| Hotline: 0983.970.780

Vì sao Hải Dương để doanh nghiệp nước ngoài coi thường phép nước?

Thứ Ba 21/02/2017 , 09:30 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế” nhưng thực tế ở Hải Dương cho thấy hệ thống chính quyền địa phương vẫn có ý nương nhẹ cho doanh nghiệp không chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường…

Nộp phạt để xả thải?

Vụ việc Công ty TNHH dệt Pacific Crystal xả thải ra môi trường trong KCN Lai Vu, huyện Kim Thành (Hải Dương) là một điển hình của sự coi thường pháp luật. Cụ thể, cuối tháng 12/2016, người dân phát hiện nguồn nước thải đen kịt, bốc mùi hôi thối chảy từ đường ống của Công ty Pacific nằm trong KCN Lai Vu. Sau đó vụ việc được báo lên chính quyền.

11-17-55_img_20170216_190811
Trụ sở Công ty Dệt Pacific
 

Ngày 9/1/2017, lực lượng liên ngành gồm: Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng Cảnh sát Môi trường, UBND huyện Kim Thành và chính quyền xã Lai Vu đã làm việc với ông Cheng Kinh Leung Thomas – Phó Tổng Giám đốc Công ty Pacific.

Theo Công ty này thì họ thiết kế đường ống nối từ hố ga bên ngoài nhà vệ sinh xưởng nhuộm tới hệ thống thu gom nước thải sẽ dẫn nước thải từ nhà vệ sinh qua hệ thống thu gom nước thải về bể điều hòa. Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra sự cố, mức nước trong hồ điều hòa và hệ thống thu gom quá cao đã chảy ngược lại hố ga.

Nguyên nhân khác là do đây là công trình của chủ dự án cũ (Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Shinec) trước đây xây dựng để lại, trong quá trình sử dụng phía công ty đã không nắm rõ việc đấu nối giữa 2 hệ thống xử lý nước thải nên dẫn ra sự cố trên. Thực tế công ty mới chỉ hoạt động chưa được một năm nay.

Quá trình kiểm tra, lấy mẫu nước kiểm nghiệm cho thấy, chất thải của công ty có 5/10 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép về môi trường gồm: pH (chỉ số xác định tính chất hóa học của nước) vượt cận trên dưới 10,5; độ màu vượt 30,67 lần; TSS (tổng chất rắn lơ lửng) vượt 2,95 lần; COD (lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước) vượt 18,31 lần; BOD5 (lượng oxy cần thiết để vi sinh vật oxy hóa các chất hữu cơ theo phản ứng trong 5 ngày) vượt 10 lần.

Trên cơ sở báo cáo của Công ty, các cơ quan chức năng Hải Dương cho rằng vụ việc xả thải tràn ra môi trường chỉ là sự cố ngoài mong muốn. Và tại Quyết định số 459/QĐ-XPHC ngày 25/1/2017, UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định xử phạt Công ty Pacific 672 triệu đồng.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty Pacific khẩn trương thực hiện đúng, đủ các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt trước đó; Tiếp tục rà soát, tháo dỡ, trám lắp toàn bộ các điểm đấu nối hệ thống thu gom nước mặt với nước thải sản xuất, sinh hoạt, thu gom triệt để nước thải và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả thải ra môi trường.
 

Nương nhẹ doanh nghiệp ngoại

Ngoài mức phạt tiền gần 700 triệu đồng UBND tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu công ty phải hoàn thiện các thủ tục để được cấp giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án trước ngày 1/3/2017.

11-17-55_img_20170216_190816
Đường ống xả thải trực tiếp từ Công ty ra ngoài

 

Có thể nói quyết định xử phạt của tỉnh Hải Dương là quá “nhẹ nhàng” với vi phạm nghiêm trọng do doanh nghiệp gây ra. Vì vụ xả thải trực tiếp ra môi trường của công ty là hành vi cố ý chứ không phải là "sự cố" như đơn vị này báo cáo bao biện.

Bởi lẽ, để được phê duyệt dự án, doanh nghiệp bắt buộc phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trong đó có phương án xử lý nước thải độc lập. Sau khi được phê duyệt, doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo đúng thiết kế. Vậy nên không thể đổ lỗi do không biết hố ga đấu nối với hệ thống thoát nước thải của đơn vị cũ mà xảy ra sự cố tràn ngược.

Thêm vào đó, Cty Dệt Pacific Crystal đã đi vào hoạt động gần một năm qua mà các công trình xử lý nước thải của công ty lại chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Điều đó đồng nghĩa với mỗi ngày lưu lượng xả thải của công ty từ 1.500 m3 đến 2.000m3 ra môi trường không xác định được có đảm bảo tiêu chuẩn hay không.

Qua đó có thể thấy, ý thức coi thường pháp luật Việt Nam của Cty Dệt Pacific Crystal quá rõ ràng. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao một doanh nghiệp dệt nhỏ bé của nước ngoài lại coi thường pháp luật Việt Nam đến vậy? Có lẽ, chính vì sự thiếu kiên quyết của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan thực thi pháp luật nên doanh nghiệp này mới nhởn nhơ đùa bỡn pháp luật.

Chưa đến 700 triệu đồng cho một năm xả thải gây ô nhiễm môi trường là cái giá quá rẻ rúng với doanh nghiệp mà phần thiệt thòi cho địa phương lại quá lớn. Quyết định của tỉnh Hải Dương gia hạn tới tháng 3/2017 doanh nghiệp phải hoàn thiện giấy phép lại là một thiệt thòi nữa vì trong thời gian chờ giấy phép doanh nghiệp vẫn hoạt động sản xuất vẫn xả chất thải chưa được cho phép ra môi trường.

Với trường hợp này, đáng ra tỉnh Hải Dương phải xử phạt nặng hơn nữa, tính gộp cả lưu lượng nước thải của doanh nghiệp xả ra khi chưa được cấp phép trong suốt một năm qua, đồng thời kiên quyết đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp ngay lập tức cho đến khi các công trình bảo vệ môi trường được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Làm được như vậy, thử hỏi có doanh nghiệp nước ngoài nào dám coi thường pháp luật Việt Nam?

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất