| Hotline: 0983.970.780

Vì sao đã chừng ấy năm, ăn hỏi, sính lễ, ra mắt đủ cả mà S. lại bỏ chạy?

Thứ Tư 17/05/2017 , 06:50 (GMT+7)

S vùng vằng, không chịu làm dâu. Và thế là bên ấy tìm ra một cái cớ rất thuyết phục là cháu cứ đòi S “ăn cơm trước kẻng” rồi bạo hành S...

Kính cô Dạ Hương!

Bố mẹ cháu sinh cháu ở trong Nam, khi hai người tình nguyện đi khu kinh tế mới, chạy khỏi cái đói thời bao cấp. Tưởng Tây Nguyên đất rộng người thưa dễ sống, không ngờ nơi mình kỳ vọng là rừng thiêng nước độc, khi cháu lên mười thì bố mẹ một lần nữa bỏ của chạy lấy người. Cháu còn một em trai nữa sinh năm 1990, cũng chưa lập gia đình.

Miền Tây đất đai hiền lành, bố cháu xin được chân bảo vệ một xí nghiệp, mẹ buôn bán vặt, tay trắng làm nên. Cháu vào đại học CT và theo nghề nuôi trồng thủy sản. Thời cháu ra trường, kỹ sư nông nghiệp còn có giá lắm cô. Mê mải, cháu sắp ba mươi lúc nào không hay, cháu chỉ chăm chăm cùng bố mẹ xây nhà và lo cho em trai. Em cháu học đại học trên thành phố, việc làm chưa ưng ý nhưng nó cũng là miệng nói tay làm, không lo.

Người con gái cháu theo đuổi nhỏ hơn cháu 5 tuổi, đang làm cho một trường CĐ nghề. Nói theo đuổi vì S chưa muốn cưới xin, S phải lên thành phố học thạc sĩ nữa. Mẹ của S đơn thân nuôi con, S nói hồi ấy mẹ con S sống trong bão dư luận. Cho đến bây giờ cháu cũng không biết ba của S thế nào.

Cô ạ, mới đây, sau một cái lễ hỏi rất vui (theo yêu cầu của mẹ S là ăn hỏi rồi áp tết này cưới, mẹ cháu nạp tài và nữ trang cho cô dâu thế này thế này…), bà con của S đông, lễ hỏi đến 10 mâm ở nhà gái. Bố mẹ cháu có choáng, tốn kém ghê quá, nhưng cháu và S cũng đã 5 năm tìm hiểu rồi. Mẹ S nói ở miền Tây đám gì cũng đông thế đó, đành vậy biết sao. Cháu để dành đủ tiền để cưới hỏi mà, nhưng cưới về thì S phải ở chung với bố mẹ cháu, nhà một trệt một lầu, cháu là con trai cả, em trai cháu nó xác định sẽ ở TP.

S vùng vằng, không chịu làm dâu. Và thế là bên ấy tìm ra một cái cớ rất thuyết phục là cháu cứ đòi S “ăn cơm trước kẻng” rồi bạo hành S. Họ hàng S nghe liền, trời ơi cô, con gái bây giờ mà, cháu và S đã có thâm niên yêu rồi mà, việc đi chơi đi ăn đi du lịch với nhau cũng có chứ, cháu bạo hành làm chi, S là con của một phụ nữ “tự túc” con nữa kia mà, bố mẹ cháu đâu có lấy những việc đó mà coi thường nhà S!

Thế là đùng đùng trả sính lễ cô ạ, bảo tiền là đã dùng hết vào đám hỏi. Mẹ cháu không tiếc mà thương, dù gì S cũng đã mang tiếng một lần chồng rồi, trong dư luận và trong họ của S. Cháu không đau, chỉ thấy buồn cười, làm dâu bố mẹ cháu thì chết ư, có người còn đánh đường sang Hàn sang Đài làm vợ làm dâu đó thôi. Cháu đang cơn giận, cháu cắt liên lạc và khám phá rằng, S có một ông thầy trên TP, nơi S làm thạc sĩ. Chuyện đời quả là nhiều bất ngờ, không sao hình dung nếu không tự khám phá, đúng không cô?

--------------------

Cháu thân mến!

Có lẽ cháu là chàng trai điển hình của những gia đình di dân nghèo khó và vươn lên từ sình bùn. Cô biết những gia đình Nam tiến kiểu ấy, họ không còn đường quay lại nên quyết tâm khẳng định giá trị của họ rất lớn. Bán buôn vặt, nuôi con ăn học, mua đất xây nhà, chao ơi, cháu lấy vợ muộn là vì chữ hiếu trong cháu quá mạnh. Cháu cũng đã ngoài ba mươi rồi, đúng không?

Có lẽ S là người mong manh. Gái miền Tây cô biết, rất nhiều người xinh nhưng họ xốp, lớn lên dễ dàng, họ không tay lấm chân bùn nổi. Bố mẹ có thể nghèo nhưng có một cái đám cưới trong xóm thôi, là các cô diện váy ngắn không thua gì dân thành phố. Vậy đó, học hành không quan trọng, kiến thức lơ mơ, dành dụm kém và khi cần thì hai chữ danh dự cũng nhẹ nốt.

Vì sao đã chừng ấy năm, ăn hỏi, sính lễ, ra mắt đủ cả mà S lại bỏ chạy? Chắc chắn họ thấy cảnh làm dâu, hai nếp nhà quá khác nhau. S là con một, chắc là được cưng nên S vùng vằng mà mẹ của S, mẫu người như mẹ của S như vậy nên OK luôn. Mọi thứ bị vứt xuống đất, tình cảm của cháu bị chà đạp, cô tiếc cho họ chứ không tiếc cho cháu.

Và giờ thì học cao học, gái xinh nên có thầy nào đó cứ sáng lấp lánh trước mắt cô nàng. Thôi cháu ơi, trong chuyện này S mới thiệt chứ cháu thiệt gì. Sẽ có một cô gái bằng lòng nội trợ và nên theo đuổi đối tượng ấy thôi để báo hiếu bố mẹ. Cháu và S trục trặc một phần là vì S hướng lên với mục tiêu công chức lương cao, có thể S đưa được mẹ lên TP trong khi cháu thì suốt ngày con tôm con cá, đúng không?

Tái ông mất ngựa, ta đành tự an ủi vậy đi cháu. Tiền bạc có mất cho cái đám hỏi vô ích ấy không bao nhiêu so với sự mất mát trong cháu nhưng hãy bình tâm, ai phản mình, ai gieo tiếng ác cho mình, người đó sẽ mang lụy, trời có mắt, đừng lo.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.