| Hotline: 0983.970.780

Về Bãi cọc Bạch Đằng nghe kể chuyện đánh giặc

Thứ Hai 14/10/2013 , 09:44 (GMT+7)

Từ ngã tư thị trấn Quảng Yên, đi về hướng Phà Rừng khoảng 2 km, rẽ trái khoảng 500 m là tới Bãi cọc Yên Giang (còn gọi là Bãi cọc Bạch Đằng).

“Tín thiên tam chi thiết hiểm. Lụi nhân kiệt dễ tồn an” (Nơi hiểm trở do trời đặt. Sự an toàn nhờ người hùng). Xin mượn lời của Trương Hán Siêu để mở đầu câu chuyện đánh giặc ngoại xâm của nhân dân phường Yên Giang (thuộc TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Từ những vị tướng lừng danh

Từ ngã tư thị trấn Quảng Yên, đi về hướng Phà Rừng khoảng 2 km, rẽ trái khoảng 500 m là tới Bãi cọc Yên Giang (còn gọi là Bãi cọc Bạch Đằng). Bãi cọc này hiện nằm trong khu Đầm Gụ (các cụ cao niên trong làng giải nghĩa, “gụ” có nghĩa là nhử), thuộc phường Yên Giang.

Theo cụ Đào Xuân Tự, Tổ trưởng Ban Quản lý khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng, tên gọi Đầm Gụ có lẽ xuất phát từ chiến thuật đánh giặc của Trần Quốc Tuấn. Đầu tiên là đánh chặn kìm hãm sức mạnh của địch, sau đó khiêu chiến và nhử địch vào đúng vị trí và thời điểm trận địa cọc phát huy tác dụng.


Cụ Đào Xuân Tự kể chuyện về di tích bãi cọc Bạch Đằng

Tham quan khu di tích, đập vào mắt tôi là hình ảnh một tấm bia đá trang nghiêm rộng khoảng 1 m, cao 2 m. Phía trên cùng ghi dòng chữ: Di tích quốc gia đặc biệt: Di tích lịch sử Bạch Đằng (Bãi cọc Bạch Đằng năm 1288). Phía dưới là phần mô tả: “Dựa vào địa thế sông Bạch Đằng (thế kỷ thứ XIII), Trần Hưng Đạo đã cho đóng những bãi cọc ở vị trí hợp lý, kết hợp với các dải đá ngầm tạo thành một phòng tuyến chặn đường rút chạy của giặc Nguyên Mông.

Với thế trận ấy và hùng khí “Sát thát” của quân và dân ta, chỉ trong một ngày mùng 8 tháng 3 năm Mậu Tý (9/4/1288), toàn bộ cánh quân giặc gồm hơn 600 thuyền chiến và hơn 4 vạn tên giặc đã đã bị tiêu diệt và bắt sống cùng với tướng giặc Ô Mã Nhi…”.

Bên cạnh tấm bia là một lòng hồ rộng khoảng 15 m2, được xây kè đá xung quanh. Lòng hồ nhô lên nhiều cọc gỗ có đường kính từ 15 đến 33 cm, cắm theo hình chữ chi, cách nhau từ 0,9 đến 1,1 m, nghiêng theo hướng ngược dòng sông. Mặc dù phần đầu cọc nhô lên đã bị chìm trong nước, nhưng tôi vẫn nhìn khá rõ. Toàn bộ khu vực xung quanh là ao đầm nuôi thuỷ sản và trồng lúa nước.


Khu di tích bãi cọc Bạch Đằng hiện bị chìm trong nước

Cụ ông Đinh Văn Thiểm, 83 tuổi (một người trong phường Yên Giang) đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu và viết sách về khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng, kể: “Hưởng ứng lời hiệu triệu của tướng Trần Quốc Tuấn, nhân dân Làng Rừng xưa (tên gọi cũ của phường Yên Giang ngày nay) đã ra sức chặt rừng lim cổ thụ của địa phương, sau đó vót đầu cọc, bịt sắt nhọn, lập trận thủy chiến để nghênh chiến với quân thù”.

Đó là minh chứng hùng hồn về truyền thống đánh giặc giữ nước của nhân dân Làng Rừng. Từ những cống hiến lớn lao đó, vua nhà Trần đã phong cho làng là: “An hưng nghĩa dân”. Đón nhận danh hiệu ấy, người dân Làng Rừng đã khắc tấm hoành phi treo trang trọng giữa đình làng để đời đời con cháu tự hào noi gương cha ông giữ gìn đất nước.

Đến những anh hùng của dân

Có thể khẳng định, Yên Giang là mảnh đất sản sinh ra những con người cách mạng. Bởi, mỗi khi có giặc ngoại xâm dày xéo quê hương, từ những người nông dân chân lấm tay bùn đến anh công nhân,…, không phân biệt trai gái, già trẻ đều trở thành chiến sĩ.

Đến nay, trong ký ức của các cụ già ở phường Yên Giang vẫn không bao giờ quên được sự kiện ngày 3/10/1967. Khi ấy, giặc Mỹ điên cuồng tổ chức đợt tấn công vào địa bàn huyện. Đơn vị trực chiến phòng không của xã Yên Giang đặt tại bờ đê để bảo vệ bến Phà Rừng đã anh dũng chiến đấu ngay từ loạt đầu đạn đầu, làm cho địch hoảng sợ, khi qua không phận của xã vào đánh phá Uông Bí. Khi nhận được lệnh của cấp trên, tiểu đội trực chiến xã Yên Giang đã cơ động vào khu vực Đát Chồng để đón đánh máy bay Mỹ vào cứu giặc lái bị bắn rơi.


Đền thờ Trần Hưng Đạo

Mặc dù quá trình chiến đấu suốt đêm, lại cơ động lên chiến địa cách gần 20 km, người mệt, đói, nhưng khẩu đội pháo của xã đã lao vào chiến đấu ngay. Khẩu đội đánh chặn 3 đợt tấn công của hàng chục máy bay Mỹ, kiên quyết không cho trực thăng của chúng xuống cứu phi công Mỹ. Ta bắn rơi một máy bay AD6 của giặc và góp phần bắt sống giặc lái Mỹ. Nhưng, 3 chiến sĩ du kích xã Yên Giang đã hy sinh anh dũng là Lê Thị Nhiên, Mai Văn Bình và Nguyễn Văn Vinh.

Trong đó, hình ảnh về nữ chiến sĩ Lê Thị Nhiên dũng cảm chỉ huy khẩu đội, đối mặt với máy bay Mỹ và hô to: “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, sau đó trúng một loạt đạn của địch giống như một biểu tượng của lòng dũng cảm vì độc lập, tự do của tổ quốc.

Để động viên bộ đội, dân quân chiến đấu, xã Yên Giang đã thành lập Đội Bạch đầu quân, Hội Mẹ chiến sỹ, lên các chốt chiến đấu, các trận địa pháo cao xạ động viên tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Tiêu biểu là các mẹ Đỗ Thị Kim, Trần Thị Nhàn, Lê Thị Do, Lê Thị Bé đều trên 70 tuổi.

Với truyền đánh giặc giữ nước hàng ngàn năm, nhân dân phường Yên Giang đã có những đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và ngăn chặn sự tàn phá của giặc ngoại xâm đối với vùng đất Quảng Ninh, bảo vệ thành quả mà ông cha đã dày công gây dựng.

Dòng sông Bạch Đằng đoạn chảy qua phường Yên Giang, năm 938, Ngô Quyền đóng cọc gỗ ở sông, đem quan khiêu chiến nhử quân giặc vào trận địa bố trí rồi tung quân đánh tan chiến thuyền giặc Nam Hán, mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự chủ của nước Đại Việt.

Năm 981, Lê Hoàn theo cách đánh của Ngô Vương Quyền, sai quân sĩ trống cọc gỗ ở sông để cản quân xâm lược nhà Tống, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.

Đặc biệt, chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 dưới sự chỉ huy của Trần Quốc Tuấn đã khẳng định sức mạnh không thể nào lay chuyển được của quân dân Đại Việt, phá tan âm mưu cướp nước ta của đế quốc Nguyên Mông.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.