| Hotline: 0983.970.780

"Văn kiện số 1" đề cập vấn đề gì?

Thứ Năm 09/02/2012 , 10:29 (GMT+7)

Trung Quốc vừa ban hành thêm một văn bản liên quan chính sách đất đai ở nông thôn. Báo chí nước này đưa tin, “Văn kiện số 1” sẽ mang lại nhiều quyền hơn cho nông dân.

Rất nhiều cuộc họp với dân để tháo gỡ căng thẳng chuyện đất đai

Trung Quốc vừa ban hành thêm một văn bản liên quan chính sách đất đai ở nông thôn. Báo chí nước này đưa tin, “Văn kiện số 1” sẽ mang lại nhiều quyền hơn cho nông dân.

>> Đứng về dân hay ''quan''?
>> Xung đột đất đai ở Trung Quốc

Hạn chế chiếm đất

Hôm 3/2, Phòng công tác nông thôn thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức họp báo về “Văn kiện số 1”, được cho là chìa khóa giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai ở Trung Quốc.

Trước đó, trong chuyến thăm Quảng Đông tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo xác định “người nông dân được hưởng các quyền pháp lý về hợp đồng đất đai, sử dụng đất và phân phối thu nhập, bất kể họ đang sinh sống tại đó hay làm việc ở nơi khác… Không một ai được tước đoạt các quyền lợi trên của nông dân”.

Trưởng phòng công tác nông thôn, ông Trần Tích Văn nói: “Văn kiện số 1” sẽ giải quyết cơ bản những mâu thuẫn và bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay ở Trung Quốc. Văn kiện này ra đời dựa trên sự kết hợp giữa Bộ Tài nguyên đất đai, Bộ Nông nghiệp và những tổ công tác đặc biệt của Quốc vụ viện Trung Quốc”.

Theo đại diện Bộ Tài nguyên đất đai, cái khó hiện nay trong giải tỏa và bồi thường đất đai ở Trung Quốc có mấy điểm sau: Bồi thường cho nông dân bị thu hồi đất; Bố trí chỗ ở, chỗ làm cho nông dân; Giải quyết tranh chấp kinh tế để người dân được hưởng lợi ích xứng đáng.

Lâu nay, nông dân ở Trung Quốc không có quyền trực tiếp sở hữu đất. Thay vào đó, hầu hết đất nông thôn được sở hữu chung bởi cả làng và nông dân phải thuê đất để có chỗ canh tác. Về lý thuyết, tập thể dân làng có quyền quyết định nên bán hoặc giữ đất canh tác.

Trong thực tế, các quan chức nhà nước mới quyết được chuyện này. Và thường thì những nhóm lợi ích thẳng tay chiếm đoạt mong muốn của nông dân để bán cho các nhà đầu tư.

Những người dân mất đất nghiễm nhiên bị đặt trong tình thế hoặc không được bồi thường hoặc nhận được một số tiền ít ỏi, và phải rời bỏ làng quê lên thành phố tìm kế sinh nhai. Cuộc khảo sát cho thấy 57,2% người dân nông thôn rơi vào cảnh không còn đất nông nghiệp để canh tác.

Hãng tin Reuters trong bài viết mới đây, cho rằng các nhà nghiên cứu Trung Quốc từ lâu đã tranh luận về một thị trường bất động sản nông thôn quy củ và tự do hơn sẽ là điều thiết yếu, nếu nông dân được hưởng lợi nhiều hơn từ phát triển. Họ cũng tin rằng thị trường đất đai hợp lý sẽ bảo vệ người nông dân khỏi tình trạng cưỡng chế đất đai bừa bãi từ quan chức địa phương, những người thường tự mình kiểm soát quyền sở hữu đất tập thể.

Mất đất sống thế nào?

Năm 2011, sau sự kiện Ô Khảm, Tổ công tác đặc biệt của Quốc vụ viện Trung Quốc sau khi về địa phương đã báo cáo: Đất đai bao gồm quyền kinh doanh, quyền dựng nhà ở, quyền phân chia lợi ích tập thể, là tài sản – quyền lợi hợp pháp của nông dân được pháp luật bảo hộ. Cho dù người nông dân đang ở địa phương hay đã chuyển vào thành thị, không ai có quyền lấy đi đất đai thuộc quyền sử dụng của họ.

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhấn mạnh: “Chiếm dụng đất nông nghiệp gây ra khiếu nại và là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt sự cố nghiêm trọng”.

Theo hãng thông tấn Reuters, chỉ tính trong năm 2010, đã có 187.000 cuộc biểu tình, bạo loạn nổ ra trên khắp đất nước Trung Quốc, 65% trong số đó liên quan đến tranh chấp đất đai. Thực tế trên khắp Trung Quốc mỗi năm có khoảng 4 triệu gia đình nông dân bị chính quyền địa phương trưng thu đất mà không được bồi thường.

Ước tính có 700 triệu nông dân Trung Quốc đang sống với thu nhập dưới 2 USD/ngày, chịu nhiều thiệt thòi về điều kiện chăm sóc y tế và giáo dục. Hiện Trung Quốc chưa có bình luận nào về thông tin được Reuters nêu ra.

"Đất đai bị thu hẹp trong khi chúng ta vẫn phải nhập khẩu lương thực”, bài viết trên Nhân dân nhật báo cho rằng, Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ mất cân bằng giữa đô thị và nông thôn. Ước tính năm 2011, Trung Quốc phải nhập khẩu hơn 500 triệu tấn lương thực, chiếm 22% tổng sản lượng lương thực của nước này.

Mô hình ở Trùng Khánh đang được coi là tiên tiến ở Trung Quốc khi nông dân có được một số quyền của thị dân khi chấp nhận hoán đổi mảnh ruộng của mình. Chính sách này dựa trên ý tưởng đất canh tác bị “xoá sổ”, dành chỗ cho các dự án phát triển đô thị, có thể được đền bù bằng cách đưa người dân vào những toà chung cư và sau đó biến những mảnh ruộng nhỏ và nhà cửa của họ đầu tư vào các lĩnh vực sinh lợi.

Tuy nhiên, báo Thanh niên Trung Quốc cho rằng tiền bán đất rất dễ bị ăn chặn, và thực tế người nông dân nhận được rất ít quyền lợi hợp pháp của họ trong số tiền trên. Nông dân cũng ít trông đợi và khoản đền bù di dời. Thậm chí ở nhiều khu vực, bao gồm cả vùng ven Bắc Kinh, người dân còn phải tự chi trả một phần tiền mua nhà mới.

Phó trưởng phòng công tác nông thôn Trung Quốc, ông Đường Nhân Kiện cho biết, “Văn kiện số 1” có đề cập vấn đề mới: Để nông dân mang theo tài sản khi vào thành thị.

“Chúng ta hiện có khoảng hơn 100 triệu nông dân thế hệ mới, nếu lấy đất của họ thì vấn đề là làm sao đảm bảo cuộc sống người dân khi vào thành phố. Những quyền lợi như lợi ích mang lại từ mảnh đất cũ, tính ổn định của nhà ở cũ v.v. đều phải được tính toán và có văn bản rõ ràng”, ông Đường nói.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.