| Hotline: 0983.970.780

Về nơi nông dân khoe sướng

Thứ Sáu 08/02/2013 , 09:01 (GMT+7)

Có lẽ bộ mặt nông thôn ở Yên Quán chắc sẽ không thay da đổi thịt nhiều như hôm nay, nếu như không có dự án chuyển đổi vùng đất chiêm trũng ở đây thành vùng nuôi thủy sản.

Tìm về xã Bình Định hỏi ra mới biết, nơi mà người ta "quảng cáo" chính là HTXNN Yên Quán của xã. Nhắc tới xã Bình Định, rất nhiều người hẳn biết đây là quê hương của đồng chí Kim Ngọc, cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (cũ) - người được mệnh danh là "cha đẻ của khoán hộ".

Đổi thay để bứt phá

Ở thôn Yên Quán phần lớn diện tích đất nông nghiệp trước đây là rốn chiêm trũng ăn liền ra sông Cà Lồ, tiếp giáp với huyện Bình Xuyên. Từ năm 2006 trở về trước, mỗi năm dân chỉ cấy được một vụ lúa chiêm. Đến tháng tư hàng năm, khi lụt tiểu mãn ụp xuống, nước dềnh lên, lúa gặt chạy lũ không kịp còn bị mất trắng. Từ tháng tư cho đến hết năm, hơn 40 ha đất chiêm trũng ở đây mênh mông nước. Nông dân Yên Quán gặt xong lúa chiêm, hộ nào ít ruộng ở đồng cao, phải túa đi tứ phía làm thuê kiếm sống tới cận Tết mới về.

Có lẽ bộ mặt nông thôn ở Yên Quán chắc sẽ không thay da đổi thịt nhiều như hôm nay, nếu như không có dự án chuyển đổi vùng đất chiêm trũng ở đây thành vùng nuôi thủy sản. Bước ngoặt ấy đến với nông dân Yên Quán vào năm 2006, khi tỉnh Vĩnh Phúc có dự án đầu tư quây vùng, đắp bờ bao kiên cố cho các diện tích đất chiêm trũng một vụ lúa kém hiệu quả để chuyển đổi thành các vùng SX một vụ lúa, một vụ cá chắc ăn.

Trong đó, riêng tại thôn Yên Quán, đến năm 2008, toàn bộ 40 ha đất chiêm trũng đã được đắp xong bờ bao cơ bản. HTX Yên Quán được xã viên ủy quyền tổ chức đấu thầu công khai. Kết quả, đã có 12 hộ dân trúng thầu, với giá thuê đầm khá cao, từ 50 - 80 triệu đồng/đầm/năm để nuôi thủy sản.

Từ chỗ chỉ có hệ thống bờ bao cơ bản, HTX Yên Quán đã tạm thu trước tiền đầm của các hộ đấu thầu trong 2 năm, với số tiền 500 triệu đồng. Từ số vốn ban đầu này, HTX tổ chức thuê máy múc và nhân lực tiếp tục đào đắp, hoàn thiện và chia khu đầm lớn của dự án thành 12 khu đầm riêng biệt dành cho 12 hộ dân, bình quân mỗi hộ nhận thầu 5 - 6 ha. Phải tới cuối năm 2010, công việc nhọc nhằn này mới cơ bản được hoàn tất.


100% đường giao thông trong thôn đã được bê tông hóa

Cơ chế tổ chức SX tại vùng đầm thủy sản chuyển đổi cũng được HTX và xã viên thống nhất rất linh hoạt. Cụ thể, ở vụ lúa ĐX, HTX chỉ cho phép các hộ nhận thầu dành khoảng 1/4 diện tích đất trũng trũng nhất trong đầm để thả cá, diện tích còn lại, các chủ đầm phải rút cạn nước để các hộ cấy lúa. Tháng tư hàng năm, khi dân gặt lúa xong, chủ đầm mới được dâng cao nước để thả cá toàn bộ diện tích đầm cho tới cuối năm.

Từ vùng chiêm trũng bỏ hoang tới 2/3 quãng thời gian trong năm, đến nay, 12 hộ dân đấu thầu đầm ở HTX Yên Quán bình quân mỗi năm thu hoạch từ 10 - 12 tấn cá các loại. Trừ tiền đấu thầu đầm (đầm lớn nhất 80 triệu đồng, đầm bé nhất 50 triệu đồng) và tiền cá giống, mỗi năm các hộ thu lãi trên 150 triệu đồng. Không những thế, từ nhờ chủ động điều tiết nước, từ năm 2008 đến nay, lúa vụ chiêm ở đây chắc làm chắc thắng, không còn cảnh phải mất trắng hay chạy lũ tiểu mãn, năng suất đều đều đạt hơn 2,5 tạ/sào.

Quà tết cho nông dân

Thôn Yên Quán mỗi dịp giáp Tết bây giờ vui như trẩy hội, bởi đây là thời điểm các chủ đầm cá bước vào vụ thu hoạch phục vụ bán Tết. Vui hơn nữa, từ năm 2011, nhờ có tiền đấu thầu đầm cá mà HTX Yên Quán còn có một khoản tiền lớn dôi dư để chia cho các hộ dân trong thôn ăn Tết.

Dẫn tôi ra thăm vùng đầm nuôi thủy sản phía tây của thôn Yên Quán, bây giờ đã ngút ngàn những dãy chuối bao bọc những đầm cá bắt đầu rút nước chuẩn bị thu hoạch dần vào dịp Tết, anh Nguyễn Xuân Luận, Chủ nhiệm HTX Yên Quán hồ hởi khoe: Năm 2011, do toàn bộ hệ thống bờ bao ở vùng đầm đã hoàn thiện nên tiền đấu thầu đầm dư ra tới 550 triệu đồng, HTX trích lại một nửa số tiền này để duy trì các công tác khác. Số còn lại, đại hội xã viên được tổ chức vào ngày 25 Tết, ngoài việc được "đánh chén" một hôm, đã thống nhất trích ra 260 triệu đồng từ tiền đấu thầu đầm cá để chia cho các hộ dân ăn Tết. Bình quân mỗi khẩu được 120 nghìn đồng. Năm nay, HTX Yên Quán vẫn giữ nguyên khoản chi khoảng 260 triệu đồng cho bà con trong thôn sắm Tết.

Lấy thủy sản "khoan sức dân"

Đứng trên con đường làng trải bê tông phẳng lì, phóng tầm mắt xuống cánh đồng Mảy Nghi - nơi tập trung chủ yếu diện tích đất hai lúa của HTX Yên Quán thời điểm này mới thấy sướng mắt. Cả cánh đồng rộng hơn 160 ha tịnh không thấy một thửa đất nào bỏ hoang. Rau màu vụ đông xanh ngút tầm mắt, len lỏi tới tận từng ô đất chỉ rộng như cái nong cái nia ven đường làng. Anh Đào Văn Vượng, trưởng thôn Yên Quán quả quyết rằng, ít ở đâu, tỉ lệ cây trồng che phủ tới 99% diện tích bề mặt đất nông nghiệp như ở HTX Yên Quán.

Đồng đất ở xã Bình Định toàn đất pha cát bở tơi, hôm nào HTX bơm nước từ khu đầm trũng lên, dân cứ phải túc trực 24/24h ngoài mặt ruộng, thức đêm è cổ mà tát nước, nhưng chỉ vài ngày sau, ruộng lại khô trơ đất. Nhọc nhằn thế nhưng mỗi vụ năng suất cao, chỉ nổi hơn 1 tạ/sào là mừng. Sự cơ cực ấy có lẽ chỉ chấm dứt từ năm 2008 trở về đây. Nhờ kinh phí từ tiền đấu thầu đầm cá, HTX Yên Quán đã trích hàng trăm triệu đồng mỗi năm và vận động thêm sự đóng góp của người dân, tiến hành "nổi hóa" hoàn toàn hệ thống kênh thủy lợi của HTX. Cùng với việc dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, đến nay, 100% diện tích đất hai lúa trong xã đã có hệ thống kênh nội đồng chạy thằng tắp vào tận chân ruộng.

Một lí do khác khiến nông dân ở HTX Yên Quán khoe "làm ruộng sướng", đó là cùng với chính sách miễn 100% thủy lợi phí tới tận chân ruộng mà tỉnh Vĩnh Phúc đang áp dụng, nông dân ở đây hiện nay chỉ còn phải đóng 1 loại thuế, đó là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Trưởng thôn Đào Văn Vượng nhớ lại: Từ năm 2008 trở về trước, bên cạnh các khoản thu của Ủy ban, dân còn phải nộp hàng chục khoản phí, quỹ cho HTX. Nào là quỹ thủy lợi nội đồng, nào là quỹ bảo vệ đồng ruộng, công diệt chuột, khuyến nông, dự báo sâu bệnh... Mỗi khoản thu chỉ lặt vặt vài cân thóc, nhưng tổng cộng, mỗi sào đất bình quân HTX cũng bổ lên đầu nông dân hơn 15 kg thóc.

Thế nhưng từ năm 2008 đến nay, cũng nhờ có kinh phí từ tiền đấu thầu đầm cá, xã viên đã nhất trí cho HTX trích một phần kinh phí từ tiền đấu thầu đầm cá để vừa làm quỹ, vừa tự trả công cho đội ngũ nhân viên điều hành của HTX.

+ Đến nay, HTX không còn phải thu của dân bất kỳ khoản gì. "Dân ở đây, bây giờ một năm chỉ phải đóng duy nhất một khoản thuế đất phi nông nghiệp, như nhà tôi chỉ vỏn vẹn hơn 43 nghìn đồng/năm, ngoài ra không phải đóng bất kỳ khoản thu nào khác" - anh Vượng cho biết. 

 

+ Từ một vùng đất chiêm trũng bỏ hoang, đến nay nhờ thủy sản mà bộ mặt nông thôn ở HTX Yên Quán đã "lột xác" hoàn toàn. Bên cạnh việc trích kinh phí đấu thầu đầm thủy sản để "khoan sức dân", năm 2008, xã viên ở HTX Yên Quán đã thống nhất chi hơn 90 triệu đồng để bê tông hóa hơn 700 m đường làng.

Đến nay, người dân cùng với HTX Yên Quán đã tự nguyện đóng góp tiền và công lao động, bê tông hóa gần 100% đường làng ngõ xóm. Trong 5 năm trở lại đây, trong thôn không có ai xây mới nhà cấp bốn, chỉ toàn nhà tầng. Hiện cả thôn ước có 40% nhà cao tầng.

Hỏi vì sao dân Yên Quán khá thế, nông dân ở đây bảo: "Thực ra chỉ làm ruộng thì không dư giả thế, dân toàn phải đi làm nghề phụ. Có điều, làm ruộng giống như hậu phương. Phụ nữ ở quê, làm hậu phương vững chắc, đàn ông đi làm xa mới yên cái bụng để "cày kéo" thì mới có của ăn của để như thế".

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm