| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam làm gì để thành 'một con hổ mới' của kinh tế châu Á

Thứ Tư 28/06/2017 , 15:40 (GMT+7)

Lựa chọn của Việt Nam là gì? Chúng ta cần làm gì để giải quyết bài toán phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong trung và dài hạn, giúp Việt Nam trở thành nước tiếp theo thành công vượt bẫy thu nhập trung bình và để sớm đưa Việt Nam trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á.

15-35-21_ong_nguyen_vn_binh_khi_mc_hoi_nghi
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Diễn đàn

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đặt vấn đề như vậy tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2017 với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững” được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hôm qua (27/6) tại Hà Nội.
 

Tăng trưởng chưa phải từ nội tại

Khai mạc Diễn đàn, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, bước ra khỏi chiến tranh, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế kể từ Đổi mới.

Bên cạnh những thành tựu trên, cần thẳng thắn nhìn nhận lại mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế hiện nay. Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế tạo chế biến nhưng phần nhiều là từ khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản với giá trị gia tăng không cao. Tức là, một phần quan trọng góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực thực tại.

Ông Bình cho rằng, việc chúng ta cần làm và làm ngay là đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh mà chúng ta vẫn thường nhắc tới là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 nhằm xác định những điểm nghẽn, những nút thắt và đề xuất những giải pháp mang tính trung và dài hạn cho nền kinh tế như: (1) Định vị kinh tế Việt Nam trong chuỗi cạnh tranh kinh tế toàn cầu, qua đó đưa ra những khuyến nghị để Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình; hay (2) Nhận dạng và đánh giá những nguồn nội lực của đất nước, nhất là những nguồn lực chưa được phát huy đầy đủ; hay (3) Đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam và đề xuất những giải pháp.

Từ đó đưa ra các đề xuất về chủ trương, chính sách đối với từng ngành, từng lĩnh vực then chốt để Việt Nam có thể phát huy nội lực, tiềm năng và thế mạnh.
 

Phải đột phá trong chính sách

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận những nội dung lớn liên quan đến đánh giá khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017; tác động của tình hình thương mại thế giới đến tăng trưởng của Việt Nam; các biện pháp thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, thị trường tài chính, thị trường vốn tại Việt Nam; việc cải thiện nền quản trị quốc gia, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn mới; việc kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam; thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế…

15-35-21_ton_cnh_hoi_nghi_dien_dn_kinh_te
Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017

Nhiều ý kiến cho rằng, quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về vấn đề phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2017 là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý. Nhiệm vụ là rất khó khăn, song sẽ thực hiện được nếu quyết tâm, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Chuyên gia kinh tế trưởng WB Sebastian Eckardt, Giám đốc Đầu tư Vinacapital Andy Ho, Giám đốc Phát triển chương trình kinh tế Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) Nguyễn Xuân Thành đề xuất việc cần làm hiện nay là phải duy trì được tinh thần vào cuộc, cũng như động lực phấn đấu của các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra.

Cùng với đó, thường xuyên theo dõi những biến động của tình hình trong nước, khu vực và thế giới để có những phản ứng chính sách linh hoạt, hiệu quả, kịp thời. Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng phải trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việc “bơm” tín dụng vào nền kinh tế phải luôn đi liền với bảo đảm chất lượng tín dụng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% là hoàn toàn chính đáng để bảo đảm cho kinh tế không tụt hậu, không rơi vào nguy cơ của bẫy thu nhập trung bình, tránh tâm lý bi quan về tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu năm nay không đạt được mục tiêu tăng trưởng thì sẽ là năm thứ 2 không đạt và như thế sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác tác động đến tiêu dùng và đầu tư.

Ông Sơn đề xuất, trong thực hiện các giải pháp trước mắt về tăng trưởng cần hết sức tránh các rủi ro có thể xảy ra, nhất là rủi ro về thị trường, về môi trường - những rủi ro có thể làm phát sinh tăng chi phí của người dân, doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, không nhất thiết phải khai thác 1 triệu tấn dầu thô để tăng GDP. TS Lực đề xuất 3 mũi nhọn, một là kích thích tiêu dùng trong nước. Ông nói, nếu tiêu dùng được kích thích sẽ đóng góp 1% cho GDP, có thêm 38.000 tỷ đồng (trong khi 1 triệu tấn dầu chỉ đóng góp được 9,8 ngàn tỷ đồng). Hai là phát triển dịch vụ, nhất là du lịch. Ba là đẩy mạnh quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh.

Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách. Đây chính là điều mà Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017 mong muốn.

GDP Việt Nam có thể tăng trưởng 8 – 9%/năm

Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung khá lạc quan về dư địa tăng trưởng GDP của Việt Nam. TS Cung nêu câu hỏi nếu năm nay đạt 6,7% thì năm tiếp theo sẽ là bao nhiêu vì chúng ta luôn có quan điểm năm sau cao hơn năm trước! “Tôi cho rằng, dư địa để tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn còn nhiều và có thể đạt 8 – 9%/năm”, TS Cung nói.

Để đạt được mức tăng trưởng này, TS Cung đề nghị phải có kỉ luật tài khóa, đóng băng chi thường xuyên vô tội vạ và cắt giảm được càng nhiều càng tốt. Tăng tính kết nối khu vực TP.HCM, ví dụ nâng công suất cảng Cái Mép Thị Vải. Nâng cấp đường thủy nội địa ĐBSCL và ĐBSH chứ không nên đổ dồn vào đường bộ. Chuẩn hóa trình độ kế toán các doanh nghiệp đạt chuẩn quốc tế. Thoái vốn khẩn trương các đơn vị đã lên sàn. Nguồn lực phải phân bố theo thị trường. Đổi mới căn bản chính sách quản lý Nhà nước để tạo đà cho tăng trưởng.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.