| Hotline: 0983.970.780

Viết lại... tên mình

Thứ Hai 26/07/2010 , 10:07 (GMT+7)

Trước mặt tôi là một người đàn ông khoảng 60 tuổi, nước da ngăm ngăm, thân hình rắn chắc. Anh là thương binh chỉ còn 29% sức khoẻ nhưng lại là chủ của một xưởng mộc có hàng chục lao động.

Phút nghỉ ngơi của anh Chương bên máy xẻ gỗ
Trước mặt tôi là một người đàn ông khoảng 60 tuổi, nước da ngăm ngăm, thân hình rắn chắc, tóc ngắn, đầu đội mũ lưỡi trai. Anh là thương binh chỉ còn 29% sức khoẻ nhưng lại là chủ của một xưởng mộc có hàng chục lao động.   

Đi hai chân, về… một chân 

Năm 1977, anh là một trong những thanh niên đầu tiên của đất nước lên đường làm nghĩa vụ quân sự sau ngày quê hương mới giải phóng.  

Lá thư đầu tiên anh gửi về thăm gia đình có địa chỉ ghi ngoài bao thư “Quân khu 7…”, với nội dung ngắn gọn: “Con được biên chế vào Sư đoàn 302, đang trên đường sang làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia”. Để rồi tiếp những tháng ngày sau đó là sự im lặng đáng sợ, sự đợi chờ mòn mỏi của cả gia đình.  

Ở chiến trường, mỗi lần cầm súng lên đường đi mục tiêu, anh xác định nếu mình không bao giờ trở về được với quê hương, đơn vị, thì cũng vui lòng ở lại nơi đất bạn. Trong một chuyến đi công tác, anh dẫm phải mìn, bị thương nặng cả người và hai chân. Máu ra quá nhiều, đồng đội dùng dây thắt ca-rô ở chân cho anh. Đường rừng quá xa, mấy ngày sau khi về đến trạm phẫu thuật tiền phương, vết thương hoại tử, anh bị cưa mất chân phải. Năm 1983, sau bao năm xa cách, anh được trở về đoàn tụ với gia đình tại thôn Dục Đức, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh. Đón con trai chống nạng đi về từ đầu làng, mẹ anh thêm một lần nữa khóc không còn nước mắt. 

Niềm vui ngắn chẳng tày gang 

Chị H, một người con gái ở cùng quê với anh, đẹp và hiền dịu. Cảm động trước hoàn cảnh của anh, chị đem lòng yêu anh. Một đám cưới nhỏ đầm ấm diễn ra ở làng. Rất nhiều người không được mời nhưng vẫn mang quà đến mừng anh chị. Đơn giản, họ cầu mong cho hạnh phúc của người thương binh này sớm được nhân đôi.  

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Sau ngày cưới một năm, vợ và con anh vừa mới sinh không may đã qua đời vì cơn bạo bệnh. Nghe anh kể đến đây, tôi nhìn sang thấy anh im lặng. Hai môi anh mím chặt lại với nhau không nói lên được lời nào. Hớp một ngụm nước trà thật sâu, anh nghẹn ngào: “Lúc đó mọi hy vọng xem như bị dập tắt. Tinh thần tôi hoàn toàn suy sụp. Tôi không thiết sống nữa. Hạnh phúc đầu tiên đối với tôi như một quả đắng” 

“Chán sống”, anh lại lang thang, phiêu bạt như kẻ bất cần đời. “Chán chơi”, anh lại lao vào nghề tháo gỡ bom, mìn để được…chết cho sướng thân. Anh làm tôi rợn cả mình khi kể lại ngày nào trong hành trang của anh cũng có cưa, búa tạ, kìm…những dụng cụ tháo bom. Có hôm anh cưa đến hai quả bom, nhưng chẳng quả nào chịu…nổ để anh lìa khỏi cuộc đời này.  

Anh nhớ lại: “Một hôm, khi đang đi vào vùng nguy hiểm để tháo gỡ bom mìn, người bạn hồi học tiểu học gặp tôi và hỏi, ông “còn nhớ chữ” không, tôi trả lời là có. Bạn hỏi tiếp, ông có thấy tấm bảng to ở phía đầu kia không? Tôi quay lại nhìn thấy dòng chữ “bom, mìn nguy hiểm, phải tránh xa”, mà ngày nào mình cũng đọc đi, đọc lại nhiều lần, tự nhiên tôi thấy cay xè cả hai con mắt. Thẹn thùng quá, tại sao bạn mình ý thức được tháo gỡ bom mìn là nguy hiểm, huống gì mình có học, biết chữ”. Thế rồi, anh bừng tỉnh lại, muốn được sống, muốn có một việc làm thật ý nghĩa, trước hết để báo hiếu cho song thân của mình như lá đang vàng trên cây.  

Anh Nguyễn Văn Chương bên con gái của mình
Vượt lên số phận
 

Bạn bè giới thiệu cho anh một cơ sở dạy nghề mộc ở tận miền Bắc. Xa nhà, điều kiện sống hết sức khó khăn, tưởng như anh khó thích nghi được. Thế mà, khi đã quyết tâm học nghề rồi, anh rất thông minh, lại chịu khó làm việc. Chỉ ba năm sau, anh trở thành một người thợ giỏi. Lần thứ hai, anh trở về quê hương. Khác với lần trước, lần này anh mang theo một niềm tin, khát vọng sống. 

Cả xóm Dục Đức lại xôn xao khi nghe tin anh thương binh lại chuẩn bị có mái ấm gia đình. Lần này, người đem lòng yêu anh là chị Trần Thị Minh, người cùng quê, làm công nhân cao su. Anh gặp chị trong những ngày làm thợ mộc tại xã Gio An. Biết chuyện, gia đình nhà gái ngăn cản, không cho hai người đến với nhau nhưng tình yêu của chị dành cho anh bất chấp tất cả mọi cản trở của người thân. Yêu nhau, anh chị quyết định cưới nhau. Một ngôi nhà tuềnh toàng được dựng lên giữa bốn bề rừng cao su. Cuộc sống mới gặp muôn vàn khó khăn. 

Thế rồi, để lại vợ con ở nhà, anh quyết định thực hiện một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, tìm đường sang Lào, nơi có nguồn gỗ phong phú, xin làm thuê kiếm tiền. Niềm tin và nghị lực vươn lên, vượt qua số phận hẩm hiu như một dự cảm báo trước cho anh tìm sang Lào làm việc là một quyết định đúng. Bốn năm sau, năm 2000 khi đã dành dụm được một ít vốn liếng, anh về nước, đưa vợ con vào ở Đông Hà, mở xưởng, gọi thợ, phát triển nghề mộc. Cuộc đời anh bắt đầu đổi thay từ đó… 

Ngồi trong ngôi nhà của anh rộng mấy trăm mét vuông, xây 2 tầng, khang trang, tiện nghi đầy đủ, nhiều người không khỏi thán phục sự miệt mài chịu khó của anh. Trong khi anh đang trò chuyện với tôi thì phía ngoài kia, chiếc máy cưa gỗ của anh vẫn chạy ầm ầm, đông đúc người mang gỗ đến cưa xẻ thành phẩm. Vừa xẻ gỗ, vừa làm mộc nên công xưởng của anh lúc nào cũng đông khách.  

Câu chuyện về người thương binh chỉ còn 29% sức sống tự “viết lại ” tên mình còn rất dài. Biết rằng đường đến ngày mai của anh không chỉ là chiếu hoa nhưng tôi vẫn tin, với những con người có nghị lực như anh, dù khó khăn vất vả cao như ngọn núi thì anh vẫn quyết tâm vượt qua. Tôi muốn viết rõ ràng địa chỉ, tên tuổi của anh để nhiều người được rõ. Hôm nay, người thương binh đó đã trở thành một ông chủ. Anh là Nguyễn Văn Chương, ở khu phố 1, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Bình luận mới nhất