| Hotline: 0983.970.780

Vụ hàng trăm ha dứa thối bất thường:

Vì sao Cty Tứ Đỉnh trì hoãn xây dựng nhà máy sản xuất axit?

Thứ Năm 30/03/2017 , 09:21 (GMT+7)

Theo tiến độ dự án, đến tháng 10/2016, Cty CP Tứ Đỉnh phải hoàn thiện nhà máy SX axit sunfuric (H2SO4), công suất 35.000 tấn/năm, với mục đích thu hồi khí SO2, đảm bảo tiêu chuẩn khí thải. Tuy nhiên...

Tuy nhiên, cho tới nay, khu vực dùng để xây dựng nhà máy axit vẫn là một bãi đất trống. Liệu đằng sau đó có gì uẩn khúc!?

16-26-26_2
Sự việc cấp đất chồng chéo tại khu vực nhà máy vẫn chưa được giải quyết

Theo tìm hiểu của NNVN, Cty CP Tứ Đỉnh không phải chủ đầu tư đầu tiên của dự án luyện kim màu tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cao.

Ngày 22/12/2008, UBND tỉnh Lào Cai đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Cty CP VIDIFI Lào Cai theo GCNĐT số: 12.121.000.123. Sản phẩm cuối cùng là đồng 5.000 tấn/năm; chì, kẽm, atimon 5.000 tấn/năm; axit sunfuric: 35.000 tấn/năm. Về tiến độ dự án phải hoàn thành đưa nhà máy vào hoạt động tháng 12/2011.

Nhà máy này đã được Bộ Công thương phê duyệt vào Quy hoạch tại Quyết định số 6074/QĐ-BCT ngày 2/12/2009, với công suất 10 nghìn tấn sản phẩm kim loại/năm.

Tuy nhiên, đến ngày 25/3/2015, dự án tiếp tục được UBND tỉnh Lào Cai cho phép điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 2. Trong đó, quy mô đầu tư giữ nguyên, nhưng thay đổi tư cách pháp nhân từ Cty CP VIDIFI sang Cty CP Tứ Đỉnh.

Đồng thời, tiến độ dự án cũng được điều chỉnh lại như sau: Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ bản tháng 1/2015 đến tháng 9/2016; đồng thời duy trì sản xuất các sản phẩm: bột đồng thủy luyện (99,95% Cu): 2.000 tấn/năm; sản phẩm phụ gồm: bột đồng, chì kẽm, thiếc, atimon, quặng sắt vê viên. Từ tháng 10/2016 sản xuất ra các sản phẩm đồng tấm tinh luyện (99,95%) 10.000 tấn/năm; axit sunfuric (98%): 35.000 tấn/năm.

Trước đó, như NNVN thông tin, vào tháng 8/2016, Sở TN-MT tỉnh Lào Cai đã có báo cáo kết quả kiểm tra rà soát nhà máy luyện kim màu Tứ Đỉnh sau khi người dân phản ánh nhiều loại cây bị chết bất thường.

Kết quả, đối với nước mặt khu vực nhà máy, trong 3 mẫu nước bề mặt, tất cả 19 thông số hóa học đều vượt quy chuẩn cho phép theo QCVN 08:2015 của Bộ TN-MT. Cùng với đó, Cty CP Tứ Đỉnh cũng chưa xây dựng được nhà máy SX axit theo đúng tiến độ được cấp phép.

Cho tới nay, theo kết luận ban đầu của lực lượng chức năng, đơn vị này vẫn giậm chân tại chỗ trong việc hoàn thành nhà máy axit. Nguyên nhân sâu xa của sự việc là gì?

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, GĐ Tài chính Cty CP Tứ Đỉnh thừa nhận, việc xây dựng chậm tiến độ này nằm ngoài khả năng giải quyết của Cty. Theo đó, nguyên nhân chính dẫn tới việc chậm trễ là do tranh chấp đất đai với khu vực SX của người dân, dẫn tới chưa thể GPMB.

16-26-26_1
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, GĐ Tài chính Cty CP Tứ Đỉnh

Bà Minh phân trần, sự việc bắt nguồn từ năm 2002, khi đó một Cty tên Thăng Long về đây xin được cấp đất xây dựng nhà máy SX Apatit. Cty này được UBND huyện Mường Khương, Sở TN-MT tiến hành đo đạc, cấp đất, cấp giấy CNQSĐ. Sau đó, Cty này lại chuyển nhượng cho Cty CP VIDIFI, sau này là Tứ Đỉnh.

“Khi xây dựng được nhà máy SX axit, chúng tôi sẽ giảm thiểu được nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đồng thời, Cty sẽ có một nguồn thu nhập không nhỏ từ khối lượng axit. Chỉ là chúng tôi vướng mắc về đất đai, ngoài khả năng giải quyết của Cty nên đành chịu”, bà Minh cho biết thêm.

Khi bắt tay vào GPMB, xây dựng nhà máy axit, Tứ Đỉnh vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân, và bị cho rằng ngang nhiên cướp không đất. “Chúng tôi lên làm việc với xã, sau khi rà soát lại sổ địa chính thì phát hiện, một phần đất của Cty bị chồng chéo lên đất SX của người dân. Điều này chúng tôi không hề biết từ khi nhận được giấy phép đầu tư dự án”, bà Minh khẳng định.

Theo bà Minh, ngay sau khi phát hiện sự việc, Cty này đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Trong tình thế đó, Tứ Đỉnh đã trình UBND tỉnh Lào Cai và Bộ Công thương, xin được tạm thời SX Sten đồng (32%) xuất đi Trung Quốc. Năm 2016, tổng doanh thu của nhà máy này đạt gần 700 tỷ đồng, đóng thuế gần 50 tỷ đồng.

Liên quan đến câu chuyện cấp đất chồng chéo, ngày 22/7/2016, ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã chủ trì cuộc họp giải quyết vướng mắc. Ông Hưng yêu cầu, giao Sở TN-MT, UBND huyện Mường Khương làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc cấp đất chồng... báo cáo UBND tỉnh kết quả trong tháng 8/2016.

Không biết, trong hơn nửa năm qua, các đơn vị chức năng này đã làm rõ, rút kinh nghiệm và báo cáo tỉnh những gì, nhưng cho tới nay, chồng chéo vẫn hoàn chồng chéo, dự án thì chậm tiến độ, người dân thì hàng ngày hứng chịu nguy cơ ô nhiễm từ trên trời rơi xuống!

Trong suốt quá trình làm việc với báo chí, bà Nguyễn Thị Hồng Minh đều khẳng định, nếu thực sự nhà máy gây ra ô nhiễm, khiến người dân bị thiệt hại kinh tế, Cty sẽ đền bù toàn bộ.

 

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Nhịp sống miền Tây giữa đỉnh điểm hạn mặn: [Bài 4] Cống thủy lợi chở che những cánh đồng

Mặn bủa vây cả hướng biển Đông và biển Tây, nhưng nhờ có hệ thống công trình thủy lợi điều tiết, đến nay,xâm nhập mặn chưa gây ảnh hưởng sản xuất cho Hậu Giang.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.