| Hotline: 0983.970.780

Vĩ khúc của mối tình bi tráng

Thứ Sáu 11/10/2013 , 09:49 (GMT+7)

Số phận của bé gái Hồng Anh thật đặc biệt, khi còn ẵm ngửa đã phải xa cha; cho tới lúc chập chững biết đi, bi bô nói những lời đầu tiên thì đã phải xa mẹ và xa mãi mãi...

Số phận của bé gái Hồng Anh thật đặc biệt, khi còn ẵm ngửa đã phải xa cha; cho tới lúc chập chững biết đi, bi bô nói những lời đầu tiên thì đã phải xa mẹ và xa mãi mãi. Trong số mấy trăm lá thư mà Quang Thái viết cho người yêu và sau này là chồng, có một lá thư có thể coi là cuối cùng của Quang Thái. Vì thời gian đã quá lâu, nên trên đầu bức thư đó, chỉ còn có thể đọc được ngày và tháng bằng chữ Pháp ngày 28 tháng 7.

>> Ngày vui ngắn chẳng tày gang
>> Vị tướng huyền thoại và mối tình đầu qua những cánh thư

Theo logic, bức thư này chỉ có thể viết vào mùa hè năm 1941, bởi vì tháng 5/1940, Võ Nguyên Giáp đã bí mật cùng với Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc gặp Bác Hồ vào đầu tháng 6/1940 mà lá thư đề ngày 28/7 thì ắt không thể viết để gửi sang Trung Quốc được, mà tháng 6/1942 thì Quang Thái bị Pháp bắt và giam tại nhà tù Hoả Lò rồi không còn điều kiện để viết thư nữa. Hơn nữa, phân tích nội dung trong thư viết và kể nhiều về con gái Võ Hồng Anh, cho thấy lá thư đó viết đúng vào dịp hè 1941, khi Quang Thái đưa con về giữ, nhờ ông bà nội nuôi dưỡng, chăm sóc để mình thoát ly đi hoạt động cách mạng.


Liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái và người con gái Hồng Anh

Lá thư này với nội dung như là tự sự trong lúc nhớ người chồng yêu dấu nơi xa “Giáp ơi… Hồng Anh đã ngủ từ lúc 8 giờ. Nó vừa giở mình nằm nghiêng như người lớn… Lúc ở ga về, Thái vừa đi vừa nghĩ nhớ những lần Thái tiễn Giáp ở Vinh ra Hà Nội. Vừa đi như đi “trong mộng” – các chữ sao mà đúng làm sao – Thái không biết ai chung quanh mình nữa. Về ẵm con, tắm cho con rồi Thái bế nó đi rong trong nhà mãi. Nhà vắng, trời chiều, mẹ bế con rươm rướm nước mắt…

Tối hôm qua, trong lúc Thái viết nhật ký cho con thì nó ngủ như con cún ấy. Hơn 11 giờ, Thái đi ngủ, đêm, con dậy nhiều lần quá vì trời oi bức. Gần sáng nó sang ngủ với mẹ. 6 giờ nó dậy, mặt tươi như hoa báo hiệu cho mẹ là một ngày sẽ ngoan, nó xuống cổng chơi đến mãi 8 giờ, vừa về thì quấn quýt theo mẹ, nó ăn rồi chơi đùa.

Ngày hôm nay, con Hồng Anh như nhớn lên một bực, nó nằm ngủ nằm nghiêng, chơi cười với mẹ ra một đúa trẻ lắm kia. Lại một cái thay đổi nữa là hình như nó ngứa lợi lắm. Suốt ngày Thái không cho nó bú được bận nào, nó cứ nhai nghiến vú rồi lại giật ra, kéo vú theo, làm mẹ đau không chịu được...

Buổi chiều, có Nghĩa (học trò Giáp) với Thọ Liên cùng lớp với Nghĩa đến thăm thày. Chúng nó bế con Anh, con Anh nhìn hết người nọ sang người kia, vẻ lạ mà hơi tinh nghịch chứ không phải lạ mà sợ rồi mếu như mọi hôm đâu. Chiều nay trời lành lạnh, lúc 2 giờ gió to, trời mưa, thế mà 5 giờ Thái cũng cho con ra đường chơi người quấn khăn bông… Đêm nay mát trời cô ả ngủ ngon…

Giáp thì thế nào, Giáp có mệt lắm không. Đêm qua, lúc Th viết cho con thì G ở đâu nhỉ? Bây giờ G thức hay ngủ? Giáp có nhớ nhà không?... Giáp đọc thơ Th, G. có thấy khác thơ ngày trước không, G. có thấy Th nhớ G. không?”

Trước đó, có một lần Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đến tận số nhà 149 Phùng Hưng, đem đến cho Quang Thái một niềm tin vui vô hạn, đó là bức thư của chị gái Nguyễn Thị Minh Khai báo tin cho Quang Thái biết chị cùng chồng là Lê Hồng Phong đã về nước. Tin chị Minh Khai về hoạt động trong nước đã khơi dậy hoài bão từng ấp ủ từ thuở thiếu niên trong lòng Quang Thái; nhất là lúc chồng chuyển sang hoạt động bí mật, Quang Thái cũng rất muốn được tham gia song ngặt một nỗi khi đó bé Hồng Anh còn quá nhỏ, chưa thể cai sữa.

Nay Hồng Anh đã chập chững biết đi, vì tiếng gọi lên đường cứu nước, Quang Thái đành dằn lòng gửi con nhờ ông bà nội nuôi dưỡng rồi bắt xe lửa vào Sài Gòn tìm được chị Minh Khai. Chị em gặp nhau mừng mừng tủi tủi, hàn huyên, kể chuyện gia đình, cha mẹ, họ hàng. Rồi cũng đến lúc phải chia tay, chị Minh Khai ở lại Sài Gòn hoạt động, còn Quang Thái ra Hà Nội làm liên lạc viên cho các đồng chí Trung ương.

Quang Thái chẳng ngờ rằng, đó là lần cuối cùng hai chị em được gặp nhau. Chỉ ít lâu sau lần gặp đó, chị Minh Khai – linh hồn của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ nổi tiếng – đã bị địch bắt và tra tấn cực kỳ dã man, nhưng mọi cực hình, thủ đoạn đều không khuất phục được nữ chiến sĩ cách mạng. Ngày 26/8/1941, chị Minh Khai đã bị thực dân Pháp xử tử hình.

Sự hy sinh anh dũng của chị Minh Khai làm cho đồng bào cả nước đều cảm phục và thương xót vô hạn. Tên tuổi của nữ sĩ cách mạng với hai án tử hình ấy đã vang về Vinh, nơi cha mẹ là ông bà Hàn Bình sinh sống. Thật tội nghiệp cho bà Hàn Bình, chỉ trong vòng một thời gian ngắn mà mất đi những người thương yêu nhất: vừa chịu tang con gái Minh Khai chưa đầy 1 năm thì lại đeo thêm tang chồng.

Mới lo xong tang lễ cho chồng được vài ngày thì cụ bà Hàn Bình lại nhận được tin sét đánh ngang tai: người con gái Quang Thái đang hoạt động ở Hà Nội cũng đã bị Pháp bắt trong tháng 6/1942 và đang bị giam cầm tại nhà tù Hoả Lò, phần vì bị tra tấn, phần vì nhớ chồng, thương con, sức khoẻ của Quang Thái cạn kiệt dần, lại thêm chứng bệnh thương hàn không kịp chữa trị nên Quang Thái đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 21/1/1944 khi mới vừa tròn 29 tuổi.

Về phần Võ Nguyên Giáp, sau khi cùng Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc, theo sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, hai người đi học trường Quân chính kháng Nhật ở Diên An. Trước khi đi, Bác Hồ còn dặn Võ Nguyên Giáp phải lưu ý tới học thêm quân sự. Hai người đi đến Quế Dương thì nhận được tin thủ đô Pa-ri (Pháp) thất thủ và nhận được chỉ thị mới từ Nguyễn Ái Quốc dưới bút danh là Hồ Quang, quay trở lại Tĩnh Tây nhận nhiệm vụ mới. Trước khi trở về nước, Bác Hồ lại giao cho hai người mở lớp huấn luyện cho những cán bộ từ Cao Bằng sang.

Sau khi trở về nước, Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ và Trung ương giao phó nhiều trọng trách, trong đó có việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Công việc hầu như chiếm hết thời gian và trí óc, cộng với điều kiện thông tin liên lạc khó khăn nên Võ Nguyên Giáp không hề nhận được bất kỳ tin tức gì của vợ con. Kể cả khi Quang Thái qua đời trong Hoả Lò mà hơn một năm sau, Võ Nguyên Giáp cũng không được biết.

Cho tới khi diễn ra Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ vào tháng 4/1945, Võ Nguyên Giáp có dịp gặp lại người đồng chí năm xưa là Trường Chinh lúc này đã là Tổng Bí thư. Võ Nguyên Giáp chưa kịp vui mừng gặp lại bạn cũ thì Trường Chinh đã cho biết tin người vợ thân yêu của mình đã qua đời trong tù từ đầu năm ngoái. Sợ mình nghe lầm, Võ Nguyên Giáp hỏi lại: - Anh nói sao? Quang Thái mất rồi ư? Đến lượt Trường Chinh ngạc nhiên hỏi lại: - Anh chưa biết sao?

Võ Nguyên Giáp bàng hoàng, không nói điều gì, đi sang buồng bên cạnh, trong lòng vẫn chưa tin đó là sự thật. Còn lại một mình trong phòng, Võ Nguyên Giáp hồi tưởng lại 5 năm trước, bên Hồ Tây, trong ánh hoàng hôn dát vàng mặt hồ, đôi vợ chồng trẻ ôm nhau rồi chia ly hẹn ngày gặp lại, không ngờ đó là lần cuối cùng! (Hết)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất