| Hotline: 0983.970.780

Về xã đại tang

Thứ Sáu 28/01/2011 , 09:18 (GMT+7)

Tròn 90 ngày mà tại vùng đất Ngư Lộc, người ta phải hai lần làm lễ cầu siêu cho 18 nạn nhân bị mất tích trên biển khi đang tìm đường trú.

Ông Nguyễn Văn Mẫu đang kể chuyện về đứa con mất tích cho chúng tôi nghe

Nguyễn Văn Chữ rồi đến Nguyễn Văn Hợp và nay là Tăng Văn Xô là tên của 3 thuyền trưởng của những con tàu định mệnh trên biển khơi đại dương mênh mông đã cướp đi 27 sinh mạng của con em Ngư Lộc (Hậu Lộc- Thanh Hóa) trong vòng 2 năm qua.

Tròn 90 ngày mà tại vùng đất Ngư Lộc, người ta phải hai lần làm lễ cầu siêu cho 18 nạn nhân bị mất tích trên biển khi đang tìm đường trú.

Sáng 23 tháng Chạp, trên các cung đường của TP Thanh Hóa, người ta đang nhộn nhịp cho việc chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo theo tục lệ. Còn ở xã Ngư Lộc, khi chúng tôi đặt chân đến nơi đây thì không khí ảm đạm, tang thương vẫn bao trùm ở những căn nhà lụp xụp nơi xóm nhỏ ven bờ đê trong cái lạnh buốt giá. Ở đó, có 0,47 km2 nhưng tới 18 ngàn người dân sinh sống. Người dân hầu hết đều sống dựa vào nghề biển. Những ngày biển động thì cả xã chật kín người. Với họ, nghề đi biển cũng chỉ mong kiếm kế sinh nhai, nhưng biển khơi thì hiểm nguy luôn rình rập. Hầu hết những ngư dân mất tích trên những con tàu kia là trụ cột chính trong gia đình. Rồi đây người vợ, người mẹ và những đứa con thơ không biết sẽ bấu víu vào đâu. Cuộc sống của các gia đình đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Họ đang nhìn cái Tết nguyên đán Tân Mão trong cảm giác xa xăm, cô quạnh.

Ông Đặng Văn Ngữ- Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc nói chuyện trong tâm can ruột gan nhói đau như cắt. Bởi trong số những người con quê hương bị mất tích trên biển, bản thân ông cũng có người anh trai bị mất tích hồi tháng 10 năm 2010. Có lẽ với cương vị của một người đứng đầu địa phương thì không có nỗi đau nào bằng nổi đau mất dân. Tết Tân Mão đang cận kề, người ta đang lo sắm Tết với đủ thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh. Vậy mà ở Ngư Lộc tang thương đang bao trùm lên mảnh đất nghèo trơ trọi đó.

Bên di ảnh của hai người con trai Nguyễn Văn Thành (26 tuổi) và Nguyễn Văn Thu (24 tuổi), ông Nguyễn Văn Mẫu (62 tuổi) khóc nức nở và nghẹn ngào cho đến khi ngất lịm. Mãi một hồi sau, khi mở được mắt nhìn thấy mọi người, ông mới kể được trong sự tiếc thương các con. Ông Mẫu nói: “Tết nhất đến nơi rồi, người ta thì chờ con về để đoàn tụ, ăn Tết. Vậy mà thân già này mấy ngày nay cứ ngóng trông ngoài biển khơi trong sự tuyệt vọng đợi chờ hai con. Thằng Thu nó tính tháng 12 này là cưới vợ. Tôi thì mong chúng nó cưới vợ để yên bề gia thất. Ngày nó ra khơi nói là sẽ cố gắng làm tốt, mong cho biển lặng trời yên để chuyến này về có tiền cưới vợ và cho cha mẹ mua sắm Tết”. Nói tới đây, rồi ông Mẫu lại lịm đi.

Chị Tô Thị Hương (34 tuổi) và 4 người con thơ dại mõi mòn chờ mong tin chồng. Mấy ngày nay, xóm nhỏ ven đê không khí tang thương bao trùm và căn nhà của mấy mẹ con chị cũng vậy. Sau lễ cầu siêu do cấp ủy, chính quyền địa phương và dòng họ tổ chức, chị đã lập bàn thờ và đặt di ảnh chồng lên để thắp hương. Chị nói: “Trước khi mất liên lạc với chồng mấy ngày, em có nói với anh ấy là gần Tết rồi nên về sớm chứ không nên làm cố mà vất vả, ở nhà vợ và các con trông mong. Rồi anh ấy bảo em sau chuyến đi này sẽ chuyển lên bờ làm việc gì đó chứ đi biển hoài cũng không thấy khá lên được mà còn vất vả thêm”.

Kế hoạch của anh Tăng Văn Xô (vợ chị Hương) và của anh Thu (con trai bác Mẫu) vẫn chưa thành khi mà mỗi ngày gia đình biền biệt tin tức. Cuộc sống của những người dân làng biển Ngư Lộc vẫn chưa biết tìm ra hướng đi mới nếu không bám lấy biển khơi. Ông Trần Văn Lưu- người phụ trách Đài thông tin duyên hải của huyện đóng trên địa bàn xã Ngư Lộc nói: “Dù có gian nguy đến thế nào nữa thì dân vùng biển cũng không thể bỏ biển được. Bởi giờ đất sản xuất không có, đất ở thì chật chội. Phần lớn lao động đều đi nghề biển từ lúc 13, 14 tuổi nên không được học hành. Cho nên không đi biển thì cũng chẳng biết đi đâu, làm gì mà kiếm sống cả. Đi biển bây giờ còn góp phần bảo về chủ quyền biên giới quốc gia nữa. Vấn đề là Nhà nước tiếp tục giúp đỡ ngư dân trong việc đầu tư mua sắm tàu thuyền cho nó đảm bảo, trang thiết bị bảo hộ an toàn nghề biển trên tàu được đầu tư. Cùng với đó là có chính sách đào tạo nghề đi biển cho họ một cách bài bản; đồng thời công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển cần phải được quan tâm cao độ hơn”.

Và với Ngư Lộc đây là chiếc tàu thứ 3 gặp nạn có số người mất tích rất nhiều. Năm 2008, tàu cá của anh Nguyễn Văn Chữ cũng đã bị mất tích, trên tàu có 10 người. Tháng 10 vừa qua, tàu của ông Nguyễn Văn Hợp cũng bị mất tích cùng với 8 thuyền viên. Đến 15/01 này, tàu của anh Tăng Văn Xô cũng bị mất tích với 8 thuyền viên trên tàu, trong đó anh Xô có 2 người em ruột.

Ông Nguyễn Văn Ngữ- Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc nói: “Cả xã tôi bây giờ là đại tang. Nhiều gia đình, dòng họ có đến 2- 3 người chết trên cùng một tàu cá mất tích. Tết nhất đến nơi rồi mà ở đâu cũng thấy khăn trắng chít trên đầu bạc của những cụ già là bố là mẹ; khăn trắng chít trên đầu của những đứa trẻ thơ bi bô gọi tiếng bố chưa tròn và cả trên đầu của những người vợ thân yêu. Cả xã tôi đang bị một bóng đen của tang thương bao trùm. Với các gia đình có người thân mất tích trên biển, Tết nguyên đán này với họ là cả một khó khăn vì không chỉ mất đi người thân mà còn mất đi tiền tiêu tết và cả cuộc sống lâu dài sau này đối với vợ, con và bố mẹ của họ nữa”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.