| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 03/02/2010 , 11:58 (GMT+7)

11:58 - 03/02/2010

“Vì bát, vứt mâm”

Dân Việt Nam ta giầu hay nghèo? Xin thưa ngay là rất giầu, giầu hơn dân các nước nhiều lắm. Chỉ nhìn vào con số sử dụng điện thoại di động thì đủ biết.

Tuy vẫn đang bị than phiền là cước phí điện thoại thuộc hàng đắt nhất thế giới, nhưng theo thống kê của ba hãng Mobifone, Vinaphone và Viettel thì hiện trên cả nước ta có 187 triệu sim điện thoại di động đang được người tiêu dùng sử dụng, trong khi dân số cả nước chỉ trên 80 triệu người. Nghĩa là tính bình quân, thì từ đứa trẻ ẵm ngửa đến những cụ già sắp về cõi Niết bàn, mỗi người sở hữu hơn 2 chiếc sim điện thoại di động. Không giầu, sao có thể có mức tiêu thụ lớn đến thế?

Sự thực không phải thế. Đại bộ phận nhân dân, nhất là nông dân vẫn còn chưa biết mặt ngang mũi dọc cái điện thoại di động là thế nào. Sở dĩ có mức tiêu thụ sim lớn như vậy, là vì trong một thời gian dài để phát triển số lượng thuê bao, cả ba hãng truyền thông nói trên đều ra sức khuyến mại bằng cách, cứ mua một sim điện thoại di động giá 50 ngàn đồng, người mua đã có ngay 100 hay 130, 150 ngàn đồng trong tài khoản rồi.

Mua 50, được ngay 100 hay hơn 100 ngàn, lợi quá. Thế là khách hàng thi nhau mua sim mới, có người một lúc sở hữu cả chục chiếc sim. Có người mua sim mới chỉ để hưởng số tiền khuyến mãi, dùng hết lại vứt luôn mua sim khác. Kết quả là số thuê bao của cả ba hãng vùn vụt tăng lên, nhưng kho số- một tài nguyên viễn thông có giá trị rất lớn (do Bộ Thông tin và truyền thông quản lý) thì đang cạn kiệt dần.

Bình thường, cả ba hãng trên đều dùng mọi cách để cạnh tranh với nhau về số lượng thuê bao. Nhưng khi thấy kho số đã cạn kiệt, thì cả ba lại rất “nhất trí cao” trong việc đề nghị Bộ TT- TT cho tăng thêm một chữ số trong mỗi thuê bao (hiện giờ đã là 10 chữ số). Không biết đề nghị này có được Bộ chấp nhận hay không, nhưng việc tăng thêm một chữ số trong mỗi thuê bao sẽ gây nên sự lãng phí rất lớn cho cả xã hội và người tiêu dùng.

Thứ nhất, số thuê bao di động cũng ví như “sổ hộ khẩu” của mỗi chủ nhân. Nay có sự thay đổi, thì mỗi người dùng sẽ phải đăng ký lại thông tin cá nhân kèm theo số sim điện thoại di động. Với hàng chục triệu thuê bao, việc đăng ký không thể một ngày mà xong, gây lãng phí rất lớn về thời gian, công sức và tiền bạc.

Thứ hai, mỗi người dùng điện thoại di động đều có rất nhiều mối quan hệ từ gia đình, người thân đến xã hội. Lâu nay, mọi người đều đã quen, đã thuộc số điện thoại của nhau. Nay thay đổi số, mọi thông tin giữa các cá nhân sẽ bị chững lại cho đến khi mỗi cá nhân đều thông báo lại số điện thọai mới đến các mối quan hệ của mình. Người bình thường không sao, nhưng với những người sử dụng điện thoại như một phương tiện làm ăn thì việc thay đổi số còn kèm theo sự thiệt hại về kinh tế.

Vì “cái bát” của mình, các hãng trên đã làm thiệt hại cho “cái mâm” là người tiêu dùng và xã hội.