| Hotline: 0983.970.780

Về Hưng Hà xem "hương ước mới"

Thứ Bảy 04/01/2014 , 08:22 (GMT+7)

Tên chính thức của văn bản là "Quy ước làng văn hóa", nhưng người dân Hưng Hà (Thái Bình) thì vẫn quen gọi một cách nôm na là "Hương ước", và ai nấy đều tỏ ra rất hãnh diện về bản "Hương ước mới".

Tên chính thức của văn bản là "Quy ước làng văn hóa", nhưng người dân Hưng Hà (Thái Bình) thì vẫn quen gọi một cách nôm na là "Hương ước", và ai nấy đều tỏ ra rất hãnh diện về bản "Hương ước mới", "Hương ước xã hội chủ nghĩa" của làng mình khi được chúng tôi hỏi chuyện.

Anh Đặng Văn Hải, một nông dân làng Vân Đài (xã Chí Hòa) khoe: Hương ước làng tôi quy định đầy đủ, rõ ràng lắm, mà lại dễ hiểu. Nào là phát triển kinh tế, xây dựng NTM; Nào nếp sống văn hóa; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em; Nào khen thưởng kỷ luật…

Ai cũng theo đúng như thế thì làng xóm bình yên, môi trường trong lành, cưới hỏi, tang ma vừa văn hóa vừa tiết kiệm. Lại còn có cả lời nói đầu viết về lịch sử của làng. Đọc, mới biết làng tôi đã có trên 700 năm, do công chúa Diệu Dong con vua Trần Nhân Tông lập ra. Năm 1945, làng có 19 người chết đói.

Bây giờ thì cái ăn cái mặc đã không thành vấn đề nữa rồi, mà làng còn có đến 5 tiến sĩ, 1 trung tướng, còn thượng tá, đại tá thì cả chục ông. 100% nhà trong làng đã thành nhà kiên cố, nhà nào cũng có xe máy, tivi, nồi cơm điện… đường làng ngõ xóm đã bê tông hóa toàn bộ. Đọc hương ước, thấy hiểu và yêu làng mình hơn.

Qua những ý kiến như trên, đủ thấy tinh thần của những bản "hương ước mới" đã thấm sâu vào người dân Hưng Hà đến mức nào.


Cán bộ phòng Tư pháp huyện Hưng Hà trao đổi với Chủ tịch UBND xã Chí Hào về quy ước văn hóa làng

Ông Nguyễn Thanh Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, có tiêu chí về xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Đó là tiêu chí thứ 6: Mỗi làng có một nhà văn hóa, mỗi xã có một trung tâm văn hóa… Cơ sở vật chất văn hóa, đương nhiên là rất quan trọng, nhưng chính quy ước làng văn hóa mới là linh hồn của NTM, bởi nó hướng con người đến cách hành xử văn hóa từ gia đình, dòng họ, làng xóm đến xã hội, thượng tôn pháp luật, khiến người dân thay đổi cả từ tư duy kinh tế đến nếp sống.

Rồi đây, tất cả các làng xã đều trở thành làng xã NTM chứ không chỉ như hiện nay, mới có một số xã được chọn để xây dựng mô hình. Chính vì vậy mà chúng tôi đã tổ chức xây dựng quy ước làng văn hóa trên toàn bộ 266 làng, tổ dân phố của 33 xã, 2 thị trấn, coi như văn hóa đi trước một bước…

Còn theo Trưởng phòng Tư pháp huyện Lê Minh Tuấn, thì Hưng Hà là vùng đất cổ, là đất phát nghiệp của vương triều Trần. Thời phong kiến, đa số các làng trong huyện đều đã có hương ước. Hiện nay nhiều làng còn giữ được hương ước cổ. Khi bắt tay xây dựng quy ước làng văn hóa, những hương ước cổ đó đã được khai thác. Những nét đẹp, những tinh hoa của văn hóa làng xã được hình thành, vun đắp từ ngàn năm trước, thể hiện trong các hương ước cổ đều được bảo tồn và đưa vào quy ước.

Nhưng hương ước cổ có điều dở là lệ làng nhiều khi mâu thuẫn với phép nước. Quy chế làng văn hóa hiện đại mà Hưng Hà xây dựng là sự hài hòa, thống nhất giữa những nét đẹp truyền thống, những phong tục tập quán của làng quê Việt Nam với những quy định trong chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó tinh thần và ý thức thượng tôn pháp luật được đặc biệt đề cao và xuyên suốt các bản quy ước…

Xem hai bản hương ước cũ và mới của làng Vân Đài, chúng tôi thấy đúng như lời ông Tuấn nói. Tương truyền 2 làng Vân Đài (xã Chí Hòa) và Tam Đường (xã Tiến Đức) do 2 công chúa con vua Trần Nhân Tông là Diệu Dung (chị) và Diệu Dong (em) mộ dân khai khẩn đất hoang lập thành. Diệu Dung ở Tam Đường còn Diệu Dong ở Vân Đài. Khi mất, cả 2 bà đều được dân lập đền thờ.

Vì 2 bà là chị em nên sau khi 2 bà mất, 2 làng Tam Đường và Vân Đài có tục "giao chạ" để tưởng nhớ tới 2 vị có công lập làng. Rằm tháng hai hằng năm, Vân Đài cử 65 người lên Tam Đường dự lễ giỗ công chúa Diệu Dung và ngược lại, rằm tháng 9 hằng năm, trên Tam Đường lại cử 84 người xuống Vân Đài dự lễ giỗ công chúa Diệu Dong.

Vì sao lại là 65 và 84 người thì cho đến nay các cụ cả 2 làng đều chưa rõ. Gọi là dự lễ giỗ, nhưng thực ra đó là một cuộc giao lưu văn hóa giữa 2 làng. Mỗi khi làng nọ gặp chuyện không may như mất mùa, thiên tai… làng kia đều tổ chức quyên góp giúp đỡ, thăm hỏi.

Truyền thống tốt đẹp đó được lưu giữ hàng trăm năm nay. Bản hương ước mới của Vân Đài và Tam Đường ngày nay đều trân trọng đưa nét đẹp đó vào. Lễ giao chạ được tổ chức rất trọng thể, trở thành ngày hội của 2 làng …

Để xây dựng được quy chế làng văn hóa cho toàn bộ 266 làng, tổ dân phố trên toàn huyện, Hưng Hà đã phải đầu tư khá nhiều công sức và trí tuệ, bởi để ra đời được một bản quy ước phải mất rất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn.

Trên cơ sở Quyết định số 325/2003/QĐ-UB của UBND tỉnh Thái Bình, UBND huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho từ trưởng thôn, bí thư chi bộ đến lãnh đạo các xã. Bắt tay vào xây dựng quy ước, trưởng thôn và bí thư chi bộ, trưởng ban MTTQ thôn sẽ thống nhất nội dung và chỉ định các thành viên soạn thảo. Đó là những người có trình độ văn hóa, hiểu sâu về pháp luật và những phong tục, tập quán của làng, có uy tín, có phẩm chất đạo đức tốt…


Đường giao thông nông thôn ở xã NTM Hồng Minh huyện Hưng Hà

Sau khi hoàn thành, bản dự thảo sẽ được trình lên lãnh đạo xã và được đưa ra lấy ý kiến toàn dân. Những ý kiến đóng góp được ban soạn thảo tiếp thu, đưa vào dự thảo để chỉnh sửa, và lại phải đưa ra thông qua trước toàn dân một lần nữa. Chỉ khi đạt được sự đồng thuận của toàn dân rồi, lúc đó mới đến khâu phê duyệt ở cấp xã. Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch UBMTTQ xã và Chủ tịch HĐND xã là 3 người chịu trách nhiệm xem xét bản quy ước này.

Sau khi thống nhất thông qua bản quy ước và tờ trình của trưởng thôn, bản quy ước sẽ được cấp xã trình lên huyện cùng với biên bản của những lần họp dân. Trên huyện, Phòng Tư pháp được UBND huyện giao chủ trì, phối hợp với một số phòng ban khác như Phòng Văn hóa, Ban Tôn giáo, Phòng Tài nguyên và Môi trường… để thẩm định những bản hương ước đó.

Từ khi được ban hành, những bản hương ước mới đã làm cho đời sống văn hóa của Hưng Hà mang một sắc diện văn hóa mới.

"Một bản quy ước làng văn hóa đạt yêu cầu là bản quy ước mà toàn bộ những điều khoản trong đó phải hợp hiến, hợp pháp, hợp với thuần phong mỹ tục… Thẩm định xong, Phòng Tư pháp lập tờ trình để Chủ tịch UBND huyện đích thân xem xét lại một lần nữa, trước khi ra quyết định phê duyệt. Và chỉ sau khi có quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND huyện, bản quy ước văn hóa làng mới có giá trị thi hành". - Trưởng phòng Tư pháp huyện Lê Minh Tuấn.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất