| Hotline: 0983.970.780

Viết tiếp bài: “Khu dân cư Chàng Riệc - Chưa trọn niềm vui!”

Thứ Tư 24/07/2013 , 09:09 (GMT+7)

Do dự án được chia thành nhiều gói thầu, làm cùng lúc trong điều kiện thiếu nước, vận chuyển nguyên vật liệu khó khăn… nên chất lượng công trình rất kém.

Báo NNVN (số ra các ngày 5, 6/6/2013), có loạt bài “Khu dân cư Chàng Riệc - Chưa trọn niềm vui!”, nội dung phản ánh những nỗ lực của chính quyền tỉnh Tây Ninh, giúp người dân nghèo có nhà ở, có đất sản xuất. Nhưng, người dân chưa kịp mừng đã lo khi dọn vào ở trong những ngôi nhà xây chưa lâu đã xuống cấp nghiêm trọng.

>> Khu dân cư Chàng Riệc - Chưa trọn niềm vui!

HÀNG LOẠT NHÀ DÂN ĐÃ ĐƯỢC SỬA

Sau khi báo NNVN đăng bài, lãnh đạo các ban ngành và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh (chủ đầu tư Khu dân cư Chàng Riệc) đã có vài lần lên khảo sát, kiểm tra, đồng thời các chủ thầu xây dựng cũng gấp rút lên sửa chữa hàng loạt những căn nhà sụt lún, nứt tường, dột mái… cho dân.

Trước hết, phải khẳng định rằng Khu dân cư (KDC) Chàng Riệc là niềm mơ ước của hàng trăm hộ dân nghèo. Đây là một chủ trương rất hợp lòng dân của chính quyền tỉnh Tây Ninh cũng như Bộ Chỉ huy QS tỉnh này. Dự án cũng thể hiện những cố gắng, nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, do dự án được chia thành nhiều gói thầu, làm cùng lúc trong điều kiện thiếu nước, vận chuyển nguyên vật liệu khó khăn… nên chất lượng công trình rất kém. Chính vì thế, sau khi nhận phản ánh của người dân, tháng 9/2012, chúng tôi đã có chuyến đi thực tế tại đây. Và, đúng như những gì người dân phản ánh.


Đường vào KDC Chàng Riệc

Căn nhà của ông Đỗ Trọng Xứng, một trong những cư dân đầu tiên lên đây, mới xây được vài tháng nền gạch đã bị phồng rộp lên, tường có những đường nứt ngoằn ngoèo. Nghe tin có phóng viên đến, một số người dân nữa cũng tìm đến phản ánh việc nhà xuống cấp và dẫn chúng tôi đi tham quan để tận mắt những căn nhà bị nứt tường, sụt lún. Riêng tình trạng dột mái thì gần như căn nào cũng bị. Nguyên nhân bị dột, theo quan sát của chúng tôi là do phần tôn ốp nóc (miếng tôn che điểm tiếp giáp giữa 2 mái) quá nhỏ, nên mưa “luồn” xuống được. Bên cạnh đó, mái tôn chỉ vừa khít với tường, không dư ra ngoài bao nhiêu nên mỗi khi mưa, gió mạnh tạt nước vào khe cửa chính, cửa sổ.

Ngày 13/5/2013, tôi tiếp tục có chuyến đi thứ 2 lên KDC Chàng Riệc. Sau khi đã đi tham quan 1 vòng, tôi đến nhà ông Nguyễn Mạnh Tường, Bí thư ấp Tân Khai, người từng tiếp tôi trong chuyến đi trước. Tại đây, sau khi tôi giới thiệu mình là ai và nói từng được ông tiếp đón hồi tháng 9/2012, ông Tường đã nhớ ra và vui vẻ tiếp chuyện.

Thấy nhà ông khá khang trang, tôi hỏi: “Nhà anh làm lại hết rồi hả?”, ông Tường gật đầu: “Làm lại”. Tôi hỏi tiếp: “Anh móc lên xây lại hay sao?”. Đáp: “Không phải. Nói chung là nền gạch nhà ai cũng phải sửa lại hết. Năm rồi nhờ mình làm mẫu mình cũng kiếm được vài ba chục triệu, sửa cái này là vừa hết luôn. Hết 23 triệu cả trong nhà ngoài sân”. Tôi hỏi: “Nhà anh lúc đầu có bị nứt, sụt lún không?”. Đáp: “Sụt lún hết nên phải làm. Chờ lâu quá không được nên vừa rồi mới sửa đây này. Kêu bao nhiêu lần, họ có đến mấy lần lác đác rồi đi. Tôi để cả gần năm ấy chứ, mới vừa làm đây, sau khi thu đám mì. Nói chung thầu qua nhiều khâu, thầu lớn thầu nhỏ, thầu con thầu cháu đủ thứ, mà hồi đó nước chưa có, họ (nhà thầu) chỉ đổ cát rồi lót gạch, nên nền nhà nào cũng bong hết”. Hỏi: “Mái tôn anh có phải sửa không?”. Đáp: “Phải mua thêm tôn cho thợ làm. Cái mái tôn họ làm tiết kiệm quá. Tôn xóc nóc có 2 tấc nên nước phả vào, mưa to là trong nhà như ngoài sân, phải chụp một tấm rộng gấp đôi lên trên…”.

Rời KDC Chàng Riệc, ngày hôm sau, tôi liên hệ và tìm gặp 3 thầu xây dựng (ngụ huyện Tân Biên) từng tham gia những gói thầu nhỏ tại KDC Chàng Riệc. Cả 3 người này đều khẳng định những căn nhà ở KDC Chàng Riệc rất kém chất lượng (như lời người dân và ông Tường nói).

CÓ TRỌN NIỀM VUI?

Bất ngờ, ngày 2/7/2013, báo Tây Ninh có bài viết nội dung ngược lại. Với tựa đề: “Khu dân cư Chàng Riệc: Không có chuyện “chưa trọn niềm vui”, bài báo viết: “Vừa qua, một vài tờ báo ngoài tỉnh đưa tin phản ánh không đúng sự thật về chất lượng công trình tại Khu dân cư Chàng Riệc thuộc ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên làm cho nhiều người băn khoăn, nghi ngại. Ngày 1.7.2013, chúng tôi đã đến KDC Chàng Riệc, gặp gỡ những “nhân vật” được các báo nêu tên để tìm hiểu thì thực tế hoàn toàn ngược lại”.

Bài báo mô tả: “Cuối năm 2010, dự án được khởi công trong điều kiện hết sức khó khăn về giao thông, vận chuyển vật liệu, không có hệ thống điện. Đặc biệt là thiếu nước nghiêm trọng… Tuy hết sức khó khăn nhưng tiến độ thi công KDC Chàng Riệc vẫn được triển khai đảm bảo. Đến tháng 4.2012, hơn 100 hộ gia đình đầu tiên đã đến nhận nhà ở, nhận đất sản xuất”. Chỉ trong vòng nửa năm đã làm xong hàng trăm căn nhà trong điều kiện thiếu nước, thiếu điện, thì liệu có đảm bảo chất lượng?


Hình ảnh nền nhà sụt, lún như thế này rất nhiều!

Trong cả 2 lần thực tế tại KDC Chàng Riệc, bên cạnh niềm vui có nhà ở, hầu hết người dân nghèo nơi đây đều trăn trở về việc làm sao có vốn sản xuất, làm sao không phải cho thuê mảnh ruộng được cấp của mình, không bỏ trống mảnh vườn quanh nhà để rồi chính mình cũng lại đi làm thuê. Thực tế là tại KDC Chàng Riệc, chỉ một số ít hộ có điều kiện có thể bước vào canh tác ngay, phần lớn còn lại vẫn dành đất cho cỏ mọc. Về vấn đề này, ngay trên báo Tây Ninh (số ra ngày 17/6/2012), cũng đã có bài phản ánh tình trạng nhà dột và người dân ở KDC này còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Mới đây, ngày 2/5/2013, báo Biên Phòng tiếp tục có bài phản ánh tình trạng người dân đã “an cư” nhưng chưa “lạc nghiệp” vì phần nhà dột, nứt, lún sụt, phần vì không có vốn sản xuất.

Sau khi các bài viết được đăng tải trên NNVN, tôi nhận được cuộc điện thoại của ông Trịnh Đình Tắc thông báo nhà ông đã được sửa nền, phải đổ 3 - 4 khối cát, rồi họ đưa cho ông 600 ngàn đồng cùng vật liệu để ông tự sửa tường nứt, đồng thời báo tin: “Tối qua một căn nhà chưa có người ở gần trạm y tế bị mưa và gió mạnh đã “bốc” gọn phần mái quăng xuống đất gần đó, căn nhà chỉ còn trơ bốn bức tường”. Về thông tin “Mỗi hộ đến nhận nhà, đất sản xuất còn được vay ưu đãi 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội” trong bài viết đăng trên báo Tây Ninh, ông Nguyễn Mạnh Tường cũng như những người dân chúng tôi gặp khẳng định: “Ngoài 1 triệu đồng hỗ trợ vận chuyển ban đầu, chưa có khoản nào khác”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.