| Hotline: 0983.970.780

Vì sao cây trồng chuyển gen bị phản đối?

Thứ Năm 27/10/2011 , 10:28 (GMT+7)

Có một số nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, môi trường của VN lại đang đòi kéo lùi lịch sử ứng dụng thành tựu của thời đại (cây chuyển gen) ít nhất thêm 10 năm nữa.

Lúa chuyển gen kháng sâu đã được trồng ở Ấn Độ

Trong khi Bộ NN- PTNT, phần đông các nhà khoa học, nông dân cả nước với thái độ rất thận trọng, từng bước có lộ trình khoa học và thực tiễn nhằm đưa nhanh giống chuyển gen vào sản xuất, thì có một số nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, môi trường của VN đòi kéo lùi lịch sử ứng dụng thành tựu của thời đại này ít nhất thêm 10 năm nữa.

Giống cây trồng chuyển gen GMC (Genetically Modified Crop) là cái gì mà người ta coi như “ngáo ộp” vậy? Về thực chất cũng như các giống có thêm các đặc tính mới nhờ đột biến cấu trúc gen, nhờ thay đổi tổ hợp gen (số lượng, vị trí sắp xếp) do lai hữu tính và cao hơn nữa là chuyển gen từ loài này sang loài khác như gen kháng sâu Bt từ vi khuẩn sang cây trồng, thêm 1 đặc tính mới chưa từng có như tính kháng thuốc trừ cỏ, kháng sâu, kháng hạn, mặn.

Người nông dân có thể giảm phun thuốc trừ sâu đục thân, có thể phun thuốc diệt cỏ mà cây không ảnh hưởng, tiết kiệm rất nhiều công làm cỏ, tăng sức đề kháng với các biến đổi bất lợi của khí hậu, sản phẩm có tăng nhiều hàm lượng các chất có ích, dễ bảo quản, chuyên chở…

 Nói đến cùng, nhờ công nghệ hiện đại, con người thay mặt “thượng đế” thúc đẩy nhanh tiến hóa của sinh giới, của các giống cây trồng vật nuôi theo hướng có lợi cho con người, tốc độ biến đổi này rất nhanh - thay vì hàng tỷ năm có thể diễn ra trong thời gian rất ngắn vài tháng đến vài năm để ra đời 1 giống mới. Thế nhưng điều kỳ diệu này đã làm nảy sinh nhiều ý kiến chủ yếu chia làm 2 phe: phe ủng hộ, phe phản đối ứng dụng giống GMC trong sản xuất.

Đứng trước nhiều ý kiến trái chiều về giống GMC như vậy, ngay từ đầu, các nhà khoa học và môi trường, các tổ chức quốc tế uy tín hàng đầu thế giới và khu vực như Tổ chức Nông lương quốc tế FAO, Tổ chức Y tế thế giới WHO… đã có rất nhiều khảo sát, đánh giá thận trọng. Sau 15 năm ứng dụng đại trà vào sản xuất, cho đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu của các tổ chức, cá nhân có uy tín cho thấy cây trồng biến đổi gen chưa có một ảnh hưởng nào nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường của con người cũng như vật nuôi, đã chứng thực sự an toàn của sinh vật chuyển gen.

Hiện tại, Việt Nam đang tiến hành các khảo nghiệm diện hẹp và diện rộng theo đúng các nguyên tắc hiện hành trên thế giới và ở trong nước. Những cơ sở tiến hành khảo nghiệm đều đã được cấp chứng nhận do Bộ chức năng (ở đây là Bộ NN-PTNT) cấp. Khi tiến hành các khảo nghiệm, từ khâu gieo hạt đến bước cuối cùng là thu hoạch đều có sự tham gia của các bộ, ban ngành và sở trực thuộc, nên không thể nói là không có cơ quan độc lập nào theo dõi và giám định.

 Việc tiến hành khảo nghiệm là để kiểm chứng tính an toàn của cây trồng chuyển gen trong điều kiện thực tế ở Việt Nam, cả về an toàn với sức khỏe và môi trường. Việc này được tiến hành nghiêm ngặt theo các quy định của nhà nước.

Diễn tiến là vậy, nhưng gần đây dường như có một "thế lực" đứng ra rêu rao chống cây trồng chuyển gen kịch liệt, thái quá, thậm chí có vị viện sỹ gọi cây chuyển gen là... cây trồng ngoại lai, khiến giới khoa học nông nghiệp ai nghe cũng phì cười. Tại sao vậy? Là bởi các nguyên nhân sau:

1. Cái mới, cái tiến bộ đưa ra theo quy luật thường bị các thế lực bảo thủ trì trệ ngăn trở. Việc các nhà môi trường thận trọng cảnh báo xã hội về sản phẩm chuyển gen là điều dễ hiểu, nhưng đã có tới thời gian khá dài với 15 năm trên diện rộng đã chứng thực sản phẩm chuyển gen không hề có biểu hiện gây tác hại với môi trường và sức khỏe, lúc này vẫn có những tiếng nói phản đối quyết liệt giống GMC là điều phải đáng suy nghĩ về động cơ thực sự của những người phản đối.

Họ cũng cần đưa lương tâm của mình soi vào thực tiễn người nông dân hiện giờ bằng chi phí tốn kém thuốc trừ sâu, phân bón, đánh đổi cả sự ô nhiễm độc hại, chịu đựng tác động gay gắt của biến đổi khí hậu đang biến đổi theo hướng bất lợi cho nhà nông, cần phải có thái độ đúng đứng về phía lợi ích của những người đang lao động cực nhọc để nuôi sống xã hội?

2. Giống chuyển gen sẽ cho năng suất cao hơn, ổn định nhờ đặc tính chống chịu cao, chất lượng tốt, giảm giá thành nông sản, giảm ô nhiễm môi trường do hạn chế dùng thuốc trừ sâu độc hại nên sẽ là đối thủ cạnh tranh với các giống cũ, các giống GMC hiện mới có 1 – 2 gen chống chịu, sắp tới các công ty công nghệ sinh học chuẩn bị đưa ra các giống có tới 5 - 7 gen mới, bao gồm cả đặc tính kháng sâu, kháng hạn, mặn...

Nhiều nhà khoa học dự đoán rằng, các giống này vào chắc là sẽ không còn đất cho các giống cũ thì tất nhiên sẽ bị các thế lực trì trệ đang tìm luận cứ để ngăn trở cái mới, ép Nhà nước dựng hàng rào kỹ thuật để kéo lùi tới hàng chục năm nữa mới được áp dụng giống GMC, giúp họ bảo hộ cái bảo thủ, trì trệ. Rất tiếc là có một số nhà khoa học ở nước ta hiện đang lớn tiếng phản đối giống chuyển gen lại là những người đang là cố vấn hoặc có cổ phần lớn trong các công ty đang sản xuất, kinh doanh giống cũ.

Đưa giống chuyển gen vào sản xuất ở VN cũng là để cọ xát cho các nhà khoa học, doanh nghiệp phấn đấu làm chủ công nghệ hiện đại. Bác bỏ công cụ này và những thành quả đạt được của công nghệ giống chuyển gen thì quả là chúng ta không muốn tiến thêm một bước hiện đại trên con đường khoa học.

3. Giống chuyển gen sẽ đưa ra sản phẩm cạnh tranh gay gắt về giá từ châu Mỹ với các sản phẩm thông thường ở châu Âu, vì vậy cũng là sức ép to lớn cho thị trường nông sản đang ở tình trạng sản xuất thừa của các nước này. Để sống còn thì phải dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế sử dụng, nhập khẩu, buộc các sản phẩm phải gắn nhãn mác "chuyển gen" để người tiêu dùng lựa chọn trong tâm trạng bất an, lo lắng.

4. Hiện cũng có một số người muốn đánh bóng tên tuổi hoặc thấy mình không có lợi ích cá nhân đối với GMC – vì bây giờ theo cơ chế thị trường ủng hộ cái gì cũng phải "có giá", những nhà hoạt động môi trường kêu gọi "thận trọng", hoãn áp dụng giống chuyển gen để hưởng tài trợ từ các tổ chức kinh tế, khoa học có sản phẩm đối lập thì cũng không có gì lạ.

Để kết luận, nói như GS. Võ Tòng Xuân: “Các giống GMC cho đến giờ chưa thấy biểu hiện có hại cho ai cả, chưa ai chứng minh được điều đó, mặc dù người ta vẫn nghĩ là nó không chắc chắn an toàn. Cũng như đi máy bay, không ai chắc chắn máy bay không bao giờ bị trục trặc, không chắc xe chạy không bao giờ bị đụng... nhưng nếu phải đi bộ, không dùng máy bay, không dùng xe ôtô thì biết chừng nào đến trong thời đại khoa học ngày nay”.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất