| Hotline: 0983.970.780

Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch - 45 năm xây dựng và phát triển

Thứ Hai 09/12/2013 , 10:47 (GMT+7)

Cách đây 45 năm, ngày 11/4/1968 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã ra quyết định thành lập Viện Công cụ và Cơ giới hóa nông nghiệp...

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Cách đây 45 năm, ngày 11/4/1968 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã ra quyết định thành lập Viện Công cụ và Cơ giới hóa nông nghiệp, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức nghiên cứu khoa học đầu ngành về lĩnh vực cơ giới hóa, điện khí hóa sản xuất (SX) nông nghiệp và phát triển nông thôn. Từ đó đến nay Viện đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau: Viện Công cụ và Cơ giới hóa nông nghiệp (1968-1994), Viện Cơ điện nông nghiệp và Chế biến nông sản (1994-1997) và Viện Cơ điện nông nghiệp (1997-2003).

Ngày 18/10/1989, Viện Lương thực thuộc Bộ Lương thực được đổi tên thành Viện Công nghệ sau thu hoạch trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. Ngày 11/4/2003, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ra quyết định hợp nhất Viện Cơ điện nông nghiệp và Viện Công nghệ sau thu hoạch thành Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch ngày nay.

NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA

Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước (1968-1975), ngay từ những năm đầu thành lập, Viện Công cụ và Cơ giới hóa nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng tập thể cán bộ, công nhân, viên chức của Viện đã vượt qua, bước đầu hình thành ngành cơ giới hóa SX nông nghiệp ở miền Bắc.

Sau ngày thống nhất đất nước (1975-1986), địa bàn hoạt động của Viện trải rộng khắp cả hai miền. Các hệ thống máy và thiết bị phục vụ các khâu cơ giới hóa canh tác từ làm đất đến thu hoạch tiếp tục được phát triển về chủng loại, nâng cao về chất lượng, năng suất. Các nghiên cứu về sơ chế, chế biến nông sản được hình thành và phát triển phục vụ kịp thời cho các công đoạn sơ chế, bảo quản, chế biến trong nông nghiệp.

Sang thời kỳ đổi mới (1987-2000) SX nông nghiệp có nhiều biến động, nền kinh tế thị trường bắt đầu hình thành, trong nông nghiệp thực hiện cơ chế khoán 10, ruộng đất bị chia nhỏ manh mún, hệ thống cơ giới hóa nông nghiệp từ trung ương xuống địa phương gần như phân rã.

Từ thực tế đó, Viện chủ trương đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao với đối tượng là hộ gia đình. Hàng loạt các sản phẩm nghiên cứu đã được ứng dụng vào SX như: Các loại máy kéo nhỏ 2 bánh, bốn bánh công suất từ 4-20 mã lực,

Các loại máy gieo hạt, máy cấy đơn giản, dãy bơm nước hướng trục đặt đứng, nghiêng công suất từ 50 đến 1.000 m3/h phục vụ tưới tiêu nội đồng; các loại máy đập tuốt lúa, máy tẽ ngô, bóc lạc... Trong sơ chế bảo quản nông sản cũng được ứng dụng rộng rãi các loại máy sấy; máy phân loại, làm sạch...

Trong chăn nuôi đã bắt đầu ứng dụng các loại máy nghiền, trộn, ép viên, đóng bao. Lĩnh vực điện nông nghiệp đã bắt đầu phát triển các loại thiết bị xử lý bằng điện trường cao áp, thiết bị tạo ôzôn trong bảo quản nông sản; khai thác các dạng năng lượng từ phế thải nông nghiệp; hệ thống máy và thiết bị chế biến sợi lương thực, chè xanh, thức ăn chăn nuôi (TĂCN) , phân bón vi sinh…

Cũng trong giai đoạn này, Viện Công nghệ sau thu hoạch tiếp tục được củng cố và phát triển, các đề tài nghiên cứu chủ yếu đi vào lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến nông sản, kiểm tra đánh giá chất lượng nông sản thực phẩm.

Nhiều sản phẩm nghiên cứu đã được ứng dụng, hàng loạt các mô hình bảo quản thóc, ngô, đậu đỗ qui mô hộ được thử nghiệm, chế biến các sản phẩm ăn liền bắt đầu phát triển, một số sản phẩm thực phẩm chức năng đã được thử nghiệm bước đầu đạt kết quả khả quan.

Sau khi hợp nhất, hoạt động nghiên cứu và chuyển giao của Viện được nâng lên một tầm cao mới. Nhiều công trình có hàm lượng khoa học cao, đồng bộ cả công nghệ và thiết bị theo chuỗi giá trị của sản phẩm được nghiên cứu triển khai có hiệu quả, có thể nêu một số kết quả tiêu biểu như: Quy trình và hệ thống máy làm đất chăm sóc cây mía; Quy trình và hệ thống máy SX mạ khay công nghiệp; Máy cấy mạ thảm 4-6 hàng; Máy thu gom và đóng kiện rơm rạ; hệ thống thiết bị SX cây giống;

Dây chuyền thiết bị đồng bộ SX hạt giống; máy liên hợp thu hoạch lúa, ngô, lạc, mía; các loại máy sấy nông sản; hệ thống thiết bị sơ chế, bảo quản rau quả tươi (packing house); hệ thống lạnh và lạnh đông nông sản và thực phẩm; dây chuyền thiết bị SX colophan và tinh dầu thông; Dãy lò đốt theo công nghệ tầng sôi, khí hóa và xoáy ly tâm sử dụng phế thải nông nghiệp;

Công nghệ bảo quản hạt lương thực qui mô hộ và liên hộ; công nghệ và thiết bị SX chế phẩm tạo màng để bảo quản rau quả tươi; công nghệ bảo quản quả vải tươi bằng bao gói khí điều biến (MAP); công nghệ phủ màng (coating) để bảo quản cam, bưởi; công nghệ xử lý chất điều hòa sinh trưởng (Retain) giai đoạn cận thu hoạch kéo dài thời gian chín trên cây cho quả;

Công nghệ SX một số chế phẩm vi sinh để phòng chống độc tố aflatoxin và ochra toxin A trên ngô, lạc, cà phê; phân bón vi sinh đa chủng đa chức năng azotobacterin; phân hữu cơ sinh học từ rơm rạ; dây chuyền thiết bị SX bột cá; dây chuyền thiết bị đồng bộ giết mổ gia súc, gia cầm; hệ thống thiết bị đồng bộ SX TĂCN; dây chuyền thiết bị SX phân hữu cơ vi sinh; công nghệ SX các loại thực phẩm đóng gói ăn liền…

Hơn 200 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về máy nông nghiệp, chất lượng nông sản thực phẩm đã được Viện xây dựng phục vụ công tác quản lý chất lượng ngành. Hàng năm hàng chục hợp đồng chuyển giao các kết quả nghiên cứu được ký kết với các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước.

Những thành tựu đó không chỉ khẳng định kết quả nghiên cứu của Viện góp phần vào sản xuất nông nghiệp mà còn hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Cùng với việc phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào SX, Viện luôn coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực. Trong suốt hơn 45 năm qua, đội ngũ cán bộ khoa học của Viện không ngừng trưởng thành và lớn mạnh.

Từ chỗ chỉ có một vài chục kỹ sư, kỹ thuật viên khi mới thành lập, đến nay đội ngũ cán bộ viên chức của Viện đã lên đến gần 300 người, trong đó có 03 Phó giáo sư, 85 cán bộ có trình độ trên đại học, trên 100 kỹ sư được đào tạo bài bản từ các trường ĐH trong và ngoài nước.

Công tác đào tạo tiến sĩ, ngoài chuyên ngành kỹ thuật cơ khí, năm 2012 Viện được giao thêm chuyên ngành công nghệ sau thu hoạch. 20 tiến sỹ kỹ thuật đã được đào tạo tại Viện, nhiều đồng chí đã trở thành những cán bộ chủ chốt tại các cơ quan nghiên cứu, quản lý , giảng dạy và chỉ đạo SX...

Về hợp tác quốc tế, hiện Viện thiết lập quan hệ hợp tác với trên 20 viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế. Viện là cơ quan đầu mối của Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp bền vững (CSAM) thuộc Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UN-ESCAP), là cơ quan điều phối khoa học công nghệ lương thực thực phẩm ASEAN Việt nam. Nhiều cán bộ giỏi, dày dạn kinh nghiệm đã được cử làm chuyên gia sang giúp các nước đang phát triển như Cuba, Lào, Campuchia, Ăngôla, Môdămbich, Senegan, Ghine, Benanh, Irắc…

Viện đã và đang thực hiện một số nhiệm vụ HTQT, nổi bật như: Dự án: “Tăng cường năng lực chế biến cấp làng xã thông qua phát triển kỹ năng doanh nghiệp” do FAO tài trợ, 2006-2007; Dự án “Tăng cường năng lực kiểm tra dư lượng một số hóa chất trong nông sản” do Bộ Nông nghiệp Mỹ tài trợ, 2008-2009; Dự án “Tăng cường năng lực cung cấp của ngành rau quả Việt Nam” do UNIDO tài trợ, 2013-2015...

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của Viện qua các thời kỳ, Nhà nước đã tặng thưởng: Huân chương Lao động Hạng Ba (1981); Huân chương Lao động hạng Nhì (1985); Huân chương Lao động hạng Nhất (1995); Huân Chương Độc lập Hạng Ba (2001); Huân chương Độc lập hạng Nhì (2008); Giải thưởng Nhà nước (2000) về công trình KHCN "Nghiên cứu cơ sở khoa học ứng dụng liên hợp máy kéo làm việc ở ruộng lúa nước Việt nam" và Công trình KHCN “ Nghiên cứu một số chất dinh dưỡng bổ sung từ nông sản Việt Nam”;

Giải thưởng Bông lúa Vàng (2012) công trình “Công nghệ và hệ thống thiết bị chế biến hạt giống cây trồng chất lượng cao qui mô 1-2 tấn/h” và công trình “Quy trình công nghệ và hệ thống thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi đồng bộ”;

Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTECH) công trình “Hệ thống máy làm đất và chăm sóc ban đầu cho cây mía”, 2007 và công trình “Công nghệ và hệ thống thiết sản xuất Colophan và tinh dầu thông, quy mô 5000 tấn sản phẩm/năm”, 2011 Và nhiều Cúp vàng nông nghiệp; Huy chương TECHMART, ITEX; Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; Bằng sáng chế...

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập và 10 năm hợp nhất, tập thể cán bộ, công nhân viên Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch chân thành cảm ơn Đảng và Nhà nước, các Bộ, ban ngành, các viện, trường, doanh nghiệp, các nhà khoa học đã quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để Viện đóng góp ngày một nhiều hơn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Viện chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các cán bộ, công nhân viên nhiều thế hệ đã cống hiến sức mình vì sự phát triển không ngừng của Viện.

Phát huy truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển, với sự đoàn kết nhất trí cao, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin rằng, trong những năm tới, Viện sẽ có những bước phát triển vượt bậc trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo và hợp tác quốc tế, xứng đáng là viện nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch.


(*): Tác giả hiện đang là Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.