| Hotline: 0983.970.780

Vì sao tôi vào đại học ở tuổi 53?

Chủ Nhật 14/01/2018 , 13:55 (GMT+7)

LTS: Nguyễn Đình Lộc là người viết báo, chăm làm việc thiện nguyện. Ông vừa nhận bằng cử nhân ở tuổi 57...

Theo đề nghị của Kiến thức gia đình, ông kể lại chuyện bước vào giảng đường đại học ở tuổi mà nhiều người đã tính đến chuyện dưỡng già.

05-39-31_13331051_117943045293014_3585179073549107313_n
Ông Nguyễn Đình Lộc

Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để kể lại chuyện vì sao 53 tuổi, mình lại quyết định bước vào khoa luật. Có lẽ ý định này đã manh nha ngay từ một vụ việc xảy ra năm 2008. Hồi đó ở huyện tôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) có một người phụ nữ mới 40 tuổi nhưng nổi như cồn với biệt danh N. "đầu gấu”. Đây là nhân vật chuyên cho vay nặng lãi, dụ mọi người chơi phường hụi rồi giật luôn. Khi khổ chủ đến đòi, chị này dùng các chiêu: Chửi bới, đánh đập, khủng bố làm cho đối tác tê liệt hoàn toàn về ý chí.

Ngang ngược hơn, giữa thanh thiên bạch nhật, chị ta dám dùng dây thừng trói một phụ nữ đòi nợ mình kéo lê từ chợ xuống quốc lộ 1A để thị uy. Đỉnh điểm là lợi dụng sự sơ suất trong giấy tờ, chị ta đuổi cả gia đình anh Th. ra khỏi nhà, chiếm lấy nhà đất nằm ven quốc lộ 1A. Tôi viết phóng sự 4 kỳ đăng báo vạch hết mọi sự sai trái. Tuy nhiên, muốn lấy lại nhà thì anh Th. phải kiện ra tòa. Nhà anh nghèo, không tiền thuê luật sư, không tiền chạy chọt, dù sự thật là nhà mình nhưng anh vẫn thua. Bức xúc trước sự bất công đó, tôi quyết định thay mặt anh Th. tham gia tranh tụng trước tòa phúc thẩm và đã thắng khi đòi lại được nhà cho gia đình này.

Nhận thấy báo chí dù công tâm phát hiện, phanh phui vụ việc, nhưng cơ quan tố tụng xử sai thì dân vẫn chịu oan. Muốn giúp dân, cần phải hiểu sâu luật khi viết bài và cao hơn nữa là cần phải đủ tư cách pháp nhân để tranh tụng mới mong bảo vệ toàn vẹn cho những người oan sai, những người nghèo khổ. Từ đó ý định theo học một lớp luật để hành nghề luật sư luôn nung nấu trong tôi. Tuy nhiên, lúc này hoàn cảnh gia đình đang rất khó khăn, vợ làm nghề nông, con đang đi học, tiền nhuận bút eo hẹp nên không thể thực hiện ý định này.

Năm 2013, để thực hiện ý định khi không còn sức trèo đèo lội suối viết báo sẽ hành nghề luật sư, tôi quyết định thi và đậu vào Khoa Luật, Trường Đại học Vinh (Nghệ An). Không thể kể hết nỗi gian lao vất vả khi theo học lớp này. Tuổi đã cao, sức đã yếu, lại học với một lớp toàn giới trẻ, đôi khi cảm thấy mình thật lạc lõng. Đa số đi học đều là những công chức, viên chức, họ đang ở độ tuổi hừng hực sức sống với những hoạt động sôi nổi mà mình khó hòa đồng, bắt kịp. Tôi lại vừa học vừa phải hoàn thành chỉ tiêu viết báo nên thời gian hết sức eo hẹp. Hơn thế nữa, từ đầu óc, chân tay, đến các bộ phận khác đều đã không còn nhanh nhạy nên khi gặp các môn học như: Tiếng Anh, lôgíc hình thức, tin học cơ sở... thật sự là một cuộc chiến nhọc nhằn, lắm lúc tưởng như không thể trụ nổi.

Tuy nhiên, mỗi khi gặp khó khăn, tôi lại nhớ đến lời thầy P.GS.TS Đinh Viết Hòa - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền: "Kiến thức vô bờ, càng học càng... muốn học” nên tôi lại cố gắng hết mình. Bên cạch đó, tôi được các thầy tận tình giúp đỡ, sẵn sàng phụ đạo ngoài giờ bất kể trưa, tối cho những kiến thức không nắm bắt kịp ở lớp. Hơn thế nữa, mỗi khi gặp các môn học như: Luật dân sự, hình sự, tố tụng, hôn nhân gia đình thì tôi lại cực kỳ phấn kích bởi quá trình tác nghiệp báo chí đã áp dụng nhiều nên... thuộc lòng.

Một chân trời kiến thức mới mở ra khi tại đây tôi được tiếp xúc với các môn học hoàn toàn mới mẻ như: Luật so sánh, Xã hội học đại cương hay Công pháp quốc tế, Hiến pháp tư sản, Lịch sử các học thuyết pháp lý.... Quả đúng là kiến thức vô tận, biển học mênh mông, kinh nghiệm viết báo tích lũy mấy chục năm qua vẫn còn nhiều thiếu hụt.

05-39-31_dsc_0815
Ông Nguyễn Đình Lộc nhận bằng tốt nghiệp đại học ở tuổi 57

Tuy vậy, áp lực lớn hơn vẫn là vấn đề cơm áo gạo tiền, mỗi kỳ học phí 5.000.000 đồng. Tiền nhuận bút chỉ đủ trang trải khiêm tốn hàng ngày trong gia đình. Mỗi kỳ học phí đến, người vợ nông dân lại phải cõng đi 1 tấn lúa mới có tiền cho chồng theo học. Để giảm thiểu tối đa chi phí, buổi trưa, tôi tạm chắp hai cái bàn lại ngả lưng tại trường, ngày 2 bữa ăn cơm sinh viên 20.000 đồng/suất. Buổi tối tôi mới về nhà một người quen ngủ nhờ và tắm rửa.

Qua 4 năm học tập, ngày 27/12/2017, lớp chúng tôi đã được Trường Đại học Vinh tổ chức trao bằng cử nhận luật. Do có các thành tích trong học tập, tôi còn được hiệu trưởng trao giấy khen.

Hiện nay, tôi đã 57 tuổi, nhưng tôi quyết tận dụng mọi thời gian có thể để tham dự lớp đào tạo luật sư của Học viện Tư pháp Hà Nội. Sau khi tập sự, dự kiến, 60 tuổi tôi sẽ trở thành luật sư chính thức. Con đường phía trước còn tràn đầy chông gai nhưng tôi không bao giờ ngừng đam mê, vụt tắt lửa nghề mà luôn thắp lửa để nó bùng cháy mạnh mẽ hơn, rực rỡ thêm.

(Kiến thức gia đình số 2)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?