| Hotline: 0983.970.780

"Việt Nam sẽ cạn nhân lực một số lĩnh vực"

Thứ Tư 12/10/2011 , 12:47 (GMT+7)

NNVN khởi đăng loạt bài hậu mùa tuyển sinh 2011 với những hệ lụy từ việc "khát" thí sinh tại một số ngành học.

Kết thúc xét tuyển NV3, nhiều trường ĐH đang ngồi trên đống lửa vì có nhiều ngành không có thí sinh nộp hồ sơ. Ngay cả các trường ĐH trọng điểm của khu vực hoặc ĐH lớn, có tiếng lâu năm cũng chịu cảnh “chợ chiều”. Rất nhiều ngành trên cả nước đã phải ra thông báo ngừng đào tạo, trong đó chủ yếu là các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội và đặc biệt là ngành sư phạm.

NNVN khởi đăng loạt bài hậu mùa tuyển sinh 2011 với những hệ lụy từ việc "khát" thí sinh tại một số ngành học.

“VIỆT NAM SẼ CẠN NHÂN LỰC MỘT SỐ LĨNH VỰC”

Việt Nam sẽ thiếu nhân lực một số lĩnh vực trong tương lai gần...

Có thể nói chưa năm nào việc tuyển sinh của các trường ĐH lại gặp nhiều khó khăn như năm nay.

TRẮNG THÍ SINH

Trường ĐH Thái Nguyên tới thời điểm này chỉ nhận được 142 hồ sơ xét tuyển NV3 trong khi chỉ tiêu là 1.880 thí sinh. Ông Phạm Văn Hùng, cán bộ tuyển sinh trường này cho biết 142 hồ sơ NV3 nộp vào trường đều đăng ký vào các ngành kinh tế, xa lánh kỹ thuật cơ bản, công nghệ thông tin, sư phạm. Những ngành này đang thiếu trầm trọng người học.

Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh cũng rơi vào cảnh tương tự khi chỉ tiêu tuyển sinh NV3 là 600 nhưng mới nhận được khoảng 100 hồ sơ. Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) mới nhận được 50 bộ hồ sơ trên tổng số 500 chỉ tiêu (chủ yếu hồ sơ xin vào các ngành kinh tế, tài chính, kế toán).

Tính tới hết ngày 9/10, Trường ĐH An Giang mới nhận được 75 hồ sơ trong tổng số 491 chỉ tiêu xét tuyển NV3 và hơn 10 ngành không có hồ sơ gửi tới xét tuyển. Ngành sư phạm hóa của trường không có thí sinh nào trúng tuyển NV2, trong khi chỉ tiêu tuyển là 35 sinh viên. Bi đát hơn, ngành sư phạm tin học không có thí sinh nào trúng tuyển cả NV1 và NV2. Vì vậy, trường đã buộc phải đóng cửa các ngành học này và phải thương lượng để chuyển các thí sinh trúng tuyển sang ngành học khác. Trong khi đó, các ngành còn lại tiếp tục duy trì với số lượng thí sinh trúng tuyển chỉ khoảng 20-30 sinh viên/lớp.

Tại Trường ĐH Đồng Tháp, trong số 721 thí sinh trúng tuyển NV2, NV3, có rất nhiều thí sinh chưa đạt tới điểm sàn nhưng trúng tuyển vì thuộc diện ưu tiên. Đáng nói là ngành sư phạm Vật lý chỉ có 3 thí sinh trúng tuyển, trong đó 1 thí sinh chỉ đạt 11,5 điểm/3 môn; sư phạm Hóa có 5 thí sinh trúng tuyển, trong đó có 1 thí sinh chỉ đạt 10,5 điểm/3 môn, ngành sư phạm Địa lý có 4 thí sinh trúng tuyển, trong đó có 1 thí sinh đạt 11 điểm/3 môn. Đặc biệt, ngành sư phạm Lịch sử chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển.

Riêng hai ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, lãnh đạo Trường ĐH Đồng Tháp dù đã áp dụng hết mọi cách nhưng cũng chỉ có hai thí sinh/ngành. Một số ngành không có thí sinh dự thi NV1 và lượng hồ sơ NV2 quá ít nên chắc chắn sẽ phải đóng cửa là sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, công nghệ thiết bị trường học, khoa học thư viện, công tác xã hội, quản lý văn hóa.

ĐH DANH TIẾNG CŨNG… LAO ĐAO

Không chỉ có các trường ĐH địa phương rơi vào cảnh lao đao khi xét tuyển đầu vào đối với các ngành khoa học cơ bản, sư phạm mà ngay cả các ĐH vùng hoặc các ĐH danh tiếng lâu năm cũng đang trong hoàn cảnh không lấy gì làm tươi sáng.

Đến chiều 8/10, ĐH Đà Lạt – ĐH trọng điểm của khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ mới nhận chưa đến 200 hồ sơ NV3 trong tổng số 1.454 chỉ tiêu cần tuyển. Ngành học nhận được nhiều hồ sơ nhất là ngôn ngữ Anh: 19 hồ sơ. Ngành toán học mới chỉ có 10 hồ sơ trong khi chỉ tiêu cần tuyển là 99. Đáng buồn hơn nữa là ngành công nghệ thông tin, chỉ tiêu NV3 là 110 nhưng mới có 4 hồ sơ nộp vào, ngành công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thông có 112 chỉ tiêu nhưng mới có 2 thí sinh đến nộp. Đặc biệt là ngành Vật lý: Có 73 chỉ tiêu nhưng chỉ có 1 thí sinh đến nộp! Ngoài ra, trường này còn 4 ngành tuyệt nhiên không có 1 thí sinh nào đến nộp hồ sơ. Đó là các ngành: Đông phương học, Việt Nam học, Văn hóa học và Công nghệ sau thu hoạch.

Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị cũng nằm trong cảnh éo le này. Và để có thể tuyển được thí sinh, ĐH Huế vừa phải hạ điểm chuẩn hai ngành Mỹ thuật ứng dụng và Quản trị kinh doanh đối với phân hiệu tại Quảng Trị vừa vận dụng điều 33 (tuyển sinh ở khu vực khó khăn, đào tạo nhân lực địa phương) cho phân hiệu này mới mong tuyển đủ chỉ tiêu.

Ngành sư phạm có thể nói là ngành gây “sốc” nhất trong mùa tuyển sinh năm nay. Một trường danh tiếng và lâu năm như ĐH Sư phạm TP HCM sau gần chục năm trở lại đây kiên quyết không lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn thì năm nay đã phải chấp nhận tuyển sinh với mức điểm chuẩn bằng điểm sàn đối với các ngành sư phạm Lịch sử, sư phạm Địa lý.

Các ngành sư phạm giáo dục chính trị, sư phạm sử - giáo dục quốc phòng 2 năm liên tiếp (2010, 2011) chỉ lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn nhưng phải tuyển NV2 cả trăm chỉ tiêu và rốt cục không thể tuyển đủ. Trong khi đó, các ngành được coi là cung cấp nguồn giáo viên cho những môn chính như sư phạm toán học, sư phạm ngữ văn, sư phạm vật lý, sư phạm hóa học, sư phạm sinh học thì điểm chuẩn liên tục giảm, tuyển sinh ngày càng khó khăn.

Chứng kiến thực trạng học sinh quay lưng lại với ngành sư phạm và ngành khoa học cơ bản, Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải – người từng giảng dạy ở nhiều trường ĐH lớn và nổi tiếng với biệt danh “Ông già ozon” – cho biết: “Tại Việt Nam, tôi thấy ngành Vật lý (nói riêng) đang xuống dốc dù đã cố chấn hưng. Có nhiều lý do, như quy hoạch ngành không đúng, đãi ngộ không xứng đáng, … Muốn đời sống người dân nâng cao thì kinh tế phải phát triển. Muốn kinh tế phát triển thì khoa học công nghệ, trong đó có ngành Vật lý, phải phát triển theo. Nhưng thật đáng buồn là xu hướng hiện nay đang đi ngược lại. Điều này sẽ gây ra hậu quả khó lường trong tương lai khi nguồn nhân lực của các ngành này không còn đáp ứng đủ nhu cầu phát triển”.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất