| Hotline: 0983.970.780

Vì sao sạ lúa theo hàng khó ra sản xuất đại trà?

Thứ Hai 24/01/2011 , 12:01 (GMT+7)

Những vướng mắc trong việc mở rộng diện tích gieo sạ là gì? Khó nhất chính là thay đổi tập quán sản xuất...

Vụ Xuân năm 2010 diện tích lúa gieo thẳng của các tỉnh phía Bắc là 94.125 ha, tăng 29,3% so với vụ Xuân năm 2009. Trong đó diện tích gieo thẳng lúa theo hàng bằng công cụ kéo tay (gieo sạ lúa theo hàng) là 46.034 ha. Các tỉnh có diện tích gieo sạ lúa theo hàng nhiều như: Thái Bình (10.000 ha), Thái Nguyên (7.000 ha), Hưng Yên (7.000 ha), Hà Nội (5.934 ha), Hà Nam (3.770 ha)...

Hiệu quả kinh tế cao

Hà Nội là một địa phương đi đầu áp dụng phương pháp trên: làm điểm thành công đầu tiên và sớm mở rộng ra sản xuất đại trà. Từ vụ Xuân năm 2007, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội trình diễn 5 ha ở HTX Kim Sơn, thị xã Sơn Tây. Từ đó đến nay qua 4 năm, 8 vụ sản xuất diện tích gieo sạ lúa theo hàng mỗi năm tăng từ 3 đến 5 ngàn ha. Năm 2010 diện tích gieo sạ lúa theo hàng là 10.902 ha, trên 16 huyện, thị xã. Những huyện, thị xã diện tích gieo sạ nhiều gồm: Ba Vì (3.055 ha), Phúc Thọ (2.284 ha), Chương Mỹ (940 ha), Sóc Sơn (835 ha). Tỷ lệ diện tích gieo sạ chiếm 20- 30% tổng diện tích lúa. Có một số HTX diện tích gieo sạ chiếm từ 60-70% diện tích lúa cả năm. 260 HTX trên tổng số 923 HTX nông nghiệp có đất cấy lúa gieo sạ thường xuyên cả 2 vụ, nhiều HTX gieo sạ đã trở thành tập quán không thể thay thế.

Hiệu quả kinh tế cao: Giảm chi phí sản xuất, nhất là giảm chi phí công lao động và giảm giống. Hiện nay lao động ở nông thôn Hà Nội, nhất là lúc thời vụ khan hiếm, tiền công thuê nhổ mạ và cấy 1 sào từ 100 đến 120 ngàn đồng, thay bằng gieo sạ chỉ mất 10 phút gieo xong 1 sào (các hộ chỉ phải trả công thuê kéo giàn sạ 5 đến 10 ngàn đồng/sào). Gieo sạ không phải "cày mưa, cấy rét" nên ngoài việc giảm công lao động nó còn có ý nghĩa giảm bớt lao động nặng nhọc cho chị em phụ nữ không phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", gieo sạ 1 ha chỉ cần khoảng 30 kg giống đối với lúa thuần, 20 kg giống đối với lúa lai nên lượng giống giảm được một nửa.

Qua thực tế nhiều lần gặt thống kê, phỏng vấn nông dân và quan sát nhiều ruộng lúa ở ngoài đồng trước khi thu hoạch năng suất lúa tăng từ 8 đến 15%. Tuy nhiên vẫn còn ý kiến cho rằng năng suất lúa gieo sạ không tăng nên thực tế đã trả lời và về mặt lý thuyết có đủ cơ sở để khẳng định năng suất lúa gieo sạ tăng cao hơn so với lúa cấy:

-Một là tuổi mạ liên quan tới năng suất lúa, mạ non năng suất lúa tăng. Gieo sạ phù hợp với yêu cầu trên vì gieo xong không phải nhổ, cấy; cây lúa phát triển liên tục không bị chột sau khi nhổ, cấy.

-Hai là muốn năng suất lúa tăng phải cấy thưa hợp lý, cấy ít dảnh/ khóm. Phổ biến nông dân hiện nay vẫn cấy dầy, cấy to khóm. Gieo sạ do lượng giống giảm, và thường các hạt giống sau này mọc ra các dảnh cái không dính vào nhau, lại gieo theo hàng nên ruộng lúa thông thoáng.

-Thứ ba là tập quán cũ gieo mạ, nhổ, cấy. Muốn cho cây lúa không bị nổi cấy phải vùi sâu, thường vùi mất 2-3 đốt ở dưới gốc xuống dưới đất, những đốt này đẻ nhánh sớm, nhánh khỏe, bông to thì bị vùi mất. Gieo sạ mọc nông ở trên mặt nên lúa đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh nhiều. Nên về kỹ thuật thâm canh lúa, hay về phương pháp IPM, SRI với 3 lý do trên cũng hoàn toàn phù hợp: mạ non, mật độ thưa hợp lý, mạ đặt làm cây lúa khỏe, hạn chế sâu bệnh và tăng năng suất. Những vấn đề trên vẫn phải nêu ra vì hiện nay ngay trong đội ngũ các nhà chuyên môn vẫn còn không ít người cho rằng gieo sạ không tăng năng suất.

Do giảm chi phí, năng suất lúa tăng nên hiệu quả kinh tế của phương pháp gieo sạ tăng nên rõ rệt so với phương pháp gieo mạ và cấy lúa truyền thống. Theo kết quả điều tra đánh giá tổng kết:

Tỉnh Vĩnh Phúc gieo sạ lúa lợi nhuận cao hơn 1 ha là 4.420.000 đồng, Hà Nội là 5.000.000 đ/ha, Viện Cây lương thực, thực phẩm: giảm chi phí là 1.795.000 đ/ha, Năng suất cao hơn 342 kg/ha, lợi nhuận cao hơn 3.505.000 đ/ha. (Số liệu trong Báo cáo tổng kết của Bộ NN - PTNT).

Ngoài ý nghĩa về kinh tế, xã hội nêu trên gieo sạ còn thúc đẩy các khâu dịch vụ của HTX. Muốn gieo sạ: làm đất phải kỹ hơn, từng cánh đồng gieo cùng một giống, một thời điểm, ngâm ủ tập trung, cử người chuyên trách kéo giàn sạ, điều tiết nước (từng hộ làm đơn lẻ thì khó làm). Do vậy việc đưa các tiến bộ kỹ thuật như: giống mới, phân bón, tháo nước lộ ruộng... cũng thuận lợi hơn, lúa chín đồng đều, máy gặt đập thuận lợi, vì vậy Bộ NN - PTNT đã coi hai việc tạo ra đột phá trong cơ giới hoá sản xuất lúa ở Đồng bằng Bắc Bộ trong những năm tới là: gieo sạ và máy gặt đập liên hợp.

Tại Hội nghị sơ kết lúa gieo sạ vụ xuân 2009 của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng ngày 26/5/2009, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Bùi Bá Bổng có ý kiến chỉ đạo phấn đấu đến năm 2015 đưa diện tích gieo sạ chiếm 60 - 70% tổng diện tích lúa.

Còn gặp nhiều khó khăn

Mở rộng diện tích gieo sạ nhanh ra sản xuất đại trà vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Bộ NN - PTNT, Thành phố Hà Nội, trực tiếp chỉ đạo là Sở NN - PTNT đã có chủ trương kế hoạch mở rộng diện tích gieo sạ. Hiệu quả kinh tế rất rõ ràng, làm nhiều mô hình đã thành công nhưng triển khai ra sản xuất đại trà còn chậm và chưa vững chắc (Dự kiến năm 2011, Hà Nội hỗ trợ cho chương trình gieo sạ 5 tỷ đồng. Các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch gieo sạ 14.734ha, tăng 3.832ha so với năm 2010).

Những vướng mắc trong việc mở rộng diện tích gieo sạ là gì? Khó nhất là thay đổi tập quán sản xuất: mở rộng ra sản xuất đại trà, đây không phải là mô hình khuyến nông mà triển khai ra hàng chục vạn ha, hàng vài chục ngàn hộ nông dân thực hiện. Để nông dân tin tưởng, làm theo ít nhất phải có thời gian, chỉ đạo tập trung, hỗ trợ kinh phí 5 - 7 năm như mạ che nilon vụ xuân, đậu tương vụ đông ở Hà Nội đã làm. Vì thay đổi tập quán, nhất là tập quán của nông dân thì không phải ngày một ngày hai đã làm được. Do vậy đã xác định là đột phá, và thay đổi tập quán nên Bộ NN- PTNT và Thành phố cũng phải quan tâm hơn thì kế hoạch gieo sạ mới trở thành hiện thực, mà đây là việc làm cụ thể, thiết thực: thay thế cho lao động thủ công, từng bước cơ giới hoá sản xuất lúa.

Có một vài nơi lãnh đạo huyện, xã, HTX chưa vào cuộc. Cá biệt có huyện lãnh đạo chưa tin, chưa ủng hộ việc làm trên. Có chuyện đáng buồn trong năm 2010 có xã ra chủ trương hãy dừng lại việc gieo sạ, để Đại hội Đảng xong đã, nhỡ ra gieo sạ thất bại thì rầy rà. Kinh nghiệm ở những huyện như Ba Vì, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Chương Mỹ... huyện, xã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí thì diện tích gieo sạ lớn trở thành điển hình của thành phố.

Các cơ quan chuyên môn về nông nghiệp nhất là ở một vài huyện chưa cùng chung một tiếng nói. Để lấy lòng lãnh đạo, ai cũng muốn nâng cao vai trò của mình lên, nên vẫn còn ý kiến dèm pha gieo sạ. Thông tin đó đến với nông dân cũng khó khăn cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trên.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm