| Hotline: 0983.970.780

Vì sao sốt xuất huyết vẫn chưa giảm?

Thứ Ba 15/08/2017 , 09:35 (GMT+7)

Các chuyên gia dự báo, đến tháng 11 thì dịch sốt xuất huyết (SXH) mới có thể dừng lại. Về nguyên lý gây bệnh, không có muỗi đốt thì không có sốt SXH.

80.000 người mắc

Theo số liệu báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) tính đến nay cả nước có hơn 80.000 trường hợp mắc SXH, trong đó đã có 22 ca tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc đã tăng 33% trong đó Hà Nội là địa phương có số ca mắc đứng thứ hai trên cả nước sau TP Hồ Chí Minh.

phun-thuoc-muoi162451113
Phun diệt muỗi phòng SXH

Cụ thể, toàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 13.982 ca mắc, trong đó đã ghi nhận 7 ca tử vong; số ca mắc tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2016 do dịch đến sớm hơn 3 tháng. Hà Nội đã ghi nhận 1.538 ổ dịch, tổng số bệnh trong ổ dịch là 3.580 bệnh nhân (chiếm 25.6%); trong đó hầu hết là các ổ dịch nhỏ, cụ thể: 1191 ổ (77%) có 1 - 2 bệnh nhân; 272 ổ (18%) có 3 - 5 bệnh nhân; 50 ổ (3%) có 6 - 10 bệnh nhân; 25 ổ có trên 10 bệnh nhân. Hiện tại còn 285 ổ dịch chưa kết thúc, phân bố chủ yếu tại Đống Đa và Hoàng Mai.

Trước tình hình phức tạp của dịch, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với những công văn hỏa tốc của Thành ủy, UBND TP gửi Sở Y tế và các Sở ngành, quận huyện tổng lực phòng chống dịch sốt xuất huyết. UBND TP Hà Nội cũng trích hơn 8,5 tỉ đồng từ nguồn dự phòng của ngân sách thành phố năm 2017, bổ sung dự toán chi ngân sách cho Sở Y tế để thực hiện phòng, chống dịch SXH trên địa bàn thành phố.

Song song với đó Hà Nội cũng thành lập đội xung kích diệt bọ gậy, mỗi đội 2 - 3 người (phụ trách 30 - 50 hộ). Hiện đã có 25 quận, huyện thành lập đội xung kích này. Ngày 12/8, toàn thành phố Hà Nội đã ra quân xử lý dịch SXH đợt 1.

Bệnh sốt xuất huyết tăng 43,5%

Theo Sở Y tế An Giang, tính đến ngày 10/8, toàn tỉnh đã ghi nhận 2.861 ca mắc SXH, tăng 43,5% so với cùng kỳ. Trong đó có 2 ca tử vong (huyện Phú Tân và Tri Tôn). Riêng tại huyện Chợ Mới đã ghi nhận 806 ca mắc SXH, cao nhất trong toàn tỉnh; tiếp đến là TP Long Xuyên đã có 459 ca mắc SXH; thấp nhất hiện nay là huyện Tri Tôn 34 ca, nhưng lại bị một ca tử vong tính đến thời điểm này.

HƯƠNG HUỆ

Để hỗ trợ Hà Nội phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh các tỉnh, thành phố hỗ trợ Hà Nội máy phun hóa chất công suất cao để thực hiện phun hóa chất diện rộng dập dịch SXH. 19 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ 19 máy phun công suất lớn cho Hà Nội.
 

Vì sao số mắc vẫn tăng?

Trước diễn biến có xu hướng phức tạp của dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: các cơ quan, các địa phương vào cuộc quyết liệt nhưng chưa hiệu quả. Bà Tiến cũng đặt câu hỏi: “Vì sao số ca mắc nhiều mặc dù Hà Nội vẫn quyết liệt triển khai, áp dụng biện pháp phòng dịch? Vì sao vẫn để tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép?”.

Trả lời những vấn đề mà Bộ trưởng nêu, PGĐ Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, nguyên nhân khách quan gia tăng dịch bệnh SXH thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến véc-tơ truyền bệnh phát triển mạnh; tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư đông, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh.

“Trong khi đó, ý thức của cộng đồng trong việc phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch chưa cao, phần lớn các hộ gia đình đi vắng cả ngày, có những hộ không đồng ý cho phun hoá chất”, ông Hạnh cho biết.

Chung mối băn khoăn này, bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cũng cho biết: Hà Đông là khu vực đang trong quá trình đô thị hóa cao, nhiều công trường xây dựng, cư dân chưa lấp đầy địa bàn trong khi người lao động tự do lại cao, việc này khiến công tác xử lý dịch SXH gặp khó khăn. Bên cạnh đó, trên địa bàn có nhiều hộ dân đi làm ăn, buôn bán đến tối mới về nên việc tuyên truyền, vận động họ tham gia phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn cũng có nhiều hộ đóng cửa nhà, đi sinh sống nơi khác nên các lực lượng không thể mở cửa để vào phun thuốc diệt muỗi.

“Thời gian tới, TP cho cưỡng chế những căn nhà bỏ hoang để lực lượng y tế phun thuốc diệt muỗi, dỡ bỏ những thiết bị chứa nước mưa lưu cữu lâu ngày, không để bọ gậy có nơi sinh sống và phát triển. Đồng thời, đề nghị thành phố hỗ trợ công tác phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng. Bố trí thêm các máy phun thuốc diệt muỗi cho các phường vì hiện nay các máy đang phải hoạt động hết công suất”, bà Hòa kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết: “Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nếu làm triệt để diệt bọ và phun hoá chất thì sẽ khống chế được dịch. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt, triệt để của không chỉ chính quyền các cấp mà ngay cả cộng đồng người dân”.

Tháng 11 may ra dịch mới dừng lại

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Nga chia sẻ: Bây giờ mới tháng 8, đến tháng 11 may ra dịch mới dừng lại. Muỗi SXH truyền bệnh từ người bệnh sang người lành bằng hai cách. Cách thứ nhất qua nước bọt muỗi đã đốt người bệnh.

Cách thứ hai là qua trứng muỗi rồi thành loăng quăng và thành muỗi mang virus SXH, khi đốt người lành lại tiếp tục truyền virus SXH. Trứng muỗi rất giỏi chịu khô hạn và khi có nước nó sinh ra loăng quăng ngay. Vì vậy cứ có nước đọng tồn tại là có muỗi, và có muỗi là có SXH. Nhiệt độ môi trường càng cao thì muỗi càng phát triển nhanh, mưa càng nhiều thì càng nhiều muỗi. Mỗi con muỗi đẻ khoảng 5 lần, mỗi lần chục trứng và cứ vậy chúng tăng theo cấp số nhân.

Các công trường xây dựng cũng là những ổ loăng quăng mà Thủ đô thì hàng ngàn công trường. Muỗi SXH sống trong nhà và có tài ẩn nấp. Nó nấp sau tủ, sau ri đô che cửa, sau quần áo treo, dưới gầm giường...

Phải tự bảo vệ mình và người thân bằng cách dọn sạch các nơi nước có thể đọng lại sau mỗi trận mưa, nguồn nước trữ cho ăn uống, lọ hoa, chai lọ, hộp đựng nước, xô, chậu... Tích cực phun diệt muỗi trong nhà, xoa chất xua muỗi, nằm màn, tránh cho trẻ em khỏi bị muỗi đốt. Không có muỗi đốt thì không có SXH.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.