| Hotline: 0983.970.780

Vì sao dân cản trở làm đường?

Thứ Ba 13/05/2014 , 07:26 (GMT+7)

Một số hộ dân xóm Mỹ Hào (xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã cản trở không cho thi công tuyến đường đã được phê duyệt.

Nguyên nhân xuất phát từ suy nghĩ bê tông hóa đường giao thông là để phục vụ cho DN đóng chân trên địa bàn, còn nhiều tuyến đường dân sinh cần thiết phải làm sớm hơn.

16-11-09_th-1
Kế hoạch bảo đảm thi công của UBND xã Thịnh Đức

Đường chung, lợi riêng?

Theo phản ánh tới đường dây nóng, PV NNVN đã có mặt tại khu vực đơn vị thi công đang cho triển khai thực hiện đổ bê tông tuyến đường nhánh thuộc xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức.

Tại đây, đang xảy ra việc hộ dân ngăn cản không cho các phương tiện tham gia thi công.

Ông Đặng Đức Xuất (một người dân xóm Mỹ Hào) cho biết, con đường trên dẫn vào khu bảo tồn làng nhà sàn du lịch của Cty TNHH Thái Hải.

Do chưa giải quyết dứt điểm về đất đai giáp ranh nên gia đình ông Đặng Đức Thăng đã ngăn cản việc thi công.

Tại nhà riêng, ông Đặng Đức Thăng (đại biểu HĐND xã Thịnh Đức) bức xúc: Với danh nghĩa là xây dựng đường bê tông theo cơ chế Nhà nước 70%, nhân dân 30%.

Tuy nhiên, con đường trên phục vụ chủ yếu cho hoạt động của Công ty TNHH Thái Hải là chính. Cả tuyến đường dài hơn 200 m chỉ đi qua có một hộ gia đình, trong khi tại xóm, tại xã, còn rất nhiều tuyến đường cấp thiết khác sao không xây dựng?

Liên quan đến việc gia đình cản trở thi công, ông Thăng cho biết, vì tuyến đường đi qua một phần đất của gia đình, trong khi UBND xã chưa giải quyết dứt điểm mà đã cho thi công nên gia đình không chấp nhận.

Mặt khác, Công ty TNHH Thái Hải khi về xóm Mỹ Hào xây dựng khu du lịch đã biến 3 thửa ruộng với diện tích hơn 2 sào của gia đình ông thành hồ cá. Đã 5 vụ trôi qua song DN vẫn không trả cho gia đình. Báo lên xã hết lần nọ đến lần kia mà vẫn không xử lý.

Ông Đặng Đình Nhâm (Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Thịnh Đức) cho biết, tuyến chính của đường bê tông tại xóm Mỹ Hào mới được xây dựng đã huy động được rất nhiều nội lực của dân.

Bản thân gia đình ông Nhâm và gia đình ông Thăng đều tự nguyện hiến đất để làm con đường trên. Tuy nhiên, việc xây dựng tuyến nhánh chỉ để phục vụ cho DN là chính thì không thể chấp nhận được.

Được biết, báo cáo kỹ thuật và kế hoạch đấu thầu gói xây lắp công trình đường bê tông xã Thịnh Đức do bà Vũ Thị Bích Thủy (Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên) phê duyệt.
Sau khi nắm bắt nội dung sự việc do PV NNVN thông tin, ông Mai Trọng Tấn (Phó phòng Tài chính thành phố Thái Nguyên) cho biết, đây là tuyến đường cứng hóa đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây
của xã Thịnh Đức.

Nếu như tuyến đường trên không đảm bảo về tiêu chuẩn phục vụ cộng đồng thì Phòng Tài chính sẽ tham mưu để UBND thành phố Thái Nguyên chuyển vốn sang xây dựng đường bê tông
ở địa bàn khác.

“Những việc khác thì chán chê không giải quyết. Nhưng quyết tâm làm bằng được tuyến đường nhánh này bất chấp ý kiến phản ứng của dân mà UBND xã đã lên xuống hàng chục lần để thực hiện ý chí đó”, ông Nhâm nói.

Xã lập kế hoạch bảo đảm thi công

Ông Lê Thanh Long (Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức) cho biết, chiều muộn hôm đó, ông nhận được kế hoạch bảo đảm thi công tuyến đường nhánh trên do chủ tịch UBND xã ký.

Vì kế hoạch quá đột xuất nên sáng hôm sau, ông Long đã không thể tham gia bảo đảm thi công với vị trí được phân công là tổ trưởng. Các thành viên khác được huy động với lực lượng hùng hậu gồm nhiều thành phần từ các đoàn thể, công an xã, cán bộ địa chính, trật tự xây dựng đến các chức danh của xóm Mỹ Hào.

Tuy nhiên, việc bảo đảm thi công đã không “tuyệt đối được chấp hành theo kế hoạch và người chỉ huy” như yêu cầu của chủ tịch UBND xã. Việc thi công đã không được triển khai. Kế hoạch bảo đảm thi công đã chỉ rõ mục đích là “bảo đảm thi công tuyến đường vào khu dân cư và chi nhánh Công ty TNHH Thái Hải".

Vấn đề đặt ra là khu dân cư như kế hoạch của Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức có bao nhiêu hộ dân và vì sao phải khẩn thiết bảo đảm thi công như vậy?

Ông Đặng Quang Dần (Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức) lý giải, nhận thấy việc thi công có thể bị cản trở nên xã phải lập kế hoạch trên. Còn tuyến đường dài 219 m không chỉ phục vụ cho DN mà còn có 2 hộ dân khác là hộ ông Thắng và ông Đức.

Hiện tại, xã Thịnh Đức còn có nhu cầu bê tông hóa khoảng 20 km đường giao thông. Ông Đặng Quang Dần cũng thừa nhận, việc chọn xây tuyến nhánh nói trên để cứng hóa cũng một phần có sự tài trợ từ phía Công ty TNHH Thái Hải.

Ông Dần cho biết, việc hộ gia đình ông Đặng Đức Thăng phản ánh bị phía Công ty TNHH Thái Hải biến ruộng thành ao cá mà không bồi thường là có thật. Xã đã tổ chức hòa giải nhưng không thành. Theo đó, UBND xã đã hướng dẫn hộ ông Thăng đưa vụ việc ra tòa để xử lý.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất