| Hotline: 0983.970.780

Viện Chăn nuôi phải có chiến lược nghiên cứu

Thứ Năm 09/01/2014 , 09:38 (GMT+7)

Ngày 8/1 tại Hà Nội, Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác năm 2013 và định hướng nhiệm vụ 2014.

Ngày 8/1 tại Hà Nội, Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác năm 2013 và định hướng nhiệm vụ 2014. Viện trưởng Viện Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, 2014 được coi là năm bản lề thực hiện nhiều chính sách, cơ chế đổi mới của Viện.

THỐNG NHẤT MỘT MỐI

Năm 2013 được đánh dấu mốc là năm đầu tiên hệ thống tổ chức nghiên cứu khoa học về chăn nuôi được thống nhất về một mối. Viện Chăn nuôi được Bộ NN-PTNT giao tiếp nhận 6 bộ phận nghiên cứu chăn nuôi của Viện KHKT nông nghiệp miền Nam (Viện Khoa học Nông nghiệp VN - VAAS). Đồng thời, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Phân Viện Chăn nuôi Nam bộ. Sau khi hợp nhất, đến nay khối Viện Chăn nuôi có tất cả 25 đơn vị trực thuộc. Trong đó, có 1 phân viện, 7 bộ môn, 4 phòng chức năng, 2 phòng thí nghiệm và 11 trung tâm nghiên cứu. Tổng số cán bộ, công nhân viên toàn khối của Viện là 1.220 người.

TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi chia sẻ: Sau khi tiếp nhận 6 đơn vị từ Viện KHKT nông nghiệp miền Nam, Viện Chăn nuôi nhanh chóng kiện toàn lại bộ máy tổ chức, hiện đã có một Phó Viện trưởng phụ trách. Viện đã kịp thời ban hành một số văn bản, quy định hoạt động của Phân viện.


Thứ trưởng Vũ Văn Tám trao Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể, cá nhân Viện Chăn nuôi

Đến nay, cơ bản Phân viện Chăn nuôi Nam bộ đã đi vào hoạt động ổn định, năm đầu tiên có sự tăng trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, trong năm 2013 Viện Chăn nuôi đã hoàn thiện tái cơ cấu theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, qua đó một số bộ phận nghiên cứu đã tiến hành những bước tái cơ cấu mạnh mẽ nhằm cho ra các sản phẩm chăn nuôi có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm trong và ngoài nước.

Một nhiệm vụ cũng được Viện Chăn nuôi thực hiện nghiêm túc trong năm 2013, đó là công tác rà soát quy hoạch cán bộ, lãnh đạo Viện giai đoạn 2011 - 2015 và lấy phiếu quy hoạch giai đoạn 2016 - 2020, bổ nhiệm, luân chuyển nhiều chức vụ quan trọng khác tại các đơn vị trực thuộc Viện. Đây là một trong những nhiệm vụ trong tâm chiến lược để chuẩn bị cho việc Viện Chăn nuôi trở thành Viện đầu ngành theo mô hình của VAAS.

Theo báo cáo của Viện Chăn nuôi, năm 2013 Viện được giao tổng số 118 nhiệm vụ KHCN, tăng gần 15% so với năm 2012. Trong đó, có 22 nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước (12 đề tài, 4 dự án SX thực nghiệm, 6 nhiệm vụ quỹ gen), 67 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ (36 đề tài trọng điểm, 3 chương trình công nghệ sinh học, 4 dự án SX thực nghiệm, 4 nhiệm vụ bảo tồn, khai thác, phát triển nguồn gen, 7 dự án giống, 8 dự án khuyến nông…). Trong số 118 nhiệm vụ thì số đề tài nghiên cứu cơ bản có định hướng chiếm 21%, đề tài nghiên cứu ứng dụng chiếm 74%, các vấn đề chăn nuôi khác chiếm 5%.

THAY ĐỔI TƯ DUY NGHIÊN CỨU

Mặc dù năm 2013, kinh phí được cấp chậm, nhưng nhờ sự nỗ lực của toàn khối Viện nên công tác nghiên cứu khoa học được triển khai nghiêm túc, đúng tiến độ, nội dung được phê duyệt. Với con lợn, đã chọn lọc nhân thuần được đàn lợn nái và đực giống dòng Meishan, Landrace, Yorkshire, Duroc… làm nguyên liệu gốc cho việc lai tạo, chuyển hóa…


Giống gà hướng trứng AGVG của Viện Chăn nuôi 

Về giống gia cầm, thủy cầm đã đánh giá và tiến hành chọn tạo được nhiều giống gà hướng thịt, siêu trứng, ta lai có chất lượng cao, đặc biệt là giống gà Tàu Vàng Nam bộ. Về gia súc lớn, năm 2013 Viện Chăn nuôi tập trung vào các kết quả nghiên cứu về bò sữa, bò thịt và trâu, hiện nay đã hoàn thành quy trình kỹ thuật và xây dựng mô hình SX bò thịt năng suất, chất lượng cao tại việt Nam.

Theo chia sẻ của TS Nguyễn Thanh Sơn, sang năm 2014 Viện Chăn nuôi được giao tổ chức thực hiện 117 nhiệm vụ với tổng kinh phí dự kiến (không kể dự án giống và giống gốc) là xấp xỉ 70 tỷ đồng. Sau khi kiện toàn lại bộ máy, tổ chức trong năm 2013, sang 2014 Viện sẽ có nhiều thay đổi rất lớn trong công tác nghiên cứu khoa học cũng như thực hiện các đề tài, dự án.

Quan điểm của Viện là các đơn vị phải có đề tài nghiên cứu trọng điểm và xác định lấy một vài sản phẩm chủ lực, hạn chế việc nghiên cứu dàn trải, cào bằng nhưng chất lượng không cao. Đặc biệt, năm 2014, ban lãnh đạo Viện sẽ tiến hành thống nhất về quy chế lương thưởng cho cán bộ, công nhân viên chức, nhà khoa học công tác tại Viện, mục đích là tạo ra thu nhập ổn định, công bằng, xứng đáng để các nhà khoa học ở lại cống hiến cho Viện.

Tham dự và chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đánh giá cao công tác nghiên cứu trong năm 2013 của Viện Chăn nuôi, mặc dù là năm thực hiện nhiều nhiệm vụ về nhân sự và kiện toàn bộ máy tổ chức. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, sang năm 2014 có rất nhiều vấn đề mới nảy sinh, đặc biệt nếu nước ta gia nhập TPP thì lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất chính là chăn nuôi khi mọi loại thuế nhập khẩu thịt đều bằng 0%.

2014 cũng là năm Bộ NN-PTNT tiến hành tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Với ngành chăn nuôi, tái cơ cấu chủ yếu dựa trên các giải pháp KHCN, trong đó Viện Chăn nuôi phải là đơn vị tiên phong. Đặc biệt, cần lưu ý các loại vật nuôi truyền thống mà chúng ta có thế mạnh và chăn nuôi nông hộ, bởi bộ phận này hiện vẫn chiếm tới 60% tổng sản lượng của ngành chăn nuôi.

Cũng nhân dịp này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám thừa ủy uyền của Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Phân viện Chăn nuôi Nam bộ, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn và 4 cá nhân trong Viện vì có thành tích công tác xuất sắc trong năm 2013.

“Để chuẩn bị cho việc trở thành Viện đầu ngành về chăn nuôi của cả nước như mô hình của VAAS, ngoài các nhiệm vụ về chuyên môn, Viện Chăn nuôi cần phải có chiến lược đào tạo cán bộ, các chương trình hợp tác quốc tế...”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất