| Hotline: 0983.970.780

Viết tiếp lộn xộn vùng mía Lam Sơn

Thứ Tư 26/01/2011 , 10:09 (GMT+7)

Trong sự tranh cướp nhau về nguyên liệu thì NM đường Lam Sơn - “ông anh cả” của ngành mía đường lại luôn có những cách làm không đàng hoàng.

NNVN từng có loạt bài đề cập đến vùng nguyên liệu mía ở Thanh Hóa lộn xộn do cảnh tranh mua, tranh bán. Trong sự tranh cướp nhau về nguyên liệu thì NM đường Lam Sơn - “ông anh cả” của ngành mía đường lại luôn có những cách làm không đàng hoàng đã làm cho tình hình vùng nguyên liệu đã nóng lại càng sục sôi thêm.

Cứ mỗi ngày có hàng ngàn tấn mía từ vùng NM đường Việt- Đài thuộc huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) ùn ùn nối đuôi nhau kéo về NM đường Lam Sơn tiêu thụ mà ông Đặng Thế Giang, Phó TGĐ Cty CP mía đường Lam Sơn, lại cho đó là chuyện bình thường. Vụ ép năm ngoái, NM đường Lam Sơn đã chính thức ký hợp đồng tiêu thụ 5.000 tấn mía, giá 750.000đ/tấn với chủ hợp đồng Nguyễn Thị Xuân, huyện Thạch Thành.

Sang vụ ép năm nay, ông Đặng Thế Giang đã thay mặt  NM đường Lam Sơn đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ mía với bà Xuân ở Thạch Thành. Hợp đồng mang số 200, ký ngày 06/4/2010 với nội dung  bà Xuân sẽ bán cho NM đường Lam Sơn 6.000 tấn mía trên diện tích 100ha với giá mua dự kiến là 700 ngàn đồng/tấn (hiện giá mua đạt đến 1,2- 1,3 triệu đồng/tấn- PV). Hợp đồng này không cho bà Xuân ứng vốn để đầu tư cũng như HĐ không có giá trị làm thế chấp để vay vốn ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác.

Bà Nguyễn Thị Xuân, GĐ Cty TNHH Đạm Xuân có hộ khẩu ở Thạch Quảng hiện đang là chủ hợp đồng của hộ dân thuộc 3 xã là Thạch Cẩm, Thạch Quảng và Thạch Tượng với diện tích 253ha chuyên trồng mía. Toàn bộ diện tích này nằm trong vùng quy hoạch mía cho NM đường Việt- Đài đóng trên địa bàn huyện Thạch Thành. Tuy nhiên, sau nhiều năm hợp tác với NM đường Việt- Đài, mấy năm gần đây bà Xuân “trở quẻ” mang mía của mình sang bán cho NM đường Lam Sơn. Cũng như mọi năm, vụ ép năm nay, bà Xuân tiếp tục toan tính là phải làm thế nào để bán được thật nhiều mía cho NM đường Lam Sơn để lấy được chênh lệch giá vì giá mía của Lam Sơn cao hơn Việt- Đài.

Sau khi ký được HĐ với MM đường Lam Sơn thì bà Xuân mới tá hỏa là NM Lam Sơn chỉ ký HĐ mua mía chứ không đầu tư cho mình cũng như không thể mang HĐ đó đi thế chấp ngân hàng vay vốn được. Vậy là bà Xuân lại chạy về Việt - Đài cầu cứu bằng cách ký HĐ với NM đường Việt- Đài. Nhờ có HĐ ký với NM đường Việt- Đài nên bà Xuân vay được 3,3 tỷ đồng tại Ngân hàng NN- PTNT chi nhánh huyện Thạch Thành. Bà Xuân không chỉ cam kết với NM đường Việt- Đài mà còn cam kết với lãnh đạo huyện và Ngân hàng rằng là toàn bộ mía thu hoạch được sẽ bán cho NM đường Việt- Đài. Sau khi NM thanh toán tiền thì sẽ giải ngân nợ cho Ngân hàng. Điều này lý giải rằng, bà Xuân vừa ký được HĐ với Việt- Đài để che mắt thiên hạ và lãnh đạo địa phương, đồng thời có điều kiện vay được vốn đầu tư phát triển cây mía nhưng lại toan tính được nước cờ là bán mía cho NM đường Lam Sơn để “ăn” chênh lệch giá. Vụ ép đã qua được 2 tháng và đã có hàng ngàn tấn mía của bà Xuân vận chuyển sang bán cho NM đường Lam Sơn. Điều này đang gây bức xúc trong NM đường Việt- Đài, chính quyền địa phương và sự thắc thỏm lo lắng của Ngân hàng NN- PTNT Thạch Thành.

Khi đi “mua lén” ở những địa bàn khác, lãnh đạo NM đường Lam Sơn còn hỗ trợ 100% cước vận chuyển cho các chủ đầu nậu có xe vận chuyển mía về cho NM mình. Cũng chính cách làm này mà 100% xe mía đều chở quá trọng tải đang ngày đêm phá nát những con đường, trong đó có đường Hồ Chí Minh.
Viết đến đây, tôi nhớ lại bài phát biểu đầu năm mới 2009 trước các DN trong tỉnh, ông Mai Văn Ninh lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa mong muốn các DN cần xây dựng cho mình một thương hiệu mạnh mà lấy văn hóa DN làm nền tảng để mọi sự cạnh tranh đều lành mạnh.

Còn ông Lê Văn Trinh, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành thì rất bức xúc và đã nhiều lần kiến nghị với UBND tỉnh là không để ông Tam- Chủ tịch HĐQT Cty CP mía đường Lam Sơn cho người sang Thạch Thành mua mía của NM đường Việt- Đài nữa. Ông Trinh lý giải: “Nếu tỉnh không chỉ đạo kiên quyết việc này với NM đường Lam Sơn thì NM đường Lam Sơn cứ tự tung tự tác, phá hoại hiệp định mà Việt Nam và Đài Loan đã ký kết ngày 28/3/1994 về cung cấp mía cho NM đường Việt- Đài”.

Hiện NM đường Việt - Đài đang giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động là con em địa phương và hàng vạn hộ gia đình có thu nhập ổn định từ cây mía. Theo chúng tôi, nếu cách quản lý vẫn còn lỏng lẻo hay cơ chế thu mua mía của các NM không được thống nhất thì vô hình chung các NM  bóp chết nhau. Người dân họ không trồng mía thì trồng cây khác trên đất đó họ vẫn sống còn NM đường mà không có mía nguyên liệu để sản xuất thì NM sẽ phá sản. Bài học từ NM đường Sông Lam - Hà Tĩnh đang còn đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần kiên quyết hơn để tình hình vùng nguyên liệu không bị lộn xộn mà còn phát triển bền vững.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.