| Hotline: 0983.970.780

Vì sao môn Sử bị chán?

Thứ Ba 07/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Kỳ thi THPT quốc gia vừa khép lại với một thực tế rất đáng báo động: Lịch sử là môn ít thí sinh đăng ký thi nhất! 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước chỉ có khoảng 153.000 thí sinh dự thi môn Lịch sử.

Tình trạng thí sinh không mặn mà với môn Lịch sử, hầu như chẳng phải chuyện cá biệt ở địa phương nào. Tại điểm thi Trường THPT Ngọc Lâm (huyện Tân Phú, Đồng Nai), gồm 10 phòng thi với 229 thí sinh đăng ký, nhưng không có thí sinh nào thi môn Lịch sử.

Tại các điểm thi do Trường ĐH Cần Thơ đăng cai, thì trong 28 điểm thi lại có đến 14 điểm thi không có thí sinh nào thi môn sử nên phải… đóng cửa. Còn tại Đà Nẵng, chỉ có 5/29 hội đồng thi do ĐH Đà Nẵng chủ trì, là có thí sinh dự thi môn Lịch sử.

Năm ngoái, kỳ thi Tú tài chưa mang ý nghĩa làm cơ sở để tuyển sinh đại học như năm nay, cũng đã phơi bày sự chán ngán của học sinh trước môn Lịch sử.

Tại hội đồng thi THPT Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội), có duy nhất một thí sinh dự thi môn Lịch sử. Cảnh dở khóc dở cười, hội đồng thi vẫn bố trí 19 người phục vụ, bao gồm lãnh đạo hội đồng, cán bộ an ninh, bảo vệ, thanh tra, giám thị… chỉ để có được một bài thi lịch sử.

Những thí dụ và những con số nêu trên, khiến những ai quan tâm đến giáo dục không thể tránh khỏi cảm giác lo lắng.

GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử VN, đã ái ngại: “Chúng ta hình dung như thế nào, nếu học sinh lớn lên trở thành công dân mà hiểu biết về sử khá mờ mịt, thiếu hệ thống và thiếu căn bản. Từ đó không chỉ thiếu kiến thức mà còn liên quan đến vấn đề tính cách, ý thức công dân, dân tộc. Theo tôi vấn đề này hết sức cơ bản và cần có sự nghiên cứu có trách nhiệm”.

Dù chưa có cuộc điều tra xã hội học nghiêm túc về vấn đề dạy sử và học sử. Thế nhưng, khi được quyền chọn lựa môn thi, học sinh đã không chút đắn đo khước từ môn sử. Vì sao lại đến nông nỗi ấy? Câu hỏi đau lòng thật khó trả lời, nhưng không khó để thấu hiểu căn nguyên.

Hàng chục năm qua, sau rất nhiều đợt cải cách, môn sử vẫn… dậm chân tại chỗ. Những giờ học lịch sử rất khô cứng, giáo viên giảng giải bằng cách đọc theo sách giáo khoa và học sinh tiếp thu bằng cách chép lại. Cả cách dạy và cách học, đều một chiều và khô cứng, khiến cho môn sử không khác gì môn học thuộc lòng.

Để phát biểu trước đám đông, không ai dám đánh giá thấp về tầm quan trọng của môn sử. Thế nhưng, để tìm ra hướng khuyến khích học sử thì ai cũng thoái thác trách nhiệm.

Nếu quy hết mọi hệ lụy của môn sử hôm nay cho ngành giáo dục thì e rằng hơi chủ quan và thành kiến. Điều cần thiết nhưng ngành giáo dục chưa làm được là biên soạn một bộ sách giáo khoa môn sử sinh động hơn, mềm mại hơn.

Đặc biệt, sách hướng dẫn cho giáo viên dạy sử cần tránh liệt kê dông dài về những sự kiện, mà phải mở rộng biên độ thẩm mỹ, đưa được những gợi ý thú vị hơn, hấp dẫn hơn.

Tại sao không học lịch sử thông qua câu chuyện của một nhân vật? Thí dụ, về nhà hậu Lê, tại sao cứ bắt học sinh ghi nhớ khởi nghĩa Lam Sơn diễn ra như thế nào, vào thời điểm nào, mà không uyển chuyển thu hút học sinh bằng chính cuộc đời đầy thăng trầm của Nguyễn Trãi?

Khi chưa có tác phẩm nghệ thuật để kích thích học sinh hứng thú với môn sử, thì môi trường giáo dục hãy tự vận động bằng giáo trình thông minh. Thay vì đọc - chép về một sự kiện, giáo viên có thể cho học sinh xem vài hình ảnh có giá trị lịch sử, hoặc giáo viên cùng học sinh dàn dựng những clip ngắn minh họa cho bài giảng.

Tại các nước văn minh, lịch sử luôn là môn được yêu thích. Mỗi giờ học luôn có sự trao đổi thẳng thắn và cởi mở giữa giáo viên và học sinh về từng chi tiết trong lịch sử.

Thậm chí, học sinh có thể phản biện giáo viên khi bản thân phát hiện được những tài liệu mới. Cách học lôi cuốn như vậy, đòi hỏi phải có một đội ngũ giáo viên được đào tạo ở một chuẩn mực cao hơn, mà chúng ta đành phải kiên nhẫn chờ đợi thêm ở tương lai.

Môn Lịch sử sẽ còn bị học sinh thờ ơ, nếu tất cả chúng ta mặc định dành riêng cho ngành giáo dục gánh vác sứ mệnh cải thiện một thực trạng hiện nay.

Thử đặt vấn đề: Vì sao nhiều người Việt lại tỏ ra hiểu biết về lịch sử Trung Quốc như vậy? Rất đơn giản, vì nhờ sự hỗ trợ của những tác phẩm nghệ thuật. Văn chương và điện ảnh là hai lĩnh vực cực kỳ hữu dụng trong việc truyền tải lịch sử. Chúng ta có quá ít tiểu thuyết lịch sử, và càng quá ít bộ phim lịch sử.

Viết về lịch sử không dễ, cần cả cái tài và cái tâm của tác giả với từng số phận, từng tình huống, từng khúc quanh của quá khứ. Không có văn chương mở đường, thì điện ảnh không thể phô diễn kỹ năng tái hiện lịch sử. Vì vậy, đã đến lúc phải nghiêm túc đặt hàng những tác phẩm phản ánh lịch sử.

Chúng ta có bao nhiêu dữ liệu quý báu để thúc đẩy nghệ thuật đồng hành với môn sử. Chị em Trưng Trắc - Trưng Nhị cùng ra trận, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, Trần Quốc Toản với lá cờ thêu sáu chữ vàng… hoàn toàn là những đề tài có thể tạo dấu ấn sáng tạo độc đáo!

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất