| Hotline: 0983.970.780

Vì sao em không ra đi?

Thứ Hai 06/12/2010 , 09:19 (GMT+7)

Trong chuyến công tác tại các địa phương thuộc vùng sâu, vùng cao huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng, chúng tôi bắt gặp rất nhiều phụ nữ trẻ, xinh xắn, khoẻ mạnh nhưng lại cự tuyệt chuyện rời quê.

Các thiếu nữ ồ ạt rời quê ra thành phố mong kiếm được cơ hội đổi đời. Nhưng trong chuyến công tác tại các địa phương  thuộc vùng sâu, vùng cao như Mỹ Đức, Đạ Lây, Quốc Oai… thuộc huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng, chúng tôi bắt gặp rất nhiều phụ nữ trẻ, xinh xắn, khoẻ mạnh nhưng lại cự tuyệt chuyện rời quê. Những suy nghĩ của họ tuy rất mộc mạc nhưng lại gợi cho chúng tôi bao điều suy nghĩ. 

Cực thân nhưng nhẹ đầu 

“Em đẹp, ăn nói dễ thương thế này sao không lên Sài Gòn hay các thành phố mà bán cà phê cho khoẻ, làm nghề “cò cưa” này, anh thấy không xứng với em tí nào?”. Không bất ngờ với câu hỏi của chúng tôi, em Trần Thị Hoa, ở thôn 3, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh, không chịu dừng tay mà vẫn thoăn thoắt cưa những cây nứa để gộp thành từng bó rồi thủng thẳng cất lời: “Em không thích bán cà phê hay làm công nhân đâu. Trước giờ có nhiều người cũng rủ em lên Thủ Đức, TP.HCM để bán cà phê lương 1,8 triệu/tháng bao ăn ở nhưng em không đi. Hôm bữa có người bảo, không bán cà phê thì đi mà làm công nhân, chứ ở nhà làm thì cực, tiền chẳng đáng là bao, em cũng không đi”.

Lý giải về thắc mắc của chúng tôi, Hoa thật thà: "Hồi trước có mấy người chỗ em thấy công việc nặng nề quá nên bỏ lên thành phố bán cà phê. Ai ngờ do không có trình độ nên ban đầu thì chủ quán cho làm tiếp viên, sau đó thì rủ rê “đi khách” (bán dâm). Lúc đầu thì không chịu, nhưng do ở quê lên, ăn ở tại nhà người ta nên không có tiền trả đành cắn răng bán thân trả nợ. Bây giờ thì sa chân rồi, muốn thoát cũng khó. Khổ lắm anh ạ! Nghe đến đó là em hết muốn đi".

Còn làm công nhân thì sao? Tôi hỏi. Hoa nói thẳng: Nhà em nghèo, lại đông anh em nên phải nghỉ học từ năm lớp 7 dù em rất thích đi học. Thử hỏi một người không trình độ như em thì làm được gì? Em cũng muốn đi lắm nhưng biết mình khó mà làm được nên không dám đi thà ở nhà làm cực xác nhưng khoẻ cái đầu. Nhiều người ở chỗ em cũng đi làm công nhân bao nhiêu năm ở Sài Gòn nhưng đến nay chồng thì không có, mà tiền bạc cũng không. Ngày trước ở quê to khoẻ, nhưng bây giờ thì gầy còm, ốm yếu lắm anh ạ. Bây giờ về bảo làm như em thì đố mà làm được.

Hoa có khuôn mặt khá đẹp và đầy đặn. Nghề mà Hoa đang làm cũng như hàng trăm phụ nữ khác hiện nay là đi cưa nứa thuê cho người khác (hiện nay ở các khu vực gần rừng có khá nhiều cơ sở thu gom nứa, lồ ô - lâm sản phụ được phép khai thác - và thuê toàn phụ nữ đến làm - PV). Theo đó hàng ngày mọi người làm bằng cách khoán sản phẩm: cứ 1kg nứa đã cưa theo kích cỡ có sẵn, sau đó chẻ ra làm 4 rồi bó chặt lại để cân được trả 250đ. Còn nếu nứa chẻ nhỏ làm 8-10 thanh thì giá 400đ/kg.

Trung bình một phụ nữ khoẻ mạnh, cưa từ sáng đến tối cũng được khoảng 100-170kg (tuỳ sức khoẻ). Như vậy bình quân thu nhập mỗi người cũng được 25-35.000đ, chưa tính tiền ăn. Hoa bảo: "Làm nghề này cực lắm mà không phải hôm nào cũng có hàng để cưa. Nhiều bữa nghỉ cả tuần mới có hàng làm vì những hôm mưa to không ai đi lấy cây. Không những thế, tiền công cũng không được trả hàng ngày mà chủ cơ sở bảo chờ khi nào bán được hàng mới có tiền trả. Có lần cả tháng chúng em mới nhận được tiền công". Chúng tôi ngỏ ý xin chụp tấm hình, Hoa chối đây đẩy: “Em làm nghề này cực lắm, ai lại đưa hình người cực khổ lên báo làm gì”. Nói rồi Hoa lấy khẩu trang bịt kín mặt.

Chúng tôi trao đổi với hơn chục phụ nữ đang làm nghề “cò cưa” thuê cho gia đình chị Nguyễn Thị Như (thôn 3), nhận thấy khá nhiều phụ nữ dù còn rất trẻ nhưng chấp nhận ở nhà dù “khổ một chút” nhưng còn hơn là đi làm công nhân. Em Đào Thị Tính ở thôn 3 cho biết: Em năm nay 24 tuổi đã làm nghề này được 5 năm rồi, nói chung làm thì cực nhưng không làm thì không biết làm gì vì bây giờ ruộng vườn thì trồng cây công nghiệp cả; còn đi làm công nhân thì em đâu biết làm gì, vả lại lên thành phố sợ bị lừa lắm vì em chỉ học hết lớp 9 thì nghỉ do gia đình khó khăn. Em có đứa bạn lên TP Vũng Tàu làm nghề may được 5 năm nay nhưng cũng không dư dả. Tết về lần nào nói chuyện là nó lại than khổ vì lương ngành may mặc thì thấp, mà làm tăng ca suốt. Ở Cty lại toàn phụ nữ, hôm nào về đến nhà cũng 9-10 giờ đêm thì thời gian đâu mà tìm bạn trai nên đang lo ế chồng. Nó còn khuyên em, thôi ở nhà mà làm cực cái thân một chút nhưng thanh thản. 

Sống đủ

Ông Lê Minh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức cho biết, hiện nay đời sống của nhiều người dân còn khó khăn do nhà đông khẩu, thiếu việc làm hoặc mùa màng hay bị thất bát nên nghề cưa nứa đã giúp cho khá nhiều người, mà chủ yếu là phụ nữ việc làm kiếm thêm thu nhập đáng kể. Ở Mỹ Đức chủ yếu là người dân đi kinh tế mới từ những năm 1985 đến nay đã nhiều lần chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng xem ra bây giờ chỉ trông vào cây lúa. Trước đây cây tiêu, cà phê, điều được người dân coi là cây xoá đói giảm nghèo. Thế nhưng nghịch lý được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn thường xảy ra. Đáng lo ngại là người dân làm không có thông tin nhưng lại có thói quen trồng cây… chạy theo giá. 

 Nghề cưa nứa tuy vất vả hơn nhiều so với làm công nhân, hay bán cà phê hoặc giúp việc ở thành phố, nhưng với bản chất người phụ nữ miền Bắc, cần cù, chịu khó nên họ không đi nhờ thế đời sống xã hội tại địa phương rất lành mạnh không có tệ nạn.

Rời xưởng của chị Như, theo lời chỉ của người dân chúng tôi vượt hơn 20km để tìm về xã Đạ Lây. Xã Đạ Lây nằm khuất sau một dãy núi cao, có tuyến đường độc đạo băng qua với độ cua gấp rất nguy hiểm nên người ta đặt cho cái tên là dốc Mạ Ơi (hay còn gọi là dốc Mẹ Ơi). Một số người dân sống lâu năm ở đây cho biết: Sở dĩ có tên Mạ Ơi là do khu vực này có nhiều người dân từ tỉnh Thừa Thiên Huế đi kinh tế mới vào đây lập nghiệp từ những năm 1985. Dốc này cao nên thường xảy ra tai nạn, nếu đi xe đạp thì không thể đạp được nên phải dắt bộ rất vất vả, tới đỉnh dốc người ta thường than “mệt quá mạ ơi” nên nó có tên vì thế. Tại Hương Lâm hàng ngày có khá nhiều phụ nữ đi cưa nứa thuê để mưu sinh.

Tại thôn 4, chị Cao Thị Thuỳ Trang cho biết năm nay 19 tuổi và đã làm nghề cưa nứa được 3 năm. Nhà Trang có 8.000m2 đất trồng mía, do đó sau khi trồng mía xong, dọn cỏ cũng là lúc nông nhàn nên cùng mẹ đi làm thêm nghề cưa nứa. Trung bình mỗi ngày từ 7giờ đến 5 giờ chiều Trang và mẹ cưa được khoảng 200 - 220kg thu được 50.000 – 55.000đ. Số tiền này nếu để đong gạo (7.500 - 8.000 đ/kg) thì cũng ăn được gần một tuần.

Mẹ Trang, bà Trần Thị Kim tâm sự: Tết năm nào mấy đứa bạn của Trang cũng rủ lên mấy khu công nghiệp ở Sài Gòn, Bình Dương làm nhưng nó không chịu. Nó bảo đi xa nhà buồn lắm, vả lại lên đó nhiều cạm bẫy mà thu nhập cũng chẳng là bao nên ở nhà phụ dì để rồi vất vả vậy đó. Nghe nói vậy Trang phân trần: “Nhiều đứa bạn em lên Sài Gòn làm về nhà mặc quần áo đẹp em cũng thích lắm, nhưng khổ nỗi có khá nhiều người lên đó gặp bao nhiêu là chuyện éo le, thậm chí nghe đâu phải “làm gái” nên em không dám đi”...

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất