| Hotline: 0983.970.780

Vị thế mới của cây khoai lang trong nền nông nghiệp (Tiếp theo& hết)

Thứ Tư 15/02/2012 , 10:20 (GMT+7)

* SX ethanol sinh học: Không cây trồng nào cạnh tranh nổi cây khoai lang

>> Vị thế mới của cây khoai lang trong nền nông nghiệp

Cây khoai lang đang được trồng phổ biến ở ĐBSCL

III. Định hướng phát triển khoai lang ở Việt Nam

1. Định hướng phát triển các sản phẩm chủ yếu về khoai lang

1.1. Khoai lang giàu tinh bột

+ SX TĂCN là hướng phát triển có quy mô thương mại lớn. Khoai lang tươi, khoai lang khô là thức ăn vi sinh giàu đạm. Thức ăn giàu đạm này phối chế với bột khoai lang khô và các nguyên liệu phối trộn khác theo công thức khác nhau sẽ thu được các loại thức ăn phù hợp nhu cầu dinh dưỡng đa dạng của các loại gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

+ SX nguyên liệu công nghiệp: Bột khoai lang được SX tinh bột biến tính như tinh bột oxy hoá, và nhiều loại tinh bột khác được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp dệt, giấy, y dược, thực phẩm, vật liệu xây dựng, đúc, công nghiệp nhẹ, công nghệ sinh học; SX sản phẩm hoá công như axit citric, axit axetic, axit oxalic, polyetylene, oxien, socbic alcohl, ethanolamin là nguyên liệu quan trọng để SX cao su nhân tạo, dầu béo, bao bì, mỹ phẩm, công nghiệp quốc phòng; sản phẩm lên men và thuỷ phân như đường glucose, fructo, oligose…

+ SX ethanol sinh học:

Ở nhiều nước, đang sử dụng mía đường (Braxin), ngô (Mỹ) để SX ethanol và đã thu được nhiều thành tựu to lớn. Việc SX ethanol sinh học không tranh chấp với lương thực đang hướng vào các đối tượng củ cải đường, cao lương ngọt, sắn, khoai lang, khoai tây….

Ở nước ta, đường là một loại nhu yếu phẩm, do diện tích đất phù hợp có hạn, nên SX đường mía chỉ đủ đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong nước, khó có khả năng SX mía đường làm nguyên liệu SX ethanol sinh học.

Ba cây củ cải đường, cao lương ngọt, khoai tây chỉ phát triển phù hợp ở một số vùng sinh thái mát ở nước ta, khó tạo ra vùng SX đủ lớn, có đủ sức cạnh tranh để làm nguyên liệu SX ethanol sinh học.

Sắn là nguyên liệu tốt SX ethanol sinh học. Cả nước ta đã trồng 0,5 triệu ha sắn, đạt 8 triệu tấn/năm, năng suất xấp xỉ đạt 16 tấn/ha, XK đạt gần 1 tỷ USD/năm, nhưng khó mở rộng diện tích vì quỹ đất phát triển diện tích sắn cần mở rộng thêm đều là vùng đất dốc sẽ dẫn đến tình trạng phá rừng, xói mòn, thoái hoá đất. Vả lại, dù năng suất sắn đạt trên 50 tấn/ha nhưng phải mất một năm, cũng không cạnh tranh nổi với khoai lang đạt năng suất 70- 80 tấn/ha chỉ trong 1 vụ hơn 3 tháng.

Cây khoai lang giàu tinh bột, năng suất giống mới đạt 70-80 tấn/ha/vụ, tiềm năng 120 tấn/ha/vụ, hàm lượng tinh bột trung bình từ 10-15% nay nâng lên 25%, hệ số chuyển hoá rất cao, cứ 3 tấn khoai lang khô hoặc 8 tấn khoai lang tươi thu được 1 tấn ethanol, dịch thải từ SX ethanol có thể sản xuất CH4 mà 1m3 CH4 có nhiệt lượng tương đương 0,76 tấn than tiêu chuẩn hoặc SX 1,5 kw điện.

Như vậy, so sánh các nguyên liệu để SX ethanol sinh học, không có cây trồng nào cạnh tranh nổi với cây khoai lang trong điều kiện Việt Nam. Nếu nước ta hàng năm sử dụng trên 10 triệu tấn xăng cần trên nửa triệu tấn ethanol sinh học, để SX E5 phải sử dụng tới 5 triệu tấn khoai lang khô nguyên liệu.

Dùng khoai lang để SX ethanol sinh học ngoài thu được ethanol, còn các sản phẩm khác, nâng cao chuỗi giá trị của ngành công nghiệp này.

1.2. Khoai lang thực phẩm

Các loại giống khoai lang ăn ngon, nhất là khoai lang có sắc tố vàng, tím, hồng, đều là những giống khoai lang quý. Những năm gần đây, những giống khoai lang này đã có bước phát triển vượt bậc.

Nhiều giống khoai lang mới ra đời, đặc biệt là giống khoai lang ruột tím, có giá rất đắt, có nơi bán trên 100.000đ/kg khoai khô. Hiện nay, khoai lang hồng, ruột tím đang có thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Trên thị trường đã có nhiều sản phẩm chế biến từ khoai lang thành thực phẩm ăn ngon, thuận tiện, bắt mắt. Sản phẩm khoai lang thực phẩm ngày càng đa dạng hơn như lát khô, chiên dầu, mì sợi, mứt, bánh bích quy, phồng tôm, bột dinh dưỡng, nước uống ... sẽ lần lượt ra đời với bao bì đẹp được thị trường đánh giá cao.

Các sản phẩm khoai lang thực phẩm cùng với gạo, thịt, trứng, sữa, rau quả… sẽ đổi mới cơ cấu bữa ăn, phong phú, bổ dưỡng và văn minh hơn, góp phần gia tăng an ninh lương thực - thực phẩm của loài người, ứng phó có hiệu quả đối với biến đổi khí hậu toàn cầu trong bối cảnh dân số thế giới tăng lên 10 tỷ người, kèm theo xu thế diện tích khá lớn đất trồng lúa bị nhấn chìm do mực nước biển dâng.

2. Các giải pháp chủ yếu:

2.1 Bố trí quỹ đất gắn với chế độ canh tác phù hợp

Phát triển khoai lang dựa vào quỹ đất sau đây

- Trên diện tích 3,2 triệu ha đất trồng lúa 2 vụ, giành khoảng 700.000 ha chủ yếu là vụ đông ở miền Bắc để trồng khoai lang đông theo công thức luân canh: lúa xuân – lúa mùa – khoai lang đông.

- Trên diện tích 0,7 triệu ha đất 1 vụ lúa 1 vụ màu, có thể dành vài trăm ngàn ha vụ màu để trồng khoai lang theo công thức luân canh: khoai lang xuân – lúa mùa hoặc lúa xuân – khoai lang thu đông.

- Trên diện tích khoảng 500.000 ha đất bãi ven sông suối có thể dành vài trăm ngàn ha để trồng 1 năm 2 vụ khoai lang luân canh với 1 vụ cây trồng ngắn ngày khác.

- Trồng vài trăm nghìn ha khoai lang trên đất nương rẫy ở trung du, miền núi có độ dốc thấp.

- Trồng xen khoai lang vào vườn cây lâu năm chưa khép tán.

Dựa vào diện tích gieo trồng khoảng 2 triệu ha với chuỗi sản phẩm giá trị cao, hướng tới mục tiêu sản lượng khoai củ (quy khô) đạt 40- 50 triệu tấn/năm, doanh thu mang lại cho nông dân trên 15 tỉ USD/năm. Cùng với chuỗi sản phẩm công nghiệp giá trị cao mang tính chiến lược, khoai lang chế biến đem lại doanh thu 30- 40 tỉ USD/năm, trong đó XK khoảng 10 tỉ USD/năm, nâng tầm SX khoai lang thành một sản phẩm nông nghiệp xanh trong cơ cấu nền nông nghiệp hàng hoá, phát triển bền vững của nước nhà.

Hiện nay, diện tích khoai lang cả nước khoảng 150.000 ha, năng suất khoảng 15 tấn/ha/vụ, có đủ khả năng nâng lên khoảng 2 triệu ha, chủ yếu dựa vào diện tích tăng vụ, không cần khai phá đất mới, được thâm canh cao, năng suất khoai lang tinh bột 80- 100 tấn/ha/vụ, khoai lang thực phẩm 50- 60 tấn/ha/vụ.

2.2 Phát triển khoa học- công nghệ

Tạo chọn các giống khoai lang mới có năng suất và chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Nghiên cứu các loại công nghệ chế biến tinh xảo, chế biến sâu, khám phá thêm những sản phẩm mới dựa vào công nghệ cao lấy nguyên liệu từ khoai lang phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và XK.

2.3. Huy động lực lượng DN vào cuộc

Khoai lang là cây dễ trồng nhất trong nông nghiệp, dễ tạo ra bước đột phá nhanh, nhưng muốn trở thành một sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đòi hỏi cách làm bài bản, dựa vào sự gắn kết giữa nông dân với DN. Các DN, nhất là DN nhỏ và vừa ở nông thôn phải là lực lượng xung kích trên mặt trận này.

Với số vốn đầu tư không lớn, nhưng phải gánh vác trách nhiệm thu mua sản phẩm làm ra của nông dân, tổ chức chế biến sâu, tổ chức tiêu thụ ở thị trường trong nước và XK, tạo ra giá trị gia tăng ngày càng lớn, gắn bó hài hoà lợi ích nông dân với DN trong chu trình SX khoai lang ở quy mô công nghiệp.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất