| Hotline: 0983.970.780

Vị lương y chuyên chữa trị cho những trẻ mắc bệnh hiểm nghèo

Thứ Bảy 17/03/2018 , 07:15 (GMT+7)

Lương y Nguyễn Văn Hòa Bình từng chữa khỏi bệnh cho những đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo như bại não thể cứng, thể mềm, não úng thủy, nang não… Từ hơn 20 năm nay, đã có hàng ngàn đứa trẻ đã được ông khám, điều trị như thế.

Niềm hy vọng của các bậc cha mẹ

Chiều muộn, chúng tôi tìm đến đường Chương Dương, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM, hỏi thăm nhà lương y Nguyễn Văn Hoà Bình. Lương y Bình sinh năm 1954, trong một gia đình theo nghề y lâu đời ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Nhờ vậy, ngay từ nhỏ, ông Bình đã được tiếp xúc với các loại thuốc, rồi được chính cha mình “truyền nghề”. Sau đó, ông theo học tại Hội Đông y châm cứu Biên Hòa (Đồng Nai).

09-07-35_nh-1
Lương y Nguyễn Văn Hoà Bình

Trải qua nhiều năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm nghề y, năm 1995 ông chính thức lui về chuyên tâm khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Hiện nay, bệnh nhân của ông không ở các tỉnh lân cận, mà nhiều bà mẹ, ông bố bồng con đi hàng ngàn cây số, từ các tỉnh phía Bắc vào nhờ ông khám, chữa bệnh cho con.

Hôm chúng tôi đến, trong phòng khám của lương y Bình đang có hơn chục bà mẹ bế con đến chờ khám. Anh Lâm Quân, ở tận Giồng Giềng, tỉnh Kiên Giang, cho biết, con anh là cháu Lâm Gia Khiêm, 4 tuổi bị mắc bệnh động kinh khi mới 4 tháng tuổi, kèm theo đó là tuần hoàn não không ổn định. Mấy năm điều trị ở bệnh viện nhưng không khỏi, thậm chí bác sĩ còn thông báo cháu chỉ nằm một chỗ, không thể ngồi được. Đưa con về quê, nhưng không cam lòng, ai chỉ đâu có bác sĩ giỏi là vợ chồng anh lại ôm con đi chạy chữa, nhưng bệnh tình bé Khiêm vẫn không thuyên giảm.

09-07-35_nh-2
Mỗi ngày, lương y Bình khám, chữa, bốc thuốc cho hàng chục bệnh nhi

“Vợ chồng tôi buồn dữ lắm, đang lúc tuyệt vọng thì xem tivi thấy chương trình về lương y Bình, thế là hai vợ chồng lập tức đem cháu lên đây. Lên được vài lần thí thấy bệnh tình cháu thuyên giảm. Hai tháng nay cháu đã đi lại được nếu có người dìu và đã có phản ứng khi người khác hỏi chuyện. Giờ cứ 40 ngày vợ chồng tôi lại ngồi xe 8 tiếng đồng hồ, đưa cháu lên cho thầy chữa”, anh Quân nói.

Trong số bệnh nhân mắc chứng bại não đến điều trị miễn phí tại nhà lương y Bình, Nguyễn Thị Linh (23 tuổi, quê ở xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là bệnh nhân lớn tuổi nhất. Linh vừa tốt nghiệp đại học thì mắc bệnh bại não, rơi vào trạng thái hôn mê sâu hơn 7 tháng, cơ thể cứng đờ và phải truyền sữa qua mũi.

Bà Nhi (mẹ của Linh) tâm sự: “Vợ chồng tôi chỉ có mình nó nên khi cháu phát bệnh, tôi rầu lắm. Đưa cháu đi khám chữa bao nhiêu nơi không hết, những lúc nhìn con đau đớn, vợ chồng tôi chỉ biết nhìn nhau rơi nước mắt. Hễ có người quen giới thiệu thầy Bình. Sau hơn 4 tháng thầy điều trị, con tôi đã ăn uống và trò chuyện được. Nhìn con đang hồi phục dần, thực sự không có niềm hạnh phúc nào lớn bằng”.
 

Tâm sáng và lòng nhân hậu

Chẳng vì danh lợi nhưng hiếm thấy người nào kiên nhẫn, đôn hậu như ông. Khám bệnh, tư vấn cho cha mẹ các cháu, chỉ bảo, hướng dẫn tận tình, đến khi người tiếp chuyện không còn thắc mắc nào nữa ông mới thôi.

09-07-35_nh-3
Hầu hết đều là bệnh nan y

Để có những thang thuốc tốt nhất, an toàn nhất, ông Bình thường đích thân đi tìm, hái, mua, sau đó về tự tay làm, chế biến, bảo quản. Ông bảo, thuốc để chữa bệnh cho trẻ nhỏ cần phải thận trọng, không được sai vị thuốc hoặc nhầm lẫn. Với những vị thuốc chỉ có trên rừng, thầy may mắn được những gia đình bệnh nhân thầy từng chữa xung phong đi tìm rồi gửi xuống.

Lương y Bình tâm sự: “Có những em bệnh nặng tới mức chỉ chờ tới ngày mất, tôi nhìn thể trạng là biết, nhưng không dám nói với gia đình. Chỉ biết cố gắng làm hết khả năng để bệnh tình của các em không chuyển biến theo hướng xấu đi. Đa phần các bé khi đến đây đều tiến triển tốt sau quá trình điều trị. Nhưng cũng có những trường hợp tôi đành bất lực”, nói đến đây lương y Bình ngừng lại, đôi mắt thoáng buồn.

09-07-35_nh-5
09-07-35_nh-6
Nói chuyện với bệnh nhi cũng là một phương pháp chữa bệnh, nhưng không phải ai cũng làm được. Riêng lương y Bình, ông rất có khiếu nói chuyện với trẻ em

Ông Bình tâm sự, nhiều năm nay, ông không nhớ nổi bao nhiêu lần đi gửi thuốc cho bệnh nhân. Những trường hợp này phần do ở rất xa, phần khác là không có điều kiện đi lại nhiều.

“Họ nghèo quá, đi lại nhiều không chỉ tốn chi phí, mà còn mất thời gian kiếm tiền nữa. Nên chỉ những trường hợp bắt buộc các cháu phải có mặt để điều trị thì cha mẹ cháu mới phải lên, còn nếu đã khám rồi, chỉ cần bốc thuốc, và bệnh nhân đang tiến triển tốt thì chỉ cần gọi thông báo tình hình của cháu, tôi sẽ gửi thuốc về tận nơi”, lương y Bình nói.

09-07-35_nh-7
Một bài thơ trong cuốn sách do ông viết, đúc kết kinh nghiệm và phương pháp chữa bệnh trẻ em
“Đặt vào vị trí người làm cha làm mẹ, tôi thấu hiểu nỗi lòng của những người có con bệnh tật, đau đớn và khó khăn gấp ngàn lần nuôi đứa trẻ bình thường. Tôi quan niệm rằng làm được gì cho người khác bớt gánh nặng, bớt đau thì phải cố gắng làm. Và hạnh phúc nhất đối với tôi là nhìn thấy những đứa trẻ hết bệnh, tung tăng chơi đùa”, lương y Nguyễn Văn Hoà Bình nói.

 

(Kiến thức gia đình số 11)

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.