| Hotline: 0983.970.780

Vẻ đẹp vỉa hè đô thị

Thứ Sáu 09/02/2018 , 10:05 (GMT+7)

Ngoảnh lại năm 2017, thấy chuyện vỉa hè Sài Gòn thật sự nóng bỏng vì một chiến dịch ra quân rầm rộ nhằm lập lại trật tự lòng lề đường đô thị.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ nhân văn và gần gũi hơn, sẽ phát hiện vỉa hè Sài Gòn có vẻ đẹp riêng, rất đặc trưng và rất thân thiện. Những đợt nghỉ lễ dài ngày, khi những cư nhân nháo nhào chọn lựa những chuyến đi xa khác nhau để rời khỏi không khí ngột ngạt phố xá đông đúc, thì không gì thú vị bằng đếm từng bước chậm thong dong trên vỉa hè Sài Gòn.

10-40-58_vi-he-si-gon
Ảnh minh họa

Sài Gòn càng ngày càng phình to hòng gánh vác dòng người di cư cứ tăng dần đều theo từng năm. Những khu đô thị mới sang trọng được mọc lên, và xuất hiện những cái tên mang đầy sự kiêu hãnh của đẳng cấp thượng lưu như Phú Mỹ Hưng hoặc Thảo Điền. Thế nhưng, muốn tìm hồn vía đích thực của Sài Gòn phải chạm chân lên vỉa hè quận 1. Không phải ngẫu nhiên mà người Sài Gòn đúc kết “ăn quận Năm, nằm quận Ba, la cà quận Nhứt”. Vỉa hè trung tâm quận 1 là một Sài Gòn thu nhỏ. Nơi ấy, tính cách Sài Gòn, phong vị Sài Gòn, nghĩa cử Sài Gòn, màu sắc Sài Gòn đều hiển lộ đầy đủ và thuyết phục.

Bây giờ Sài Gòn đã có phố đi bộ Nguyễn Huệ và phố đi bộ Bùi Viện. Đá hoa cương được lát thẳng tắp và hào nhoáng, phô diễn sự văn minh thời hội nhập. Thế nhưng, hai con phố đi bộ ấy chỉ dành cho người lần đầu đến Sài Gòn tham quan, còn để thấu hiểu Sài Gòn thì nhất định phải đi bộ dọc những vỉa hè đơn sơ và mộc mạc.

Tôi đã sống ở Sài Gòn hơn 20 năm, nhưng chưa bao giờ nguôi thích thú khi đi bộ trên vỉa hè Nguyễn Du và vỉa hè Huyền Trân Công Chúa bao bọc Dinh Độc Lập. Vỉa hè Nguyễn Du có những hàng me xanh mát, còn vỉa hè Huyền Trân Công Chúa có những hàng dầu cao vút. Tôi không phải mẫu người quá lãng mạn, nhưng vẫn cảm giác thư thái lạ lùng mỗi khi qua đây. Khu vực này không sầm uất bán mua, mà ngưng tụ cả sự phóng khoáng của Sài Gòn hoa lệ.

Giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở Sài Gòn là một hành động đáng ủng hộ. Bởi lẽ, trung tâm Sài Gòn có những con đường ngắn vài trăm mét, nhưng vỉa hè rất đẹp như Ký Con, Đặng Thị Nhu hoặc Phùng Khắc Khoan. Thật lãng phí khi đưa ra kế hoạch làm lại vỉa hè Sài Gòn tiêu tốn ngàn tỷ đồng, vì có những đoạn vỉa hè đã tồn tại hơn thế kỷ, mà mỗi viên gạch đều là một kỷ vật vô giá. Nếu biết cách gìn giữ và tôn tạo thì nét cổ xưa của vỉa hè sẽ trở thành minh chứng cho lịch sử đô thị Sài Gòn.

Có một con đường ít người để ý, nhưng chỉ cần ai ghé qua một lần sẽ nhớ mãi. Đó là con đường Chu Mạnh Trinh nằm phía sau Green Power và khách sạn Sofitel. Vỉa hè Chu Mạnh Trinh có nhiều gốc cổ thụ và nhiều bức tường rêu xanh.

Thế nhưng, đó không phải một phim trường tĩnh lặng của miền hoài niệm, mà có nhiều hoạt động mua bán và dịch vụ vừa nhộn nhịp vừa yên ả. Một bên vỉa hè là những quầy thực phẩm Hà Nội dành cho người gốc Bắc, còn một bên vỉa hè là những tiệm hớt tóc di động đặc thù của người gốc Nam. Một bên bày ra một nia bánh cốm và ô mai, một bên bày ra… bộ đồ nghề hớt tóc. Nếu nhìn thấy cái ghế chỏng chơ và cái gương treo lủng lẳng, cứ tưởng món đồ cũ của nhà nào vứt đi. Thế nhưng, chỉ cần khách dừng lại ngó dọc ngó ngang, thì anh thợ hớt tóc đang uống chè chén ở vỉa hè bên kia sẽ chạy về phục vụ.

Cách đây chừng 5 năm, giáo sư Annette Kim - một chuyên gia về đô thị và quy hoạch của Viện Công nghệ Massachusetts - Mỹ cùng vài cộng sự đã đến Sài Gòn để thực hiện một công trình nghiên cứu rất công phu về vỉa hè Sài Gòn, với tiêu chí: “Phương pháp của chúng tôi không phải từ trên xuống mà lặn vào trong cuộc sống. Du khách các nước cho tôi biết cái họ thích nhất ở Sài Gòn là vỉa hè, đặc thù rất khác với Singapore, Hong Kong.

Tôi mong TP.HCM sẽ tổ chức, quản lý vỉa hè cho tốt hơn, phù hợp văn minh đô thị chứ đừng “quét sạch” các quán cóc và các gánh hàng rong. Mỗi quán cóc và mỗi gánh hàng rong chiếm một chỗ khiêm tốn trên vỉa hè là một cuộc đời, thậm chí là nhiều cuộc đời!”.

Sau đó, giáo sư Annette Kim đã cho xuất bản cuốn sách “Thành phố vỉa hè: Lập bản đồ không gian công cộng TP.HCM”. Giáo sư Annette Kim chia sẻ: “Vỉa hè đa chức năng, cũng giống như khái niệm sử dụng đất hỗn hợp, là một phần tạo nên một thành phố sôi động, bền vững và đóng góp vào sinh hoạt cộng đồng. Vỉa hè ở TP.HCM còn dạy cho các nhà quy hoạch về chiều thời gian trong quy hoạch không gian công cộng, vốn cho phép sự linh hoạt và chia sẻ không gian, đặc biệt ở những thành phố chật chội. Cuộc sống vỉa hè là một trong những ấn tượng đậm nhất mà TP.HCM để lại trong lòng du khách.

Tôi đã khảo sát du khách quốc tế từ bốn nhóm ngôn ngữ khác nhau xem họ chia sẻ những gì về chuyến đi tới thành phố và 40% những trao đổi là về vỉa hè. Họ yêu thích các món ăn, uống cà phê, trò chuyện với người dân địa phương, ngồi trên những chiếc ghế nhựa và nhìn cuộc sống diễn ra trên vỉa hè. Đô thị Sài Gòn khiến nhiều du khách hồi tưởng về quá khứ và tiếc rằng cuộc sống vỉa hè đã biến mất khỏi quê hương họ. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng kinh tế vỉa hè là một phần quan trọng của an sinh xã hội. Một số ước tính rằng nền kinh tế vỉa hè cung ứng tới 30% việc làm và lượng thực phẩm cho thành phố”.

Không rõ tích tụ từ tập quán bao đời, vỉa hè Sài Gòn trở thành nơi cộng sinh của những mảnh đời khác nhau. Tôi cho rằng, đó là một đặc trưng hiếm có của Sài Gòn. Chủ tiệm sang trọng vẫn chấp nhận hai phía cửa hàng có… hai đơn vị ăn theo là một bà hàng rong đặt ké quang gánh và một chiếc xe đẩy bán bắp luộc, khoai nướng. Chưa kể xung quanh còn có vé số và đánh giày lai vãng.

Vì sao? Vì chủ tiệm sang trọng vẫn tin rằng mình không hề bị cạnh tranh mà còn giúp đỡ được kẻ thua thiệt hơn có cơ hội mưu sinh. Hơn nữa, chủ tiệm sang trọng không bao giờ tiết kiệm thắp thêm một cái bóng điện hoặc cho không một xô nước để những người đang nương tựa vỉa hè thuận lợi kiếm sống.

Nếu bỏ qua những khoản “phí” mờ ám, thì vỉa hè Sài Gòn đặt ra mô hình kinh tế cực kỳ thú vị. Cái gọi là quán cóc cũng có kiểu hợp tác riêng. Người bán hủ tíu, người bán bánh mì và người bán cà phê cùng chung tiền lại để mua mấy bộ bàn ghế nhựa. Khách vào, kêu món của người nào thì người ấy bưng ra, sau đó thu tiền và tự lau dọn. Không tị hiềm, không khích bác, không đố kỵ. Thậm chí, họ còn tiếp thị cho nhau. Có lần, tôi ngồi ở vỉa hè đường Nguyễn Bỉnh Khiêm vào sáng sớm, chị bán cà phê vừa đặt cái ly xuống liền gợi ý: “Anh ăn điểm tâm chưa? Bún riêu của chị kia ngon lắm!”. Họ có quan hệ gì với nhau đâu, nhưng vẫn hỗ trợ nhau để cùng tồn tại theo phương pháp chân thành của những người lương thiện!

Vỉa hè Sài Gòn gồng gánh bao nhiêu số phận? Tôi đã từng tự hỏi như vậy, mà không cách nào trả lời rành mạch được. Vỉa hè Sài Gòn, những gánh hàng rong di chuyển liên tục, còn một địa điểm cố định cũng được phân chia một cách khoa học. Đừng ngạc nhiên, khi chứng kiến cái góc vỉa hè quen thuộc, buổi sáng thấy một chị bán bò kho, buổi trưa thấy một bác bán cơm bụi, buổi chiều thấy một cô bán chè bưởi, còn buổi tối thấy một anh bán thịt nướng. Người bán xong thì thu xếp gọn gàng cho người bán tiếp. Không một lời nặng nhẹ, không một câu hờn trách. Tất cả cứ tuần tự, đầy trách nhiệm và đầy tự trọng!

Nếu kinh tế vỉa hè bị triệt tiêu thì vẻ đẹp của Sài Gòn sẽ bị hao hụt. Có những món ăn vỉa hè Sài Gòn ngon gấp mấy lần món ăn ở các nhà hàng tiêu chuẩn quốc tế. Mặt khác, cái không gian cởi mở và thân thiện của vỉa hè Sài Gòn thì chẳng có cái đại sảnh thơm tho của khách sạn năm sao nào so sánh được. Trên vỉa hè Sài Gòn, con người được bộc lộ thái độ yêu ghét của họ rõ ràng nhất, trong sáng nhất, vô tư nhất.

Xem thêm
Chiêm ngưỡng màn trình diễn đổ bánh xèo khổng lồ

CẦN THƠ Người dân háo hức chiêm ngưỡng 15 nghệ nhân trình diễn đổ chiếc bánh xèo khổng lồ, đường kính 3m phục vụ 1.000 khách tham quan tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ.

Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

Tiền đạo Đình Bắc báo tin không vui

Tiền đạo Nguyễn Đình Bắc có nguy cơ phải nghỉ hết vòng bảng giải U23 châu Á 2024 vì chấn thương cổ chân.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm