| Hotline: 0983.970.780

Vay bò trả bê

Thứ Năm 21/04/2011 , 10:56 (GMT+7)

Dự án “vay bò trả bê” là cách tiếp sức giúp dân nghèo vươn lên, nên rất được bà con nông dân hưởng ứng. Hiện tại Tuyên Quang đang tổng kết mô hình để tiếp tục đúc rút kinh nghiệm.

Dự án "vay bò trả bê" do Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang thực hiện từ ngày 14/11/2002, tại 19 xã vùng đặc biệt khó khăn của 5 huyện: Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, tổng số vốn ban đầu là 444 con bò giống cái, được bàn giao cho 444 hộ nghèo và gia đình chính sách nuôi.

Sau 9 năm cho vay mượn con giống, bò cái đã nhân đẻ được gần 1.300 con bê, Ban quản lý dự án đã thu về 500 con bê chuyển sang hộ nông dân khác nuôi, bước đầu đã giúp được 89 hộ nông dân nghèo thoát nghèo bền vững, từ chỗ không có tiền vốn, nay đã có một gia sản khá lớn là cả đàn bò.

Để dự án thực sự mang lại hiệu quả cho người nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ gia đình vay bò về kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò sinh sản, đồng thời cử cán bộ theo dõi, giám sát các hoạt động của dự án tại cơ sở, cắt cử thời gian giúp đỡ các hộ dân làm quen cách chăn nuôi bò hàng hoá, bước đầu đã dần chuyển đổi được nhận thức của bà con nông dân, từng bước áp dụng kiến thức khoa học vào chăn nuôi nhất là khâu vệ sinh phòng dịch bệnh cho gia súc.

Trước đây trâu bò của các hộ đều được chăn thả tự do trên rừng, phụ thuộc vào tự nhiên, nên gặp nhiều rủi ro, nhất là mỗi khi có rét hại, đến nay các hộ đã làm chuồng nuôi và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, số bò luân chuyển cao, từng bước ổn định cuộc sống, tiêu biểu như một số hộ nông dân vay bò ở xã: Xuân Lập, Lăng Can, Năng Khả, Thượng Lâm, huyện Na Hang; xã Minh Quang, Linh Phú, huyện Chiêm Hóa.

Ông Quan Văn Phương, thôn Bản Bó, xã Thượng Lâm, huyện Na Hang cho hay: "Trước đây gia đình tôi trong nhà chẳng khi nào có nổi vài trăm nghìn đồng, vợ chồng con cái cũng tìm mọi cách để làm, chỉ mong là đủ ăn nhưng cũng chẳng được, muốn vay vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt nhưng cũng không vay được ở đâu cả, mà cũng chẳng ai dám cho vay. Tới tháng 4/2005 gia đình tôi được Hội Nông dân cho vay 1 con bò cái giống, lại được các cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bò cái nuôi dưỡng tốt, nên bò sinh sản đều, sau 4 năm đã đẻ thêm 3 con bê, bò mẹ hiện sắp đẻ con thứ 4, gia đình tôi đã trả nợ được bê cho Hội Nông dân, hiện nay tổng số bò bê của gia đình là 4 con, vừa qua có thương lái tới hỏi mua với giá 16 triệu đồng nhưng tôi chưa bán, gia đình tôi có của cải như bây giờ cũng nhờ việc nuôi bò của dự án".

Cũng thoát nghèo nhờ Dự án "vay bò trả bê", anh Lò Xuân Thắng, xã Xuân Lập, huyện Na Hang vui mừng cho biết: "Gia đình tôi được Dự án cho vay một con bò giống từ tháng 4 năm 2005, đến nay con bò giống đã đẻ 2 lứa, trừ 1 con phải trả lại gốc cho Dự án, thì nay đã lời ra cả cặp bò..". Còn các hộ dân ở xã Thượng Lâm sau 4 năm "vay” bò mẹ ban đầu, đã đẻ thêm được 3 con bê như các hộ Quan Văn Phủ, Chẩu Văn Dương, Quan Văn Pảo, Lộc Thị Nuôi, Quan Thị Huệ; các hộ còn lại bò mẹ đều đẻ thêm được 2 con. Như vậy với 21 con bò cái giống cho vay ban đầu sau 4 năm riêng xã Thượng Lâm đàn bò đã sinh sản thêm 65 con bê, giúp được nhiều hộ dân có chút vốn ban đầu ổn định cuộc sống.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng Ban kinh tế - xã hội, Hội Nông dân Tuyên Quang cho biết: "Các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách khi được vay một con bò cái giống, thì nuôi trong 3 năm không phải trả lãi, sau khi bò đẻ ra bê thì hộ gia đình vay bò giống đó phải có nghĩa vụ trả nợ bằng con bê, dự án sẽ xem xét để chuyển tiếp cho hộ khác nuôi, giúp cho việc bảo tồn vốn và nhân rộng mô hình này, mục đích cũng để giúp nhiều nông dân mau thoát nghèo".

Ông Bàn Xuân Ngân, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập, huyện Na Hang cho biết: "Dự án "vay bò trả bê" có ý nghĩa thiết thực cho các hộ nông dân nghèo, con bò này không chỉ giúp hộ dân có nguồn vốn ban đầu, mà còn giúp bà con có sức kéo và phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình. Qua 9 năm thực hiện Dự án, từ 21 con bò giống được vay, đến nay tổng đàn bò Dự án của xã đã tăng lên 80 con. Các hộ được vay bò phần lớn là hộ nghèo hoặc cận nghèo, nên rất coi trọng con bò, họ rất tích cực học hỏi cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho bò, làm chuồng trại kiên cố đảm bảo đủ ấm và hợp vệ sinh vào mùa đông, thoáng mát sạch sẽ vào mùa hè do vậy đàn bò phát triển tốt".

Được biết, dự án “vay bò trả bê” là cách tiếp sức giúp dân nghèo vươn lên, nên rất được bà con nông dân hưởng ứng. Hiện tại Tuyên Quang đang tổng kết mô hình để tiếp tục đúc rút kinh nghiệm nhằm nhân rộng mô hình này.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.