lý nhà nước về dạy nghề dẫn đến sự xuất hiện của các trình độ dạy nghề ghi trong Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề gồm: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề (do Bộ LĐTB-XH) quản lý. Còn TCCN, cao đẳng thì do Bộ GD-ĐT quản lý. Mỗi Bộ đóng vai trò quản lý nhà nước trên cái “sân” của mình, theo những luật, quy định riêng biệt để quản lý quá trình đào tạo. Do không có sự định nghĩa rõ ràng, minh bạch nên khó có thể phân biệt được trình độ đào tạo.

Cũng theo một vị thuộc ngành giáo dục, nếu cứ tiếp tục tình trạng trên thì khó ai có thể khẳng định: ngành đào tạo không lặp lại vết xe đổ về chất lượng “rởm” của hình thức đào tạo tại chức như thời gian vừa qua. Và, tình trạng “khát” sinh viên trong các trường TCCN có thể vẫn xảy ra trong năm học tới.

 Chỉ mở thêm ngành khi có nhu cầu

Tại phiên giao dịch việc làm mới diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 12/2010 cho thấy, lực lượng lao động phổ thông chiếm gần phân nửa tổng chỉ tiêu tuyển dụng lao động của các phiên giao dịch việc làm (2.408 người/5.009 chỉ tiêu). Tuy nhiên lao động phổ thông được nhận vào làm việc chỉ bằng khoảng 1/10 nhu cầu các doanh nghiệp đưa ra, thậm chí còn thấp hơn. Một trong những nguyên nhân là do trình độ của lao động chưa đáp ứng được các yêu cầu mà DN đặt ra.

Nhằm tạo điều kiện cho các trường TCCN có thêm điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Ga cho biết sẽ nâng cao thêm 30% ngân sách đầu tư hàng năm, đồng thời tiếp tục cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh TCCN của các trường ĐH không có truyền thống đào tạo TCCN, các cơ sở đào tạo TCCN thiếu năng lực đào tạo và những cơ sở vi phạm quy chế tuyển sinh. Bộ GD- ĐT sẽ không chấp nhận việc mở ngành đào tạo mà không làm rõ nhu cầu, không đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng cơ bản và không thực hiện việc công khai năng lực đào tạo của nhà trường.

Thế nhưng, trao đổi với NNVN, lãnh đạo một số trường TCCN cho rằng, việc xây dựng xã hội học tập và tạo cơ chế để người dân được học tập suốt đời là trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở đào tạo. Và để việc học tập diễn ra hiệu quả, thông suốt rất cần Bộ cơ cấu lại với các khung trình độ rõ ràng, theo các thang bậc kiến thức, kỹ năng và thái độ tương ứng với mỗi trình độ đào tạo. Nếu các trường không kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, chỉ chạy theo mục tiêu tăng “thu nhập” thì chất lượng học sinh trường nghề chắc chắn không cao.

Các trường cũng lưu ý: nâng cao chất lượng các trường TCCN cũng giống như việc liên Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH cho phép liên thông từ hệ TCCN lên ĐH và CĐ có thể là giải pháp “cứu cánh” trong ngắn hạn cho việc tuyển sinh vào học nghề vốn thưa thớt nhưng dài hạn, có thể là phương tiện để đạt được mục đích kinh tế.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.