| Hotline: 0983.970.780

Vì sao em tôi không thích làm trưởng thôn?

Thứ Hai 04/12/2017 , 09:10 (GMT+7)

Thấy nó lụi cụi một mình vừa lợn gà, cơm nước, nhiều bữa tối mịt tôi ghé về nhưng không thấy nó đâu, hỏi hàng xóm mới biết nó đang ngoài đồng cắt cỏ cho bò, vì cả ngày phải đi họp dưới xã.

Cách đây vài tháng, vợ nó lên xin phép tôi đi vào Nam trông cháu cho vợ chồng thằng con trai cả, nhưng ý vợ nó là muốn đi xa ít tháng trước cuộc họp bầu trưởng thôn, để bà con thương hoàn cảnh mà không bầu nó làm trưởng thôn nữa...

Thế là đã hơn 10 năm nay, em tôi được người dân tín nhiệm bầu trưởng thôn. Bởi em tôi là đảng viên, nói được, làm được, lại nhiệt tình. Bầu nó dân được nhờ. Mà thực tế đúng như vậy! 10 năm em làm trưởng thôn, phong trào lên hẳn. Chỉ có điều là tình cảm vợ chồng bị ảnh hưởng vì công việc ruộng đồng gần như đặt hết vào đôi vai của vợ.

Trước đây, khi em tôi còn là “phó thường dân”, ngoài mấy sào ruộng khoán, đàn lợn, đàn gà, vợ chồng còn tranh thủ chạy chợ thêm, mùa nào thức ấy, mỗi ngày cũng kiếm được 200.000- 300.000 đồng, lúc nông nhàn nó cùng tốp thợ đảm nhận vài công trình xây dựng. Kinh tế gia đình nhờ vậy cũng ổn, cùng lúc nuôi hai đứa con ăn học đại học thành tài.

Nhưng từ khi em tôi nhận chức trưởng thôn, kinh tế gia đình kém hẳn. Phụ cấp mỗi tháng tầm 700- 800.000 đồng, bằng thu nhập 3 công phụ hồ. Rồi nay đi họp, mai đi họp. Mất chó, mất gà, thanh niên đánh nhau, tranh chấp bờ rào…, trưởng thôn đều phải có mặt giải quyết. Chưa nói trong thôn có chuyện vui buồn, trưởng thôn phải có mặt, nhiều tháng phụ cấp không đủ cho việc hiếu hỷ.

Nhiều lần hai vợ chồng có ý định về thăm quê ngoại nhưng thôn, xóm có chuyện, lại phải bỏ. Những lần như vậy, vợ nó giận lắm, lại cằn nhằn dọa đi vào Nam giữ trẻ thuê kiếm tiền nuôi con ăn học. Khi con cái học hành ngày càng tốn kém, nhiều tháng không đủ tiền gửi cho con, nó phải xin làm phụ hồ thêm để kiếm đủ tiền gửi con.

Vợ nó bỏ vào Nam trông cháu, nó làm đơn xin nghỉ chức trưởng thôn nhiệm kỳ 2017- 2020, nhưng hơn 3 tháng tìm nhân sự không ra, vì không ai muốn làm trưởng thôn. Hơn nữa chi bộ thôn và bà con muốn nó đứng ra gánh vác giúp dân, nghe tin kỳ này thôn tiếp tục bầu chồng làm trưởng thôn, vợ nó tuyên bố ở hẳn trông cháu trong Nam không về nữa.

Hôm rồi về thăm nhà, thấy nó lụi cụi một mình, nhìn nó mới ngoài năm mươi nhưng trông già hẳn, tóc bạc nhiều, tôi là cả nó thứ năm trong nhà nhưng nhìn bề ngoài ai cũng bảo nó là cả. Ngồi tâm sự với tôi nó bảo: Việc thôn, việc xóm không tên, hơn nữa lại trực tiếp đối mặt với dân, mà dân thì muôn hình vạn trạng. Được việc chưa chắc đã có lời cảm ơn, còn nếu không được thì ăn chửi chắc khó tránh. Tập trung giải quyết cho thấu tình đạt lý thì còn đâu thời gian giúp gia đình, trong khi thu nhập bèo bọt.

Nó bảo với tôi hơn 10 năm làm trưởng thôn, bạn bè hội ngộ cũng ít đi vì không có thời gian, có anh bạn nó bảo ngày nào cũng nghe thấy tiếng nó trên loa xóm để thông báo công văn, chủ trương, nhắc nhở bà con về tình hình an ninh thôn xóm, còn gặp nó thì lâu rồi không gặp.

Nghe nó tâm sự và thấy tình hình thực tế một số nơi phải bắt thăm làm trưởng thôn, ai bắt trúng thăm, đảng viên đó phải nhận. Trong khi hiện nay phổ biến tệ nạn chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi để hưởng thụ, thì tại cơ sở chức trưởng thôn không ai muốn làm là điều chúng ta phải suy nghĩ.

Chủ nghĩa Mác- Lê Nin Khẳng định: “Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng”, còn Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX kết luận: “Cơ sở không quyết định tất cả nhưng phản ảnh tất cả”. Câu hỏi: Vì sao em tôi không muốn làm trưởng thôn, rất mong các nhà hoạch định chính sách cán bộ trả lời hộ?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.