| Hotline: 0983.970.780

Việc nào xong việc đó

Thứ Hai 25/02/2013 , 10:34 (GMT+7)

Chuyến công tác về tỉnh Thái Bình lần này chúng tôi ấn tượng khi đặt chân đến xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương.

Chuyến công tác về tỉnh Thái Bình lần này chúng tôi ấn tượng khi đặt chân đến xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương. Theo như lời ông Phạm Văn Nhận, Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ xây dựng NTM của xã Thanh Tân thì địa phương đã đón tiếp hơn 500 đoàn trong và ngoài tỉnh về tham quan, học tập kinh nghiệm làm NTM.

Ra từng chuyên đề

Qua chuyến khảo sát thực tế ở đây, chúng tôi nghĩ chắc còn nhiều đoàn nữa sẽ về Thanh Tân học tập bởi lẽ ở Thanh Tân, xây dựng NTM không có cái nào làm chung chung cả. Họ chọn từng việc cụ thể nhất, đi từ những điều nhỏ nhất và quyết làm cho nó thành công. “Quan điểm của chúng tôi, làm việc nào phải ra việc đó, không dàn trải, không chung chung”, ông Nhận nói.

Bắt tay vào làm NTM, xã Thanh Tân chọn giải pháp tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân thông suốt về chủ trương, tường tận về mục đích rồi mới tiến hành làm từng việc cụ thể. “Chúng tôi chọn cách tuyên truyền miệng là chủ đạo. Xã thành lập các tổ, do lãnh đạo chủ chốt làm trưởng đoàn đến từng thôn, từng gia đình để tuyên truyền cho nhân dân hiểu”, ông Nhận cho hay.

Khi tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thông suốt thì xã tiến hành các cuộc họp mở rộng với sự tham dự của đảng viên trong toàn Đảng bộ, cán bộ xã, thôn, những bậc cao niên, những người có uy tín trong làng. Từ các cuộc họp đó, Đảng ủy, UBND xã lần lượt ban hành các chương trình hành động. Đây được coi là cách làm khác so với nhiều địa phương mà chúng tôi từng đặt chân đến tìm hiểu về NTM.

Nói về điều này, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tân, tâm sự: “Biện pháp thực hiện thì địa phương nào cũng có nhưng ở đây chúng tôi chọn cách tuyên truyền phải tác động trực tiếp vào nhận thức của toàn dân. Chúng tôi nói với nhân dân rằng, dồn điền đổi thửa để làm gì, là để đắp được bờ thửa, làm được đường và kênh mương nội đồng, để thửa ruộng rộng ra. Có như thế việc đưa KHKT vào SX mới thuận lợi và năng suất, thu nhập người dân cũng sẽ tăng lên.

Chúng tôi vận động bà con tham gia dọn vệ sinh từ trong nhà ra ngoài ngõ để có một môi trường trong sạch. Tôi làm trước, anh em cán bộ làm trước rồi nhiều nhà làm theo. Cứ như thế chúng tôi có thêm động lực để làm NTM”.


Người dân Thanh Tân tham gia làm đường GTNT

Ở xã Thanh Tân nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung người ta làm NTM từ ngoài đồng làm vào. Nghĩa là trên các cánh đồng phải được quy hoạch một cách rõ nét bờ vùng, bờ thửa. Từ đó, mới đầu tư làm đường và kênh mương bằng bê tông. Đường nội đồng nối với đường thôn bằng bê tông kiên cố, bằng ý chí và niềm tin của sức mạnh cộng đồng.

Ông Nhận đưa cho chúng tôi xem 7 chuyên đề về NTM của xã, bao gồm chuyên đề: Dồn điền đổi thửa, Phát triển kinh tế, Giải phóng mặt bằng giao thông xây dựng đường, Chăm sóc sức khỏe nhân dân và KHGĐ, Thu gom phân loại xử lý rác thải, Đảm bảo an ninh trật tự trong nông thôn.

Chuyên đề nào cũng được cân, đo, đong, đếm, tổng hợp lại từ chính các cuộc tiếp xúc với nhân dân, từ các cuộc họp mở rộng để hình thành nên nó. Cũng từ đó, toàn Đảng bộ và nhân dân bắt tay vào làm NTM không có đắn đo, do dự.

Đến những việc làm cụ thể

Trao đổi với chúng tôi xong, ông Nhận dẫn tôi đi xem thực địa. Đi trên con đường làng vừa được xây dựng mới từ chính sự đóng góp của nhân dân, phóng tầm mắt nhìn ra phía cụm công nghiệp - dịch vụ của xã, chúng tôi cảm nhận được niềm vui trên khuôn mặt của vị lãnh đạo xã Thanh Tân. Đến đâu, ông cũng minh chứng cho tôi từng việc làm cụ thể từ chính các chuyên đề đã được ban hành.

Nếu như trước khi dồn điền đổi thửa, xã Thanh Tân có 3,25 thửa/hộ thì đến nay chỉ còn 1,5 thửa/hộ. Từ đó việc đưa các tiến bộ KHKT vào SX gặp rất nhiều thuận lợi. UBND xã đã chỉ đạo cho HTXDVNN đấu mối với Tổng Cty CP Giống cây trồng Thái Bình tiến hành hợp tác trong việc SX lúa giống, thay thế cho phương thức SX lúa thương phẩm như trước.

Mấy năm gần đây, vụ nào xã cũng SX được 200 ha lúa giống cho Cty. Nhờ cách làm đó, năng suất, sản lượng lúa không chỉ có tăng lên mà giá thành cũng cao hơn hẳn so với giá thóc thịt.

Từ chỗ chỉ nghĩ có cơm no, nay người dân nghĩ đến cơm ngon, quần áo đẹp và nhà cửa khang trang. Muốn có những thứ đó, buộc mỗi người phải tìm cách kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Chúng tôi rút ra được điều đó khi có dịp vào thăm vào cụm công nghiệp - dịch vụ ở xã Thanh Tân.

Ông Đỗ Đức Luyến, thôn Tử Tế, cho hay: “Cả thôn hiện có 400 lao động đang làm việc tại các DN trên địa bàn xã với mức lương ổn định hàng tháng từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng/người. Nếu nói về tiêu chí thu nhập trong NTM thì tất cả các thôn trong xã chúng tôi đều đã đạt vì bình quân mỗi người đã thu nhập đạt 24,4 triệu đồng/năm rồi”.

Bằng cách làm đó xã đã mở rộng các dịch vụ ngành nghề và ở một xã nông thôn trên quê lúa Thái Bình đến nay có 7 DN đang đầu tư làm ăn, giải quyết được 2.200 lao động là con em địa phương. Nhờ có việc làm ổn định ngay trên chính quê nhà cho nên cuộc sống của nhiều gia đình ở Thanh Tân từ chỗ khó khăn nay đã vươn lên khá giả.

Các DN SX trên địa bàn như: DN SX chế biến xuất khẩu chè thanh nhiệt, DN xăng dầu, DN SX bao bì PB, DN dệt may, DN xây dựng, DN may thêu và có một DN chế biến dược, hàng mỹ phẩm sắp ra đời nữa. Nhờ có nhiều DN nên đã hình thành được thói quen “ly nông bất ly hương” cho con em. Đây chính là điều mà, phần lớn lao động địa phương vừa có việc làm tăng thu nhập, vừa không mất chi phí tiền thuê phòng ở như một số làng quê khác thanh niên phải ly hương phiêu bạt xứ người để làm ăn. Ở đây, lao động, ngày làm việc ở nhà máy, tối về bên gia đình.

Không trông chờ ngân sách

Tôi giật mình khi nghe cụ Trần Đình Song, người được thôn Tử Tế giao nhiệm vụ trông nom ngôi miếu của làng, nói rằng: “Ở đây làm NTM không trông chờ vào ngân sách vì chúng tôi biết kinh tế đất nước đang rất khó khăn”.

Vậy làm thế nào mà ở thôn mình có được đường làng, ngõ xóm khàng trang vậy?, tôi hỏi. Cụ Song giở cuốn sổ ghi chép của mình ra rồi nói: “Thôn Tử Tế đã nhận được rất nhiều tiền từ tấm lòng hảo tâm của con em xa quê hương đóng góp. Trong khi ngân sách Nhà nước chưa có thì thôn đã chủ động triển khai làm đường nhờ vào số tiền trên 1 tỉ đồng của con em gửi về. Có cháu gửi về 200 triệu đồng cho thôn làm đường, làm nhà văn hóa”.

Nói rồi, cụ Song lại dẫn chúng tôi đến thăm nhà văn hóa của thôn đang được hoàn thiện. Cụ bảo: “Nhà văn hóa được Nhà nước ghi vốn đầu tư cho 800 triệu đồng, số còn lại do nhân dân đóng góp. Đến giờ này, ngân sách Nhà nước chưa có nhưng chúng tôi thì đã nhận được tiền của con em gửi về hơn 900 triệu đồng rồi. Thế là thôn quyết định triển khai xây dựng nhà văn hóa. Khi nào có tiền Nhà nước, chúng tôi sẽ hoàn thiện công trình một cách đẹp nhất”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm