| Hotline: 0983.970.780

Vay tiền mua rừng..., nay thu tiền tỷ từ rừng

Thứ Ba 25/04/2017 , 09:25 (GMT+7)

Gần 20ha rừng thông, mỗi ha cho thu nhập thấp nhất 60 triệu đồng/năm, vị chi được gần 1,2 tỷ đồng. 

Đường Hồ Chí Minh chạy xuyên qua những cánh rừng trồng xanh ngút ngát phía tây huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Màu xanh cây keo, tràm đã làm dịu mát vùng đất nắng lửa nhất nhì miền Trung.

Chị Nguyễn Thị Thanh (xã Trường Thủy) đứng trên gò đất cao khoát tay một vòng tròn: “Hơn năm chục hecta rừng của tui chạy dọc hai bên đường ni đó. Năm ni, tui chỉ bán hơn chục ha để trả dần vốn vay ngân hàng"...
 

"Luốc luốc" không vay được tiền

Cũng khó có ai tin được người phụ nữ với vẻ bề ngoài lam lũ và có chút yếu đuối này lại là bà chủ của hơn 50ha rừng trồng. Chị Thanh kể, từ lúc con gái đi làm ở một đơn vị xây dựng nhà nước. Được hơn chục năm thì đơn vị không có việc làm nên chị nghỉ việc theo chế độ 176.

15-59-53_nnvn-1-chi-thnh
Chị Thanh: "Trồng rừng trước khổ, sau giàu"

Về với vùng quê nghèo bán sơn địa, chị lúng túng trong định hướng làm ăn. Với chiếc xe đạp không phanh và cũng chẳng có chuông, chị chạy lên đồi, xuống suối để kiếm bát cơm độn sắn hàng ngày cho các con. Chẳng có nghề chi chị không làm. Từ kiếm củi, buôn heo đến cuốc đất thuê, đào mướn... không nghề gì không có dấu tay chị.

Có lần, ghé nhà một người quen xin nước uống khi đi đốn củi, chị nghe loáng thoáng người ta nói chia đất trồng rừng. “Trồng rừng” như một âm thanh mới lạ, nhưng lạ thay lại đọng vào tâm trí, ám ảnh chị. Sau hôm đó, chị để ý dọc đường 15 (đường Hồ Chí Minh bây giờ) nhiều vùng đất chỉ có cây sim hoang dại, chị nảy ý định phát hoang trồng rừng.

Hàng ngày khi đi làm, chị đào những cây thông, cây tràm mọc lẻ tẻ khắp nơi mang về trồng trên những vạt đồi lúp xúp. Dần dà, những vạt cây chị trồng cứ loang dần, loang dần thành rừng. Mọi người đi qua bắt gặp hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé cặm cụi trồng rừng giữa chập chùng sim, mua thì tỏ ra ngạc nhiên, thậm chí có kẻ rỗi miệng còn dèm pha. Mặc kệ, chị luôn có niềm tin sẽ có ngày bớt khổ nhờ rừng.

Làm thuê được đồng nào, phần dành nuôi con bữa cơm nữa cháo, phần dành gom góp thấy có ai bán miếng đất, vạt cây liền kề đất chị khai khẩn là hỏi mua gom. Không có đủ tiền trả liền thì nợ trả dần. "Góp gió thành bão", vài năm sau, chị đã có đến mấy ha rừng cây bén rễ, lên xanh. Đứng trên con dốc, nhìn còn nhiều khoảng đất, khoảng rừng bà con chưa bán, chị muốn mua lắm.

Nhưng cái khó bó cái khôn, tiền đâu? Đánh bạo, chị đến ngân hàng xin vay tiền. Một cán bộ tín dụng nhìn chị trong sự hoài nghi: “Vay tiền để buôn bán hay mua bò?”. Chị thành thật: “Dạ mua rừng". Vị cán bộ tín dụng lắc đầu rồi thì thầm vào tai đồng nghiệp bên cạnh nhưng chị vẫn nghe được: "Người răng mà nhìn "luốc luốc" rứa vay tiền cả trăm triệu thì ai cho".

Nén khỏi bật khóc thành tiếng, chị cắp nón ra về. Bữa sau, chị đến một ngân hàng khác, họ đồng ý cho vay nhưng phải đi kiểm tra rừng. Khi thấy mấy ha rừng của chị không đến nỗi nào, thì họ gật. Nhưng thay cho vay hàng trăm triệu, họ chỉ đồng ý cho vay vài chục. Cầm tiền về, chị mượn thêm của bà con, anh em và dồn hết số vốn ít ỏi để mua thêm vài ha rừng nữa.

15-59-53_nnvn-2-rung-keo-trm
Rừng keo sắp đến tuổi khai thác

Lần đó, chị bỏ hết tiền mua thêm 5ha rừng thông đã vào tuổi khai thác tỉa thưa. Chưa kịp mừng thì chuyện rủi ro ập đến. Vào một đêm trời hanh khô, 5ha rừng thông bắt lửa cháy như đổ xăng. Sáng sớm, nhìn cả vùng rừng chỉ còn màu đen kịt, thân cây queo quắt gục gãy tứ bề. Nếu không có chồng đỡ thì chị đã ngã quỵ trên lớp tro bụi.
 

Thu tiền tỷ như... lĩnh lương

Sau hơn hai mươi năm “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” với rừng, bây giờ chị Thanh đã có trên 50ha rừng trồng trải dọc hai bên đường Hồ Chí Minh.

Một ngày giữa tháng tư, chị đưa chúng tôi đi xem rừng thông, keo, tràm... Những cánh rừng xanh ngút ngát tầm mắt. Đi sâu vào rừng những cây keo, tràm trồng san sát ken dày thẳng vút, ai cũng phải thốt lên đẹp quá. Hình dung tiền triệu, tiền tỷ cứ hiện ra ngồn ngộn ngay trên mặt đất. Dưới tán, cây dại đã được phát sạch để chống cháy. Chị bảo: "Khoảng tuần nữa là bên trạm kiểm lâm chỉ đạo đốt thực bì. Thế là yên tâm rùi".

15-59-53_nnvn-3-rung-thong
Rừng thông khai thác nhựa của cho thu nhập hơn tỷ đồng/năm

Đứng bên những cây thông đến tuổi khai thác to khỏe, mọc thẳng thớm, tôi hỏi chị thu nhập năm nay dự tính bao nhiêu. Chị nói ngay: “Chỉ mong được 600 triệu để trả ngân hàng vì đã đến hạn". "Chị còn vay nhiều không?". Chị Thanh cười: "Còn hơn một tỷ". Nói đến nợ tiền tỷ mà giọng chị nhẹ hều.

Nhưng có lẽ qua một phép tính nhẩm là có thể cắt nghĩa được điều đó. Nếu giá bán tại thời điểm bây giờ thì toàn bộ diện tích rừng của chị cũng không dưới chục tỷ đồng. Vậy thì nợ một tỷ xem ra cũng chẳng có gì bận tâm. Một người phụ nữ đam mê rừng và sau gần hai mươi năm bươn chải đã có được khối tài sản tiền tỷ.

Như đoán được suy nghĩ của tôi, chị Thanh cười: "Từ năm nay, thu nhập bắt đầu ổn định và khá lên". Chị Thanh không nói con số cụ thể nhưng cây thông, cây keo trên rừng thì lại biết nói. Gần 20ha rừng thông, mỗi ha cho thu nhập thấp nhất 60 triệu đồng/năm, vị chi được gần 1,2 tỷ đồng. Còn lại 30ha keo nếu đưa vào khai thác đúng chu kỳ 5 năm, mỗi năm chị có 6ha x 60 triệu đồng cũng có 360 triệu. Cộng hai khoản trong tay chị Thanh có trên 1,5 tỷ đồng. Tôi đùa: "Mỗi năm ngồi chơi cũng xơi được tiền tỷ. Nhận tiền tỷ như nhận lương hà". Chị cười: "Nhưng mà khổ lắm chú ơi".

Bây giờ, có khoảng 10 lao động phổ thông làm công cho chị với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng. "Sắp tới, tui cho làm mấy ngôi nhà ở bìa rừng để công nhân nghỉ ngơi và ở lại bảo vệ chăm sóc rừng. Làm vậy, mình vừa yên tâm mà bà con cũng có nhu nhập cao hơn", chị nói. Chị còn bộc bạch: “Hai vợ chồng quản lý hơn 50ha rừng nên bận lắm. Dự tính kêu bà con, xóm giềng nhận khoán. Giao khoán thì mình an tâm hơn".

+ Mải mê với rừng nhưng người phụ nữ này cũng đã lo tròn chuyện gia đình, con cái. Chị có 4 người con. Hai con đầu học hành xong đã có công việc ổn định. Con gái thứ ba đang học Đại học Y, cô gái út học phổ thông. Tôi thầm nghĩ, thật may mắn, những đứa trẻ có được người mẹ như chị. Còn chị Thanh luôn nói chắc: “Tất cả nhờ rừng đấy…”.

+ Sau lần cháy rừng, chị tìm đến cán bộ kiểm lâm hỏi kinh nghiệm. Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy cử cán bộ xuống vừa giúp sức, vừa hướng dẫn cho chị biết cách giữ rừng, đặc biệt là rừng thông vào mùa khô để tránh tổn thất. Sau này khi nói chuyện với ai về rừng, chị Thanh luôn nhắc: “Nếu không có các anh kiểm lâm, chắc tui cũng không có được mấy chục ha rừng như hôm nay".

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.