| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Hàn Quốc và Myanmar

Chủ Nhật 21/07/2013 , 09:42 (GMT+7)

Chuyến thăm Hàn Quốc và Myanmar sắp tới của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán trong quan hệ với 2 nước bạn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kang Chang Hee và Chủ tịch Quốc hội Myanmar Khin Ang Min, đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu sẽ thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 21-24/7/2013 và Myanmar từ ngày 24-26/7/2013.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhìn chung vẫn gặp khó khăn. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới. Tình hình an ninh chính trị khu vực có những diễn biến phức tạp song quan hệ hai miền Triều Tiên gần đây đã giảm căng thẳng.

Tại Đông Nam Á, ASEAN đạt nhiều tiến bộ trong việc triển khai lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đẩy mạnh hợp tác và duy trì vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác quan trọng ở khu vực.

Hàn Quốc - đối tác kinh tế lớn

Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Về đầu tư trực tiếp, bốn tháng đầu năm 2013, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ tư, sau Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore trong tổng số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt nam, với 3.287 dự án có hiệu lực đạt 25.05 tỷ USD tổng vốn đăng ký.

Các tập đoàn, công ty lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai, Kumho Asiana... đều đang đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực không thuận, bản thân kinh tế Hàn Quốc cũng gặp nhiều khó khăn song các doanh nghiệp Hàn Quốc đều bày tỏ nguyện vọng tiếp tục làm ăn lâu dài tại Việt Nam, một số tập đoàn lớn như Samsung, LG đang có kế hoạch tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Về thương mại, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Hàn Quốc. Kim ngạch thương mại song phương trong năm 2012 đạt 21,12 tỷ USD, sớm 2 năm so với mục tiêu đề ra, tăng gấp 42 lần so với 500 triệu USD năm 1992. Kim ngạch thương mại song phương bốn tháng đầu năm 2013 đạt 8,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 6,3 tỷ USD.

Ngày 6/8/2012, Bộ trưởng phụ trách thương mại Hàn Quốc Bác The Hô và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tuyên bố khởi động đàm phán FTA song phương. Hai bên đã tiến hành hai phiên đàm phán FTA song phương tại Seoul (3-4/9/2012) và tại Hà Nội (22-23/5/2013).

Hàn Quốc cũng là nước cung cấp ODA lớn thứ hai của Việt Nam sau Nhật Bản và Việt Nam là nước nhận viện trợ ODA lớn nhất của Hàn Quốc. Hàn Quốc đã cung cấp cho Việt Nam khoảng hơn 200 triệu USD năm 2011. Năm 2011, Hàn Quốc tuyên bố coi Việt Nam là nước trọng tâm và hình mẫu cung cấp ODA và chọn là 1 trong 26 nước thuộc “đối tác chiến lược hợp tác ODA” với 3 trọng tâm là tăng trưởng xanh, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng. Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định hợp tác về viện trợ phát triển, trong đó Hàn Quốc cam kết cung cấp cho Việt Nam 1,2 tỷ USD vốn EDCF trong giai đoạn 2012-2015, tăng 200 triệu USD so với giai đoạn 2008-2011.

Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác như văn hóa-giáo dục, du lịch cũng có nhiều thành công. Hiện đã có nhiều địa phương hai nước thiết lập quan hệ hợp tác với nhau như thủ đô Hà Nội-thủ đô Seoul, Thành phố Hồ Chí Minh-thành phố Busan, thành phố Đà Nẵng-thành phố Deagu...

Myanmar - đất nước giàu tài nguyên

Myanmar là một nước giàu tài nguyên, đất đai phì nhiêu với tổng diện tích trồng trọt khoảng 23 triệu hécta. Nông nghiệp chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu. Myanmar là nước mà Việt Nam có quan hệ rất sớm. Trong những năm qua, hai nước đã tích cực củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với nhau, nhất là về chính trị. Nhiều chuyến thăm cấp cao lẫn nhau đã được tiến hành.

Quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước có những bước phát triển tích cực. Năm 2012 kim ngạch thương mại hai nước đạt hơn 227 triệu USD. Bốn tháng đầu năm nay đạt 85 triệu USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2012. Tính đến tháng 3/2013, Việt Nam mới triển khai được bốn dự án đầu tư tại Myanmar, trong đó, 3 dự án được Myanmar cấp phép chính thức (dự án thăm dò khai thác đầu khí-PVEP trị giá 136 triệu USD và dự án khai thác đá trắng của Công ty SIMCO Sông Đà trị giá 10 triệu USD, dự án xây dựng trung tâm văn hóa và thương mại của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trị giá 400 triệu USD...

Hai nước đã xúc tiến nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác về nông-lâm nghiệp, thủy sản, giao thông-vận tải, năng lượng, thông tin, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch và khoa học công nghệ. Hai bên cũng đã thành lập Ủy ban thương mại chung để thúc đẩy thương mại song phương, tổ chức Hội chợ thương mại hàng năm để giới thiệu sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp đầu tư.

Ngoài các quan hệ hợp tác song phương, Việt Nam và Myanmar còn cùng tham gia quan hệ hợp tác trong ASEAN, một số tổ chức khu vực như Tiểu vùng Mekong (GMS); Chiến lược phát triển kinh tế 3 dòng sông (ACMECS); Hợp tác Việt Nam-Campuchia-Lào-Myanmar (CLMV)... Hai nước có quan điểm gần gũi, thường xuyên phối hợp và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Myanmar lần này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhằm triển khai hoạt động ngoại giao nghị viện của Quốc hội Việt Nam, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XI “độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.”

Chuyến thăm khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với hai nước bạn, duy trì đà phát triển quan hệ, nhất là các chuyến thăm cấp cao nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Myanmar. Đây cũng là dịp xây dựng cơ chế hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Hàn Quốc và Quốc hội Myanmar trong thời gian tới theo hướng bền vững, thiết thực và có hiệu quả; kiểm điểm, giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký, nhất là trong việc triển khai một số nội dung và dự án hợp tác cụ thể.

(Vietnam+)

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất