| Hotline: 0983.970.780

Về nơi nghìn người lấy chồng ngoại

Thứ Hai 20/12/2010 , 10:51 (GMT+7)

Lấy chồng ngoại quốc không còn là chuyện xa lạ đối với mỗi làng quê. Tuy nhiên, xã có cả nghìn cô gái lấy chồng ngoại thì đáng chú ý.

Lấy chồng ngoại quốc không còn là chuyện xa lạ đối với mỗi làng quê. Tuy nhiên, xã có cả nghìn cô gái lấy chồng ngoại thì đáng chú ý. Câu chuyện xảy ra ở hai huyện Kiến Thụy và Thủy Nguyên của Hải Phòng.

THÔI ĐÀNH NÉN TIẾNG THỞ DÀI 

Ngôi nhà được xây từ tiền con gái đi lấy chồng ngoại

Xã hội từng có thời gian lên án gay gắt các cô gái lấy chồng ngoại là những thành phần lười lao động nhưng lại ham cuộc sống xa hoa. Nhưng khi đi sâu vào tìm hiểu rõ ngọn ngành, chúng tôi  thấy một sự thật đáng suy ngẫm. Có một số lượng lớn các cô gái tuổi đời mới mười tám đôi mươi chấp nhận lấy một người chồng không tình yêu chỉ vì muốn báo hiếu cha mẹ.

"Nhà Uôn, nhà Đài" 

Chúng tôi về xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy khi những cánh phượng của mảnh đất này đang trong thời gian “ngủ đông”. Tuy nhiên, màu đỏ rực của hoa phượng đã được thay thế bằng màu đỏ tươi của những viên gạch tuy-len ốp tường hiển hiện ở hầu hết các căn nhà, con đường, ngõ ngách của huyện miền biển này. Trong lòng chúng tôi mừng thầm vì đinh ninh bà con ngư dân nơi đây ăn nên làm ra lắm nên nhà cửa mới lộng lẫy khang trang như vậy.  

Song, khi hỏi người dân vùng biển này về cái sự giàu có ấy họ chỉ gượng ghịu cười trả lời qua loa rằng "nhà Uôn, nhà Đài đó". Thấy mặt chúng tôi ngơ ngác, bà bán quán cóc đầu làng không ngần ngại xổ toẹt: “Thì những cái nhà lộng lẫy đó là do có con gái đi lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan gửi tiền về xây chứ có gì đâu mà phải giấu mới giếm. Uôn ở đây là tiền Hàn Quốc còn Đài nghĩa là Đài tệ (tiền của Đài Loan), đơn giản vậy thôi”. 

Chúng tôi vào thăm nhà anh Hùng (*) khi anh đang hoàn thiện nốt ngôi nhà to nhất nhì thôn 3, xã Tú Sơn. Anh Hùng có hai cô con gái sinh đôi thi trượt đại học năm ngoái đều đã lấy chồng ngoại cách đây không lâu. Tỉ tê hỏi chuyện tôi được anh cho biết, tiền xây nhà hết hơn 500 triệu đồng do hai cô con gái, một lấy chồng Hàn Quốc một lấy chồng Đài Loan gửi về. Trong câu nói vui vẻ nhưng chất chứa bên trong là cả một nỗi buồn sâu thẳm, anh Hùng khoe hai con gái may mắn lấy được những người chồng tốt tính nên thỉnh thoảng chúng lại gửi về cho bố, mẹ vài trục triệu đồng lấy tiền xây nhà. Anh Hùng cũng thú thật, nếu không có tiền do con gái gửi về thì cả đời vợ chồng anh đầu tắt mặt tối cũng không bao giờ dám mơ ước có được ngôi nhà khang trang đến vậy. 

Không hiểu sao trong suốt cuộc trò chuyện, ông Khuôn luôn è dè, lảng tránh mỗi khi chúng tôi đề cập tới việc các cô gái làng ông thi nhau lấy chồng ngoại. Mãi sau này khi gặp một vị cán bộ xã tôi mới biết gia đình ông Khuôn cũng có một cô con gái lấy chồng Đài Loan.
Chúng tôi tìm đến thôn 3, làng Quần Mục vì biết đây là một trong những nơi có nhiều người đi lấy chồng ngoại nhất nhì xã Đại Hợp, thì được ông Trưởng thôn Đào Trọng Khuôn chia sẻ, có một sự thật buồn rười rượi ở các gia đình có con đi lấy chồng ngoại quốc là họ rất mặc cảm, xấu hổ vì bị dân làng thường xuyên móc máy. Gia đình nào có con đi lấy chồng Hàn Quốc hay Đài Loan mà xây nhà cao cửa rộng là lập tức ngôi nhà đó được gọi là "nhà Uôn, nhà Đài" ngay. Chính vì vậy những ông bố, bà mẹ nào có con sang sông với người xa xứ rất sợ phải đi ăn cỗ bởi đó là lúc họ dễ trở thành trung tâm cho những câu nói mát, nói kháy của người đời. 

Vì miếng cơm manh áo 

Phải thừa nhận một thực tế có một bộ phận không nhỏ các cô gái lấy chồng ngoại vì mơ ước một cuộc sống xa hoa. Nhưng khi tìm hiểu kỹ phong trào lấy chồng ngoại ở Hải Phòng, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, có cả trăm ngàn lý do để những cô gái kia sẵn sàng lên xe hoa với những chàng trai không hề quen biết. Tuy nhiên, đa số các cô gái chấp nhận lấy chồng xa xứ mục đích chính vẫn không gì khác ngoài gánh nặng cơm áo, gạo tiền. 

Ông Hoàng Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy giở cuốn sổ theo dõi kết hôn, lo lắng cho biết, số lượng phụ nữ ở Đại Hợp kết hôn với người nước ngoài đã lên tới con số gần 800 người. Tưởng ông Tiến nói nhầm 80 thành 800, tôi ngó lại cuốn sổ ghi chép thì quả thực số thứ tự ghi những cô gái người Việt kết hôn với những chàng trai có cái tên như: Lee Kyo Seon, Lin Chin Sen, Kim Song Bo, Im Chun Hoo… đã ở con số trên 790. 

Chúng tôi thắc mắc đàn ông, con trai bên Hàn Quốc, Đài Loan có gì hấp dẫn thế mà con gái quê mình lấy họ đến như vậy? Nghe câu hỏi này, ông Tiến lắc đầu ngao ngán lý giải ngọn ngành như sau: Khoảng những năm 1998 - 2000, có một nhóm ngư dân ở Hải Phòng hành nghề đánh cá do thường xuyên qua lại nên quen rất nhiều người bên Đài Loan và biết bên đó cuộc sống rất sung sướng nhưng rất thiếu con gái, vậy là họ về mai mối cho những cô gái quá lứa lỡ thì ở quê sang bên đó lấy chồng. Bên cạnh đó, một số người phụ nữ đi xuất khẩu lao động Đài Loan rồi lấy chồng ở lại bên đó luôn. Dần dà cô em dẫn cô chị, cô dì đưa cô cháu tạo nên phong trào lấy chồng Đài Loan. Việc lấy chồng Hàn Quốc cũng tương tự, ban đầu cũng chỉ có một vài cô gái mạnh dạn đi xuất khẩu lao động rồi lấy chồng và định cư bên đó dẫn mối tạo nên phong trào lấy chồng Hàn. 

Đã làm thủ tục và tư vấn cho hàng trăm con em xã nhà đi lấy chồng ngoại, ông Hoàn Xuân Tiến chua xót bảo, có cô gái đăng ký lấy chồng ngoại chỉ vì muốn biết bên nước họ có giống nước mình hay không? Cô thì thấy trong phim Hàn Quốc lãng mạn quá nên nhất quyết phải sang đó sống mới được, thậm chí nhiều cô muốn biết cảm giác đi máy bay nó như thế nào cũng thực hiện ước nguyện bằng cách đăng ký lấy chồng ngoại. Nhưng ông Tiến cũng đưa ra kết luận đó chỉ là trường hợp cá biệt, còn lại hầu hết cũng chỉ vì miếng cơm manh áo nên đành phải nhắm mắt đưa chân.
Tuy nhiên, theo lời ông Tiến đó chỉ là thời điểm ban đầu. Phong trào lấy chồng ngoại quốc chỉ thực sự trở nên sôi nổi khi những dòng ngoại tệ được rót về làng để rồi những tòa nhà cao tầng mà người ngư dân cả đời đánh cá bạc mặt cũng không có được mọc lên. Nhà này thấy nhà kia to quá nên cũng ao ước có được một căn biệt thự như vậy cho mở mày mở mặt với thiên hạ nên ép con gái đi lấy chồng nước ngoài. 

Nhiều cô gái trót đi lấy chồng ngoại nay phải trở về cũng thật thà tâm sự rằng, không hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán của nhau thì làm gì có tình yêu. Nhưng vì cuộc sống quá khó khăn, bố mẹ lại già cả ốm yếu nên các cô đành tặc lười gửi thân phận yếu ớt mỏng manh của mình sang xứ người với hi vọng sẽ có được một khoản tiền gửi về cho bố mẹ xây lại cái nhà cái cửa cho hẳn hoi để sống lúc tuổi già, chứ thật sự trong thâm tâm họ không ai muốn lấy chồng xa xôi cách trở làm gì cho tủi thân. 

Nói gì thì nói nhưng phải khẳng định một số xã của huyện Kiến Thụy giàu lên không thể không kể đến những đồng tiền ngoại hối do các cô gái lấy chồng nước ngoài gửi về. Điều này được ông Chủ tịch xã Tú Sơn Bùi Nhân Tông lấy dẫn chứng cụ thể như sau: Trước đây thôn 5 thuộc diện nghèo nhất xã Tú Sơn, nhưng sau có gần 100 cô gái đi lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan mà kinh tế của thôn giờ vươn lên vị trí đầu tiên của xã, vậy không phải tiền của họ gửi về thì con ai vào đây được nữa? 

* Nhân vật trong bài viết đã được đổi tên.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.