| Hotline: 0983.970.780

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, 55 năm trưởng thành

Thứ Sáu 25/11/2016 , 14:35 (GMT+7)

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Vafs) tiền thân là Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp được thành lập năm 1961 theo Nghị định số 140-CP ngày 29/9/1961 của Thủ tướng Chính phủ.

10-06-25_nh-vien-giong-cnhsln-2
55 năm qua Vafs đã đóng góp rất nhiều thành tựu trong công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ cho ngành lâm nghiệp
 

Trong quá trình phát triển, từ một Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp đến năm 1988 đã hợp nhất 3 Viện là Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp, Viện Công nghiệp rừng và Viện Kinh tế Lâm nghiệp thành Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

Năm 2011, Vafs được nâng cấp thành Viện xếp hạng đặc biệt theo Quyết định số 2099/QĐ-TTg ngày 25/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Vafs đã có đội ngũ hơn 650 cán bộ khoa học với 4 Ban chức năng, 7 Viện và Trung tâm nghiên cứu chuyên đề, 6 Viện và Trung tâm nghiên cứu vùng trải khắp toàn quốc từ Đông Bắc, Tây Bắc đến mũi Cà Mau.

Trong 55 năm qua, Vafs đã triển khai hơn 1.100 công trình nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, trung bình trong giai đoạn 5 năm gần đây mỗi năm triển khai khoảng 100 nhiệm vụ các cấp. Các nghiên cứu của Vafs bao gồm từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng và phát triển cho cả hai đối tượng rừng trồng và rừng tự nhiên; Từ các nghiên cứu cơ bản về các đặc điểm thảm thực vật rừng đến công nghệ chọn, tạo giống, kỹ thuật lâm sinh cho hơn 100 loài cây trồng lâm nghiệp khác nhau cũng như các nghiên cứu về cơ khí lâm nghiệp; Công nghệ chế biến, bảo quản gỗ và các nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách phát triển ngành lâm nghiệp.

Đặc biệt, trong những năm gần đây Vafs đã và đang đẩy mạnh các nghiên cứu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm từ lâm nghiệp, góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu của Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 8/7/2013 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã xây dựng được hàng trăm các Quy trình, Quy phạm, Tiêu chuẩn Quốc gia, Tiêu chuẩn ngành, được Bộ NN-PTNT công nhận nhiều tiến bộ kỹ thuật và giải pháp hữu ích áp dụng rộng rãi trong sản xuất.

Cho đến nay, Vafs đã chọn, tạo và được Bộ NN-PTNT công nhận 216 giống Quốc gia và giống Tiến bộ kỹ thuật cho các loài cây trồng rừng chủ lực như keo, bạch đàn, thông, tràm và mắc ca.

Từ kết quả nghiên cứu đạt được, Vafs và các nhà khoa học của Viện đã được Nhà nước, Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN và các đơn vị khác tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng VIFOTEC, Giải thưởng Bông lúa vàng, Bằng Lao động sáng tạo...

Số lượng giống cây trồng lâm nghiệp do Vafs chọn tạo đến nay chiếm 90% giống cây lâm nghiệp đã được chọn tạo trong ngành lâm nghiệp. Trong khi năng suất rừng trồng các loài keo và bạch đàn trong sản xuất chỉ đạt trung bình từ 12 - 15m3/ha/năm, các giống keo và bạch đàn do Vafs chọn tạo kết hợp với các biện pháp kỹ thuật thâm canh đã đưa năng suất rừng trồng đạt trung bình từ 25 - 30 m3/ha/năm; Cá biệt, một số giống như bạch đàn lai PB7, UP35 và các giống keo lai AH1, AH7 đã cho năng suất rừng trồng đạt trung bình lên tới 38 - 41,6 m3/ha/năm.

Từ kết quả nghiên cứu, Vafs đã từng bước chuyển giao giống gốc và công nghệ chọn tạo giống cho nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hiện nay, các giống cây lâm nghiệp mới này đã và đang mang lại nguồn thu nhập lớn và ổn định cho chủ rừng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được về giống cây trồng lâm nghiệp, các kết quả nghiên cứu về lâm sinh, sinh thái và môi trường rừng cũng là những thành tựu nổi bật của Vafs. Điển hình như phân chia các dạng lập địa phù hợp cho các loài cây trồng rừng chủ lực; các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh, quản lý lập địa, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn, kỹ thuật phục hồi rừng tự nhiên nghèo kiệt cũng như việc nghiên cứu và sản xuất thành công các chế phẩm sinh học như AM, MF1, MF2, XM5,... đến các nghiên cứu phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng ở nước ta.

10-06-25_keo-li-h7
55 năm qua Vafs đã đóng góp rất nhiều thành tựu trong công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ cho ngành lâm nghiệp
 

Ngoài ra, trong giai đoạn vừa qua Vafs cũng đã thiết kế, xây dựng và lắp đặt thành công nhà giâm hom cây lâm nghiệp cải tiến, quy mô bán công nghiệp và công nghiệp, giảm từ 30 - 35 % kinh phí so với nhà giâm hom thông thường.

Vafs cũng đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công thiết bị nhổ gốc cây, cày ngầm làm đất trồng rừng, cải tiến cày chảo, cày không lật chăm sóc rừng; máy phun thuốc trừ sâu và chăm sóc rừng trồng. Nghiên cứu chế tạo thiết bị ép và công nghệ sản xuất ván ép biến tính nhiều lớp kích thước lớn, đã thiết kế và chuyển giao nhiều máy băm dăm gỗ rừng trồng nhằm tạo sản phẩm mới có giá trị gia tăng từ gỗ rừng trồng.

Đội ngũ cán bộ khoa học của Vafs trong 55 năm qua cũng có bước trưởng thành và phát triển với 15 giáo sư, 24 phó giáo sư và 110 tiến sĩ, 280 thạc sĩ được trưởng thành từ Vafs. Đặc biệt trong những năm gần đây Viện đã đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học chủ chốt ở nước ngoài cho các chuyên ngành mũi nhọn, nhờ đó số lượng tiến sĩ hiện tại đã tăng lên gấp 2 lần so với những năm 1995.

Phát huy những thành tựu đã đạt được, để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành lâm nghiệp trong thời kỳ mới, phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế, Vafs đã đổi mới mạnh mẽ trong quản lý, lãnh đạo và điều hành đơn vị nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, đặc biệt là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chính quyền điện tử trong công tác quản lý, điều hành để giải quyết kịp thời các hoạt động.

Bên cạnh đó, Vafs cũng đang đang đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, tăng nguồn kinh phí từ các dịch vụ khoa học công nghệ, từng bước chuyển dần mô hình hoạt động của Vafs sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm quy định trong Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 về cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công lập đã được Chính phủ phê duyệt.

 

(Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam)

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm