| Hotline: 0983.970.780

Viết tiếp bài báo 'Liệu có thêm hai 'ông Chấn'?: Những câu hỏi quanh một bản tự thú?

Thứ Hai 05/10/2015 , 07:15 (GMT+7)

Bản tự thú được cho là của Trần Ngọc Thanh viết tại E139, được đánh số bút lục 46./ Liệu có thêm hai 'ông Chấn'? - Vụ án kinh hoàng


Bà Trần Thị Tân, mẹ Trần Ngọc Thanh, cung cấp tài liệu cho PV Báo NNVN

Trong cáo trạng số 178 của VKSND tỉnh Nam Hà và trong 2 bản án số 37 và 1030 của hai cấp tòa sơ, phúc thẩm (TAND tỉnh Nam Hà và Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội), đều nêu tình tiết: Sau khi vụ án nổ trái lựu đạn gây chết 1 người và làm bị thương 21 người tại xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân (nay thuộc tỉnh Hà Nam) xảy ra vào ngày 29/11/1992, ngày 17/2/1993, Trần Ngọc Thanh nhập ngũ, được biên chế vào Trung đoàn 139 (E139) thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin, đóng quân tại Hòa Bình.

Sau khi nhập ngũ, Trần Ngọc Thanh đã có bản tự thú tại ban chỉ huy E139 là chính mình đã ném trái lựu đạn đó. Bản tự thú cũng chính là căn cứ quan trọng nhất để VKSND tỉnh Nam Hà truy tố Trần Ngọc Thanh về hành vi “giết người”, và HĐXX hai cấp tòa kết Trần Ngọc Thanh vào tội “giết người”. Nhưng đến nay, nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra quanh bản tự thú này.

Công văn số 87/CV ngày 11/5/1993 của đơn vị 17392 thuộc E139, do thủ trưởng đơn vị là thiếu tá Tạ Quang Minh ký, trả lời bà Trần Thị Tân (mẹ Trần Ngọc Thanh), nêu: “Qua theo dõi, tìm hiểu tâm tư của các anh em mới nhập ngũ, chúng tôi thấy anh Thanh tự bộc lộ có liên quan đến vụ tranh chấp đất đai tại địa phương (bản thân tự kể cho cán bộ các cấp từ tiểu đội đến cấp trung đoàn).

Đơn vị chúng tôi lập tức báo về địa phương để địa phương xác minh và giải quyết. Sau đó công an huyện Lý Nhân có công văn số 26/CA ngày 21/2/1993 gửi đơn vị yêu cầu trả anh Thanh về địa phương để giải quyết”.

Công văn trên không nói là Trần Ngọc Thanh đã có bản tự thú tại E139. Điều đó nghĩa là Thanh không viết bản tự thú tại đó.

Thanh nhập ngũ ngày 17/2/1993. Từ ngày đó đến khi đơn vị 17392 gửi công văn về cho CA huyện Lý Nhân, rồi CA huyện Lý Nhân có CV số 26/CA ngày 21/2/1993 gửi E139 yêu cầu trả Trần Ngọc Thanh về địa phương, thời gian chỉ có 5 ngày.

Điều kiện giao thông liên lạc ngày đó không như bây giờ. Mà kể cả bây giờ, thông báo của đơn vị 17392 gửi theo đường công văn về cho CA huyện Lý Nhân, cũng không thể có sự “thần tốc” như vậy được.

Chẳng lẽ ngay trong ngày nhập ngũ, Trần Ngọc Thanh đã kể ngay chuyện mình có liên quan đến việc tranh chấp đất đai ở địa phương cho từ cấp tiểu đội đến cấp trung đoàn nghe?

Công văn số 87 của đơn vị 17392 cũng chỉ nói rằng Thanh đã kể chuyện mình có liên quan đến việc tranh chấp đất đai ở địa phương cho cán bộ các cấp nghe, chứ không nói là Thanh kể việc mình đã ném trái lựu đạn.

Việc tranh chấp đất đai chính là việc hai làng Nhân Phúc và Thanh Nga tranh chấp 56 mẫu đất của Nhân Phúc bị cấp trên cắt về cho Thanh Nga. Việc tranh chấp đó, dân của cả hai làng đều liên quan chứ riêng gì Trần Ngọc Thanh?

Việc Trần Ngọc Thanh “liên quan đến vụ tranh chấp đất đai” ở địa phương không nghiêm trọng, nên địa phương đã xác nhận vào lý lịch là Thanh đủ tiêu chuẩn chính trị để nhập ngũ.

Giữa việc “liên quan đến vụ tranh chấp đất đai” và việc ném trái lựu đạn là hai việc khác hẳn nhau. Nhưng không hiểu sao bản án số 37 của TAND tỉnh Nam Hà lại ghi rất chi tiết là Thanh đã kể chuyện mình ném lựu đạn ngày 29/11/1992 tại địa phương gây chết 1 người và làm bị thương 21 người để dọa anh Dương, tiểu đội trưởng.

Trong khi chính anh Phan Quang Dương, tiểu đội trưởng của Thanh lúc đó, đã xác nhận bằng văn bản rằng thời kỳ ở tiểu đội anh, Trần Ngọc Thanh không kể hay không nói với anh bất kỳ điều gì về việc tranh chấp đất đai tại địa phương cũng như việc Thanh đã ném trái lựu đạn.

Trong hồ sơ vụ án có một “bản tự thú” được các cơ quan tố tụng cho là của Trần Ngọc Thanh, và được cho là viết tại E139. “Bản tự thú” đó được đánh số bút lục 46, có nội dung Thanh đã ném trái lựu đạn gây chết 1 người và làm bị thương 21 người vào ngày 29/11/1992.

Nhưng bản tự thú đó không đề ngày tháng, không có chữ ký của người làm chứng và chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền của E139.

Ngày tháng viết, chữ ký của người làm chứng và xác nhận của người có thẩm quyền là những điều kiện bắt buộc phải có để bản tự thú trở thành một tài liệu có tính pháp lý trong hồ sơ vụ án.

Cũng trong hồ sơ vụ án còn có một “bản cam đoan” của Trần Ngọc Thanh về tính trung thực của bản tự thú trên. Bản cam đoan được đánh bút lục số 48, có xác nhận của ĐTV. Nhưng “bản cam đoan” này được viết trong lúc Thanh bị bắt tạm giam đã hơn 2 tháng.

Theo cụ Trần Anh Điền, đại diện cho nạn nhân bị chết là Trần Văn Việt, thì tại phiên tòa sơ thẩm, LS Nguyễn Thị Khang, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Trần Ngọc Thanh, đã nêu câu hỏi:

- Một bản tự thú được cho là viết tại E139 nhưng không đề ngày tháng, không có chữ ký của người làm chứng và không có xác nhận của người có thẩm quyền của E139, thì có thể dùng làm căn cứ để truy tố bị cáo được không? Một bản cam đoan được viết ở trại tạm giam thì có đảm bảo tính khách quan không?

Câu hỏi trên của LS là có căn cứ, nhưng không được HĐXX lắng nghe. Việc bản tự thú và bản cam đoan được đánh số bút lục rất gần nhau (46 và 48) khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng chính trong những ngày bị tạm giam, Trần Ngọc Thanh đã bị dùng nhục hình để bắt buộc phải viết bản tự thú đó.

Vì viết trong trại tạm giam nên không thể đề ngày tháng, không có người của E139 làm chứng, cũng không có chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền của E139. Chính vì thiếu những điều đó nên sau đó điều tra viên phải tiếp tục ép buộc Trần Ngọc Thanh viết tiếp bản cam đoan mang bút lục số 48 nói trên?

Trong cả hai phiên tòa, Trần Ngọc Thanh đều phản cung, khẳng định mình đã bị dùng nhục hình để bắt buộc phải nhận những điều mình không làm. Và từ khi phải thụ án về tội “giết người”, Trần Ngọc Thanh liên tục có đơn kêu oan.

Trong lá đơn thứ 422 gửi TANDTC và VKSNDTC, được viết ngày 28/5/1997 mà gia đình còn lưu giữ được (bản photo), Thanh đã trình bày chi tiết là từ khi bị đưa từ E139 về đến nhà tạm giam công an huyện Lý Nhân, cho đến trại tạm giam của công an tỉnh Nam Hà tại Bát Di, mình đã bị dùng nhục hình, bị ép cung, mớm cung như thế nào.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.