| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam có thể tăng 50% năng suất ngô

Thứ Sáu 14/11/2014 , 09:41 (GMT+7)

Đó là khẳng định của ông Peter Pickering, Giám đốc toàn cầu phụ trách cây ngô của Tập đoàn Syngenta trong chuyến làm việc tại Việt Nam.

Theo thống kê, hiện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có diện tích trồng ngô lớn nhất nhưng sản lượng lại thấp nhất trên thế giới. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi năng suất ngô trung bình chỉ đạt 4,3 tấn/ha. Tăng năng suất chính là mục tiêu Syngenta hướng tới khi phối hợp với hệ thống quản lý nông nghiệp Việt Nam.

Ngoài việc nghiên cứu giống, tối ưu hóa tiềm năng của giống thì việc chuyển giao những giải pháp công nghệ nhằm mang đến cho nông dân những trải nghiệm mới, nâng cao giá trị gia tăng chính là câu trả lời cho mục tiêu này.

Trong thời gian vừa qua, thông qua việc xây dựng một hệ thống rộng lớn các trung tâm huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật canh tác, Syngenta đã giúp hàng triệu nông dân Việt Nam thực hiện những giải pháp này.

Tại buổi làm việc với Bộ NN-PTNT, trao đổi với Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, ông Peter Pickering khẳng định: "Giải quyết bài toán sản lượng ngô trong bối cảnh năng suất bình quân tại Việt Nam vẫn còn ở con số khá thấp 4,3 tấn/ha như hiện nay thì giống tốt mới chỉ là một mệnh đề cần nhưng chưa đủ. Điều cốt yếu nữa là phải áp dụng đúng kỹ thuật canh tác nhằm khai thác tối đa tiềm năng của giống ngô nhằm nâng cao sản lượng trên cùng một diện tích gieo trồng".

Ông Peter Pickering đề xuất một mô hình hợp tác công tư về chuyển giao kỹ thuật giữa Syngenta và các đối tác có liên quan của Bộ NN-PTNT. Từ đó sẽ chuyển giao kỹ thuật thâm canh ngô tới tay người nông dân tại một vài tỉnh trồng ngô trọng điểm như Sơn La, Đăk Lăk... từ năm 2015 - 2020.

Mục tiêu của việc hợp tác là giúp nông dân nâng cao kỹ thuật canh tác và áp dụng đúng những giải pháp canh tác tiên tiến để khai thác tối đa tiềm năng năng suất của giống.

 Đặc biệt khi giống ngô chuyển gen được thương mại hóa tại Việt Nam thì kỹ thuật canh tác lại càng là một khâu quan trọng để nông dân có thể khai thác được giá trị gia tăng của hạt giống chuyển gen, nâng năng suất bình quân toàn vùng lên bằng hoặc vượt mức bình quân của cả nước là 6,5 tấn/ha vào năm 2020.

Ngay sau khi làm việc với Bộ NN-PTNT, ông Peter Pickering đã trực tiếp đi khảo sát mô hình trồng ngô lai theo công nghệ tiên tiến tại xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ, Hà Nội).

Vân Nam là nơi có diện tích ngô lớn nhất Phúc Thọ và được đánh giá là một trong những điểm sáng có sự tiếp nhận nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp với 100% hộ nông dân sử dụng giống ngô lai, trong đó hơn 90% là giống NK4300 của Cty Syngenta Việt Nam.

Vụ thu đông 2014, Cty Syngenta Việt Nam đã phối hợp với HTXNN Vân Nam xây dựng mô hình sử dụng giống ngô lai NK kết hợp với các giải pháp bảo vệ thực vật tổng hợp nhằm giúp người nông dân quản lý tốt dịch hại, phát huy tiềm năng năng suất của giống, nâng cao chất lượng hạt thương phẩm khi thu hoạch.

Mô hình này chính là cơ sở để đào tạo và chuyển giao kiến thức ngay tại đồng ruộng, giúp cho nông dân trong xã hiểu rõ hơn về các tiến bộ hiện đang được áp dụng tại các vùng trồng ngô chính ở Việt Nam cũng như trên thế giới, từ đó giúp họ áp dụng vào diện tích canh tác của mình để nâng cao hiệu quả và thu nhập.

Ông Peter Pickering cùng những chuyên gia hàng đầu về cây ngô đã trực tiếp giải đáp toàn bộ những thắc mắc của nông dân về cây ngô, từ dịch bệnh, phương thức canh tác cho đến năng suất, sản lượng…

Trả lời câu hỏi của nông dân về tiềm năng năng suất, ông Peter Pickering khẳng định: "Với điều kiện canh tác, khí hậu, đất đai như ở Vân Nam, người nông dân hoàn toàn có thể đưa năng suất lên đến 8 tấn/ha, tức là tăng thêm 50% so với hiện tại, với điều kiện áp dụng đúng các tiến bộ kỹ thuật canh tác.

Syngenta sẽ luôn song hành cùng nông dân nhằm giúp bà con đạt được kết quả này. Có thể chỉ tiêu 8 tấn/ha sẽ được áp dụng trong vụ tới. Các xã viên HTX Vân Nam đồng loạt vỗ tay và tin tưởng".

“Chúng tôi hy vọng rằng, cùng với việc chuyển giao kỹ thuật canh tác tiến bộ, các giống ngô chuyển gen kháng thuốc trừ cỏ và sâu đục thân của Syngenta được Chính phủ Việt Nam phê duyệt đưa vào thị trường trong thời gian gần đây sẽ là một tiến bộ đột phá góp phần đem lại sự thay đổi tích cực cho cán cân cung - cầu về ngô thương phẩm dùng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Việt Nam.

Chúng tôi cam kết sẽ luôn hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng và đồng hành cùng người nông dân để tiếp tục đóng góp vào SX nông nghiệp bền vững tại Việt Nam”, ông Peter Pickering chia sẻ.

Trong năm 2013, Syngenta giới thiệu “Chương trình phát triển bền vững” trên quy mô toàn cầu với một loạt các cam kết như giúp nông dân nâng cao năng suất vụ mùa, thúc đẩy đa dạng sinh thái, tiếp sức cho các hộ SX nhỏ nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là giúp gia tăng sản lượng nông sản trên diện tích canh tác, đạt mục tiêu phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Riêng với cây ngô, Tập đoàn Syngenta dành sự quan tâm đặc biệt và có kế hoạch hợp tác với các đơn vị có liên quan của Bộ NN-PTNT để chuyển giao kỹ thuật canh tác ngô, giúp nông dân tiếp cận với giải pháp canh tác tiên tiến nhằm phát huy tiềm năng năng suất của giống, gia tăng sản lượng, hướng tới mục tiêu đạt năng suất trung bình 6,5 tấn/ha từ nay đến năm 2020, tăng 50% so với năng suất bình quân hiện nay.

 

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.