| Hotline: 0983.970.780

Vì sao chúng ta chưa có phim hay?

Thứ Bảy 06/01/2018 , 08:45 (GMT+7)

Với Liên hoan phim Việt Nam 2017 chỉ có các hãng phim tư nhân tham gia, nền điện ảnh nước ta đang đứng trước một dấu hiệu chuyển động mới với sự lên ngôi của những tác phẩm phục vụ thị trường.

10-53-00_bo_phim_ch_cong_con
Bộ phim “Cha cõng con” đại diện Việt Nam tham dự Oscar

Trong khi đó, quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam lại gặp nhiều vướng mắc khó giải quyết. Từ bậc thềm năm mới 2018, cần phải suy ngẫm điều gì cho tương lai nghệ thuật thứ bảy?
 

Quá dễ dãi

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, người đã làm những bộ phim có tiếng vang như “Vua bãi rác”, “Người đàn bà nghịch cát”, “Ký ức Điện Biên” đã thẳng thắn bày tỏ: “Chúng ta không có phim hay, vì chúng ta đã quá dễ dãi trong việc cho các đạo diễn làm phim. Nếu như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, đạo diễn trẻ ra trường vài năm còn chưa được giao phim, sau vài năm mới được làm phim một tập thì ở ta, vừa ra trường đạo diễn có thể đã làm phim, thậm chí là phim dài tập.

Suốt 10 năm qua, chúng ta vẫn làm phim theo lối cũ, vẫn cách kể chuyện cũ, thậm chí là cũ hơn cả những phim làm từ giữa thế kỷ trước. Mọi thứ đều rõ ràng tốt xấu, phân định rõ địch, ta, đang kể câu chuyện của nhà này thì phải kể hết mới sang câu chuyện nhà khác. Cả chặng đường 10 năm qua, đã có cảnh quay nào hấp dẫn để chúng ta xem đi xem lại không chán? Lời thoại thì ngô nghê, quá thừa, không có câu nào đắt giá. Diễn viên đích thực không có, toàn ca sỹ, hoa hậu đi đóng phim. Thật thảm hại!”.

Có thể ý kiến gay gắt thì chói tai, nhưng hai giải thưởng điện ảnh tồn tại song song là Cánh Diều Vàng và Bông Sen Vàng không hề phát huy giá trị đích thực của bệ phóng vinh danh tài năng làm phim. Cánh Diều Vàng không khác gì cơ hội mở dành cho những bộ phim chưa đoạt được Bông Sen Vàng hoặc Bông Sen Bạc.

Lẽ ra, xưng danh sáng tạo của Hội Điện ảnh Việt Nam thì Cánh Diều phải chọn được hướng đi riêng, hoặc đột phá tuyên dương những tìm tòi khác lạ về kỹ thuật dàn dựng của giới làm phim, hoặc mạnh mẽ tôn vinh những ý tưởng gai góc gây tranh cãi về nội dung của từng bộ phim. Đáng tiếc thay, Cánh Diều Vàng vẫn cứ lừng khừng một đoạn dây ngắn vừa thả lên vừa giật xuống trước ánh mắt khán giả mộ điệu vốn lắm tin yêu ngày càng ngả dần sang ngao ngán!

Phim Việt cháy vé ở các rạp, như dăm đốm sáng nhờ nỗ lực cá nhân, không đủ để làm nên diện mạo điện ảnh. Để tìm ra những bất cập của điện ảnh Việt Nam không khó. Thậm chí có những nhà biên kịch, những nhà quản lý và những đạo diễn có mặt hết tọa đàm này đến diễn đàn nọ cũng chỉ nêu được mấy câu trách móc chung chung một cách vu vơ. Những người hoạt động nghệ thuật thứ bảy vẫn có thói quen đổ lỗi cho nhau, nhưng xét từng yếu tố cấu thành một tác phẩm điện ảnh, thì rõ ràng vừa thiếu đồng đều vừa yếu đồng đều. Nếu nói kịch bản kém cũng chưa hẳn. Bằng chứng là nhiều bộ phim nước ngoài nổi tiếng, nhưng khi Việt hóa thì chất lượng thật ê chề!

Điện ảnh Việt Nam dù đi sau điện ảnh thế giới khoảng nửa thế kỷ, nhưng đã sớm mắc căn bệnh tuổi già, đó là hay nhắc ngày xưa phim hay thế kia, ngày xưa quay phim đẹp thế kia, ngày xưa diễn viên giỏi thế kia. Khổ thân, tất cả cứ xoay như đèn cù, mà quên mất một điều, chỉ đến khi đất nước hội nhập thì khán giả mới có dịp tiếp xúc nhanh chóng và đầy đủ với điện ảnh nhân loại.

Không những đầu tư xây dựng hệ thống rạp chiếu hiện đại, mà những nhà kinh doanh điện ảnh còn nhanh nhạy mua bản quyền trình chiếu những bộ phim mới nhất với lịch chiếu gần như cùng thời điểm với Mỹ, Pháp hoặc Trung Quốc. Hơn nữa, với sự cập nhật của internet, những không khó khăn gì để xem được những phim kinh điển hoặc những phim đoạt giải Oscar. Bây giờ khán giả đã có tiêu chuẩn để so sánh và cũng đã có nhu cầu được so sánh, làm cho vóc dáng không mấy đẫy đà của phim Việt Nam trở thành gầy gò thêm một chút.
 

Làm gì để chuyển biến?

Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đúc kết: “Có một điều mà không ai nghĩ ra là chúng ta còn kém tài, lực chúng ta yếu quá, chúng ta không tâm huyết, không sâu sắc, không đam mê, không làm cái gì cho đến nơi đến chốn, đó là lỗi chính. Khi nào các nhà điện ảnh tự nhận lỗi chính mình thì lúc đó may ra mới biến chuyển được!”

Muốn phát triển điện ảnh Việt Nam, không ai có quyền sốt ruột. Hiện tại điện ảnh đã được đánh giá như một ngành công nghiệp không khói. Muốn phô diễn bản sắc Việt Nam trên màn bạc, không thể không đầu tư tương thích. Hãy để phim tư nhân vận hành theo túi tiền và theo thị hiếu của tư nhân. Còn phim được làm từ ngân sách cần lựa chọn quyết liệt, thay vì chia nhỏ hầu bao mỗi năm làm 2-3 phim, chỉ nên làm một phim thôi. Khi có kinh phí lớn thì mới có thể đòi hỏi giá trị kịch bản tối ưu, đòi hỏi hậu trường tỉ mỉ từng chi tiết và đòi hỏi chiến lược quảng bá đưa phim ra rạp.

Dù có vẻ lý tài, thì chúng ta cũng phải thẳng thắn để nói với nhau rằng, trong điện ảnh không có chuyện ý tưởng cao siêu được thực hiện bằng nguồn vốn bé xíu. Vì thói quen “trông giỏ bỏ thóc”, nhiều bộ phim của chúng ta trang trí khá tạm bợ, khiến không ai nỡ đòi hỏi yếu tố mỹ thuật. Cũng vì thói quen “trông giỏ bỏ thóc”, các đạo diễn không dám dàn dựng đại cảnh, mà còn cắt giảm tốt đa đạo cụ. Làm phim kiểu “khéo co thì ấm”, nên không thể trách khi xem phim đề tài lịch sử mà chứng kiến vị tướng ra trận lại cưỡi một con ngựa ốm trơ xương.

Trong giấc mộng toàn cầu hóa, lĩnh vực nào cũng cần nhân sự có trình độ quốc tế. Điện ảnh càng cần hơn, vì làm phim vừa có tính thăng hoa nghệ thuật vừa có tính cụ thể khoa học, không thể đánh cược bằng năng khiếu bẩm sinh, mà người tài phải được rèn luyện trong một môi trường chuyên nghiệp thực sự. Mặt khác, điện ảnh không thể trông vào bất kỳ cá thể đột biến nào, mà phải nhờ vào tập thể cùng đẳng cấp tư duy. Một nhà sản xuất không đủ trình độ thì không thể hình dung đầy đủ một kịch bản khi thẩm định. Một đạo diễn hạn chế tầm vóc thì không thể tự tin chọn diễn viên theo yêu cầu vai diễn, đành phải dựa vào tên tuổi chân dài để có chỗ dựa cho sự thành bại của bộ phim.

(Kiến thức gia đình số 1)

Xem thêm
Cần Thơ dâng lễ vật giỗ Tổ

Mừng Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, TP Cần Thơ trang trọng dâng hương và lễ vật lên các Vua Hùng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết được giao.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

HLV Hoàng Anh Tuấn: 'U23 Việt Nam gặp vấn đề về tâm lý'

HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ trong phòng họp báo sau trận, ông chỉ hài lòng về mặt kết quả, còn tinh thần toàn đội căng cứng nên đá không đúng ý đồ.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.