| Hotline: 0983.970.780

Vì tính mạng của mình, cứ ráng sống vậy đi đã

Thứ Hai 22/12/2014 , 08:52 (GMT+7)

Sống như một người câm khó lắm. Nhưng vì tính mạng của mình, cứ ráng sống vậy đi đã. Để thời gian nữa hẵng nghĩ chuyện tách ra khỏi chồng.

Cô ơi!

Em là đứa bé bất hạnh từ lúc 5 tuổi cho đến giờ. Vì ba em bỏ rơi mẹ con em theo một người phụ nữ khác.

Cô ơi, từ đó mẹ em suy sụp và mắc bệnh trầm cảm. Hai chị em của em đứa ở với ngoại, đứa ở với nội. Rồi chúng em cũng lớn lên, lập gia đình.

Mẹ em vô phước không có con trai, con gái không có quyền nuôi mẹ nên cậu mợ út của em đem mẹ về nuôi. Cậu lo luôn việc thuốc thang cho mẹ hàng tháng.

Lâu lâu em mới về thăm mẹ một lần. Em nghèo lắm, không có gì cả, chỉ mua cho mẹ mấy ngàn tiền bánh mà lúc nào chồng em cũng nghi ngờ em lén lút cho mẹ tiền. Cô biết không, anh ta suy bụng ta ra bụng người đó mà.

Nhà em cách mẹ ba mươi cây số. Chồng em lúc nào cũng khằn khịa ích kỷ, khắt khe chuyện mấy đồng bạc.

Em muốn mua sắm cái gì cũng phải hỏi ý kiến anh ta. Anh ta còn đánh tiếng là con gái không có quyền nuôi mẹ, anh ta sợ em thương mẹ quá rồi đem mẹ về nuôi.

Cô ơi, cũng tại em. Em quen anh em không chịu tìm hiểu. Tưởng lấy chồng lớn hơn mình 9 tuổi thì mình sẽ được học khôn, nào ngờ, anh ta bần tính lắm.

11 năm qua lúc nào em cũng phải chiều theo ý anh ta. Em luôn cố gắng nhịn nhục vì con, để con mình không phải cha một nơi, mẹ một ngả như mình.

Ước mơ của em là khi buồn thì có mẹ bên cạnh để an ủi cũng không được. Em chỉ van vái cho mẹ em phục hồi trí nhớ, rồi biết ôm em vào lòng để an ủi.

Cô biết không, chúng em có rẫy điều, anh ta có mẹ nhưng vì đứa em của anh ta đi tù mà tiền bạc của nhà em, anh ta phải lo cho cái đứa ấy nữa.

Nếu em có cha hay có mẹ bình thường thì em đã bỏ anh ta từ lâu rồi. Có lần em bị tả gần chết, nhờ con gái lớn 13 tuổi rót nước liên tục cho em uống. Đến sáng em nói anh ta chở em đi truyền nước, anh ta nói truyền một bịch thôi, tốn tiền.

Em biết anh ta dành tiền cho mẹ chồng em đi thăm nuôi thằng con tù, em nói thì bị đánh, em sống thì phải biết câm miệng.

Giờ em mệt mỏi chán nản lắm rồi, theo ý cô, em có nên ly dị hay không?

Em (Bình Thuận)

------------------

Em thân mến!

Lá thư đề ngày 15/10, cho thấy em cân nhắc rất nhiều mới gửi nó đi. 12 trang giấy học trò, mỗi 4 trang thì một màu mực, em viết nó làm ba lần đúng không? Viết 3 lần với một tâm trạng nó như là viết hàng tháng trời, cho đến khi có con dấu bưu điện thì đã sang tháng 12 rồi.

Cô nhớ lâu rồi, đã từng có lá thư bưu chính không địa chỉ cụ thể với nội dung như thế này. Cô đã tư vấn nhưng lá thư thứ hai này cho biết em không đọc được trả lời.

Hoàn cảnh nhà em không có báo, đúng không? Internet càng không, đúng không? Vậy thì cô lại tư vấn lần nữa mà không biết em có đọc được kỳ thư này trên số báo nhờ của ai đó mà em mượn được.

Em có nói em bồng bột, chồng hơn em 9 tuổi, cô đoán chắc em lấy chồng sớm lắm. Hoàn cảnh có cha cũng như không, chị em của em muốn có người để nương tựa nên thiếu tìm hiểu. Thương cho em quá, mẹ bị sốc tình đến nỗi không nhớ gì, lấy chồng thì nhà chồng có một người tù phải nuôi nữa chứ.

Cô không hiểu sao cái quan niệm con gái không được nuôi mẹ lại do chính chị em nhà em qui ước vậy. Cậu em đã đem mẹ về nuôi là vì vậy.

 Nếu bình thường thì trong hai chị em của em, phải có một người trực tiếp chăm mẹ, người kia góp tiền. Có lẽ cậu mợ và các em đều nghĩ vậy nên nhẹ gánh thực tế cho em, nhưng nhẹ bên gái mà nặng gánh ở tâm tư. Ai chẳng thương mẹ và muốn được lo cho mẹ.

Có những gã chồng tệ hại vậy đó em ơi. Gã muốn kiểm soát tiền, phát cho vợ từng đồng mua hành, mua nước mắm.

 Vậy rồi, bản tính khắc nghiệt ấy, sẽ khiến gã động thủ với vợ. Vợ càng nhịn gã càng làm già, để tỏ rõ uy quyền, để cai trị. Có thể nào, em về với gã khi em còn trẻ người non dạ quá nên gã coi như ôsin, gã đè đầu cưỡi cổ quen rồi không?

Em có nói em cũng đi làm mà không nói rõ làm gì. Lá thư dài, thông tin ít, chắc làm ở đây là làm rẫy, đúng không? Em có gì ngoài những đứa con (không nói là mấy đứa), em ly dị rồi em và các con sống ra sao?

Ấy là chưa nói em khó thoát ra để ly dị được. Khi em nói ý định ấy là gã chồng đã cho em lên bờ xuống ruộng rồi.

Cô biết em chịu đựng thì hết đời nhưng em buông đại ra thì các con em có ở bên cạnh em không, hay là chồng em dành hết (để trị em) và rồi con nó sẽ khổ như em khi không có mẹ ở bên?

Biết rằng thời nay bị chồng bạo hành mà không thoát ra kém, hèn và tàn đời. Nhưng hãy nói với người thân của em đừng trách em bổn phận với mẹ. Rồi cố gắng nuôi dạy con cho chúng nên người. Mai sau em sẽ nhờ vào con, khi chúng có gia đình riêng, em sẽ có chỗ dựa mới.

Sống như một người câm khó lắm. Nhưng vì tính mạng của mình, cứ ráng sống vậy đi đã. Để thời gian nữa hẵng nghĩ chuyện tách ra khỏi chồng.

Cô không nhìn thấy lối thoát ở em, trừ khi em bỏ vãi các con, đi xa và chỉ tự lo cho mình.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.