| Hotline: 0983.970.780

Vì sao thừa thầy, thiếu thợ

Thứ Tư 27/10/2010 , 10:18 (GMT+7)

Tỉ lệ cơ cấu nhân lực 1 đại học, 4 chuyên nghiệp, 10 công nhân kĩ thuật là phù hợp. Nhưng, hình như chúng ta đang đào tạo ngược lại.

Trường dạy nghề Tiền Giang thành lập 2003, được nâng cấp lên Cao đẳng tháng 6/2010, tọa lạc phường 8, thành phố Mỹ Tho. Là trường nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, được Bộ và tỉnh đầu tư thường xuyên nên trường có cơ sở khang trang với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ thầy cô có tay nghề thợ bậc cao.

Trường có 3 cấp đào tạo: cao đẳng có các ngành điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, công nghệ ô tô, quản trị mạng máy tính…; trung cấp 2 năm, 3 năm có 8 ngành điện công nghiệp, điện tử dân dụng, công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, kĩ thuật máy lạnh điều hòa không khí, kĩ thuật hàn, kĩ thuật xây dựng, may thiết kế thời trang...

Thầy Huỳnh Hữu Phước, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: “Để đào tạo thợ chuyên nghiệp hiện đại, nhà trường trang bị rất nhiều máy móc như: lĩnh vực hàn có hàn “tig, mig, mag”, hàn tự động, hàn điện…; lĩnh vực điện tử công nghiệp có các máy điều khiển khí nén, phòng PLC (điều khiển lập trình); lĩnh vực ô tô có máy phun xăng điện tử, hệ thống đánh lửa tự động và các loại xe để thực tập; lĩnh vực cắt gọt kim loại có máy tiện, đặc biệt có những máy rất hiện đại, đắt tiền, như 2 máy CNC (control number computer) thực hiện kĩ thuật phay, tiện theo quy trình công nghệ mới hiện đại.

Có thể nói, nhà trường có nhiều và đủ loại máy móc phục vụ cho việc đào tạo tay nghề giỏi, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa của xã hội. Chẳng hạn, khi thực tập máy tiện nhà trường có 25 máy, mỗi em đứng 1 máy; thực tập công nghệ ô tô, nhà trường có trung tâm kiểm định ô tô giúp các em làm quen với công nghệ ô tô hiện đại…

Nhiều ngành rất cần cho xã hội, như điện tử công nghiệp, kĩ thuật máy lạnh điều hòa không khí, kĩ thuật xây dựng, hàn, cắt gọt kim loại… Trình độ ra trường của các em vừa là thợ chuyên nghiệp, vừa “làm cai” chỉ huy công việc. Các em học các ngành này chưa kịp ra trường đã có đơn vị tới đăng kí hết.

Nhận định về khả năng mất cân đối giữa khả năng đào tạo và nhu cầu xã hội ở một số ngành nghề, thầy Lê Ngọc Mừng, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo cho biết: “Xã hội rất cần thợ hàn, tiện, xây dựng… ra trường có việc làm ngay, lương tháng cao đến 3 triệu đồng; trong khi các ngành khác đâu được thế. Nhưng do tâm lí người học và gia đình cũng muốn con em mình có việc làm nhẹ nhàng, an toàn, không phải nắng mưa, ít hại sức khỏe”.

Nhận định về triển vọng dậy nghề, thầy Huỳnh Hữu Phước còn cho biết thêm: “Cũng có nhiều ngành có triển vọng, như điện tử công nghiệp nhưng chưa nhiều người học, mỗi lớp chỉ đăng kí được 18 - 20 học sinh. Về lâu dài, điện tử công nghiệp là ngành “hot”, nhưng hiện các em chỉ chọn học điện tử dân dụng. Theo tôi, trong tương lai ngành điện tử dân dụng có thể gặp khó khăn, vì máy móc điện tử rẻ, các em hi vọng ra trường mở tiệm sửa chữa sẽ hạn chế".

Cũng theo thầy Phước trong khi công nghệ điện tử rất cần cho các NM công nghiệp hiện đại thì học sinh chưa quan tâm. Ngành thiết kế đồ họa cũng tuyển không được, mặc dù ngành này có nhiều chỗ làm như các công ty quảng cáo, thiết kế xây dựng... trong khi ngành may bão hòa, số lượng học viên vẫn đông. Ngành kế toán đông, nhưng ra trường cũng khó có việc làm…

Năm học 2010-2011, trung cấp nghề 2 năm tuyển không được, vì các em có bằng tốt nghiệp THPT thường không muốn theo nghề, chỉ muốn học đại học hoặc thấp cũng cao đẳng, để có một “mảnh bằng” tìm việc nay mai. Ngoài nguyên nhân trên, thầy Lê Ngọc Mừng, nhận định thêm về tình hình này như sau: “Gần đây nhận thức xã hội đã có chuyển biến đáng kể trong tâm lí học nghề; nhưng 2 hệ thống đào tạo “chuyên nghiệp” và “dạy nghề” vẫn chưa có sự phân bố đào tạo hợp lí: bao nhiêu thầy, bao nhiêu thợ là vừa nên dẫn tới tình trạng căng kéo trong tuyển sinh".

Kinh nghiệm một số nước tiên tiến trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa thì tỉ lệ cơ cấu nhân lực 1 đại học, 4 chuyên nghiệp, 10 công nhân kĩ thuật là phù hợp. Nhưng, hình như chúng ta đang đào tạo một tỉ lệ ngược lại. Vấn đề là cần tuyên truyền để có sự thay đổi trong nhận thức về người thợ; đồng thời, cần có sự phân luồng, phân bố trong chính sách tuyển sinh, đào tạo hợp lí, để tận đụng được tốt các trường nghề có cơ sở đào tạo tốt thì mới mong sửa lại được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay.

Chẳng hạn, tỉnh có 3 trường nghề, nhưng 4 trường trung cấp, nên 2 trường nghề khu vực ở Gò Công và Cai Lậy cũng gặp nhiều khó khăn tuyển sinh. Đã có sự lấn lướt của các trường chuyên nghiệp trong tuyển sinh. Vì người học thích chỗ nào thì học chỗ đó thôi; hơn nữa tâm lí người học vẫn thích học làm thầy hơn làm thợ. Mặt khác, một số trường thiếu trang thiết bị đào tạo dẫn đến tình trạng người học ra trường “dở thầy dở thợ”, không đáp ứng được yêu cầu xã hội, lãng phí ngân sách nhà nước.

Nói về chương trình đào tạo, thầy Mừng cho biết, từ năm 2008, Bộ đã có chương trình khung nên nhà trường theo đó; đồng thời chú trọng bổ sung các môn học kĩ năng thực hành phù hợp với yêu cầu thị trường, xã hội. Tính chung, khác với hệ thống đào tạo chuyên nghiệp, ngoài khoảng 210 tiết lí thuyết, còn lại là phần thực hành, dao động từ 65 – 85%. Thông số này cho thấy chương trình rất chú trọng đến trình độ tay nghề của người học. Vì vậy, chương trình đã đánh đúng vào yêu cầu thị trường. Ngoài ra, cuối khóa học nhà trường còn dành từ 300 đến 500 tiết thực tập tại công trường, xí nghiệp để học sinh làm quen môi trường làm việc, công nghệ ứng dụng.

So với trước đây, doanh nghiệp có phần hài lòng hơn với nội dung đào tạo nghề của nhà trường. Hơn nữa, theo thầy Mừng: "Hiện nay nhà trường đang áp dụng chuyển đổi phương pháp giảng dạy theo môđun tích hợp, chú trọng thực hành đi liền ngay lí thuyết; điều này đòi hỏi thầy phải có tay nghề giỏi, chớ không phải nói suông. Vì như vậy, học trò không học được thầy cái làm, mà chỉ học được thầy cái nói”.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất