| Hotline: 0983.970.780

Vinafood 1 xây dựng cánh đồng lớn

Thứ Sáu 30/05/2014 , 08:05 (GMT+7)

Tổng Cty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) bắt đầu triển khai cánh đồng lớn ở hai huyện Nam Trực và Giao Thủy từ năm 2013, từng bước khẳng định hiệu quả.

Hiệu quả kinh tế cao hơn ít nhất 10%

Xác định xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) là một hướng sản xuất phù hợp, những năm qua, xã Giao Hà, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã tập trung triển khai xây dựng mô hình, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.

Ngay từ vụ xuân 2011, xã Giao Hà đã xây dựng thí điểm mô hình CĐL cấy giống lúa BT7 tại HTX dịch vụ nông nghiệp với quy mô 55ha và 140 hộ nông dân tham gia. Người sản xuất được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc BVTV và được tập huấn các quy trình tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Kết quả, năng suất lúa của mô hình đạt từ 60-62 tạ/ha, trong khi năng suất của diện tích sản xuất đại trà cùng cấy giống BT7 chỉ đạt 55 tạ/ha; lợi nhuận của mô hình đạt từ 14-16 triệu đồng/ha, tăng 3-5 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà.

Việc sản xuất trên CĐL đã bảo đảm thực hiện đúng theo phương thức “đồng trà, đồng giống và đồng phương thức canh tác” giúp nông dân giảm được công lao động, lượng thóc giống và số lần phun thuốc BVTV so với phương thức cấy truyền thống.

Từ hiệu quả của mô hình, cuối năm 2012, HTX dịch vụ nông nghiệp Giao Hà đã xây dựng 2 mô hình CĐL. Để tạo thuận lợi cho việc triển khai mô hình, UBND xã đã triển khai thực hiện đề án dồn điền, đổi thửa khắc phục tình trạng đất nông nghiệp manh mún; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng chưa đồng bộ. Nhờ đó, đến nay mỗi hộ chỉ còn 2-3 thửa, giảm 4-5 thửa/hộ so với trước, tạo điều kiện để xã quy hoạch các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, chuyên canh, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp.

Kết quả, năng suất giống lúa BT7 của mô hình đạt 54 tạ/ha, cao hơn 12-15% so với năng suất lúa cùng giống sản xuất đại trà.

Ông Lê Văn Khoa, xóm 11 phấn khởi cho biết: “Việc xây dựng CĐL đã mang lại nhiều thuận lợi cho việc sản xuất của nông dân. Thực hiện cấy cùng giống, cùng quy trình, phương pháp sản xuất không chỉ đạt năng suất cao hơn mà còn giúp nông dân giảm được nhiều chi phí như: công làm đất, gieo cấy, thu hoạch, phun thuốc diệt trừ ốc bươu vàng, công cắt cỏ bờ…”.

Ông Cao Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Hà cho biết: Toàn bộ diện tích CĐL của xã luôn được chủ động điều tiết nước phòng chống úng, ngập nên được đảm bảo an toàn, 385ha lúa tại CĐL của xã đều sinh trưởng, phát triển tốt, độ đồng đều cao hơn so với sản xuất đại trà, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Giao Hà chỉ là một trong số nhiều xã của Nam Định đang triển khai xây dựng CĐL do Vinafood 1 phối hợp với tỉnh thực hiện.

Theo phương án của DN này đưa ra, việc xây dựng CĐL áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến, sử dụng giống lúa chất lượng cao, gieo sạ đồng loạt, cùng giống, cùng cánh đồng, cùng thời vụ; áp dụng 3 giảm, 3 tăng, cơ giới hóa các khâu làm đất, thu hoạch…

Cty CP Lương thực Nam Định là đơn vị thành viên được Vinafood 1 giao nhiệm vụ triển khai thực hiện đề án CĐL ở địa phương này. Ông Nguyễn Văn Phước, GĐ Cty, cho biết, việc xây dựng CĐL được Tổng Cty đặt ra yêu cầu là tăng ít nhất 10% hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho DN và gắn kết mối quan hệ giữa Tổng Cty, địa phương và người dân.

“Chúng tôi cam kết tiêu thụ ít nhất 50% sản lượng lúa nông dân làm ra. Về giá cả, trước khi thu hoạch khoảng 1 tuần, DN sẽ họp dân với sự chủ trì của lãnh đạo địa phương để thống nhất giá lúa theo giá thị trường vào cùng thời điểm”, ông Phước nói.

Mọi thứ đã sẵn sàng

Theo ông Đỗ Hải Điền, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định, mô hình CĐL do Vinafood 1 thực hiện đã và đang triển khai ở 2 huyện là Giao Thủy và Nam Trực. Thời gian tới, sẽ có 11 xã thuộc 7 huyện triển khai xây dựng mô hình này.

Theo kế hoạch tổng thể triển khai mô hình CĐL của Vinafood 1, trong năm 2014 này, toàn tỉnh Nam Định sẽ có khoảng 300ha diện tích gieo cấy bằng giống BT7. Năm 2015, diện tích này tăng thêm 100ha. Ngoài ra, DN còn mở rộng diện tích CĐL tại tỉnh Thái Bình với quy mô 200ha năm 2015, sử dụng giống chất lượng cao dòng Japonica.

Để thực hiện mục tiêu trên, một mặt, Sở NN-PTNT phối hợp với DN tổ chức hội nghị triển khai tới các huyện, xã bàn phương án và giải pháp thực hiện, xây dựng hướng dẫn về kỹ thuật, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan. Mặt khác, các địa phương thành lập ban chỉ đạo, tập huấn kỹ thuật cho nông dân và bàn phương án cung ứng giống, vật tư và thuốc BVTV…

Về phía DN, Vinafood 1 đã chủ động xây dựng hệ thống kho chứa, dây chuyền phơi, sấy, đảm bảo chất lượng nông sản sau thu hoạch. Theo đó, tại huyện Giao Thủy, DN này đã đầu tư một kho chứa diện tích 500m2 để lắp đặt máy sấy và tập kết lúa hàng hóa thu mua từ các HTX.

Ngoài ra, Tổng Cty tổ chức sửa chữa, nâng cấp một số kho có sẵn của Cty CP Lương thực Nam Định tại TP Nam Định để đặt máy sấy, bảo quản thóc thu mua trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh phụ cận như Thái Bình, Ninh Bình.

“Chúng tôi đã đầu tư 4 tỷ đồng cho hệ thống kho chứa và máy móc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn 1 của đề án. Về lâu dài, chắc chắc Tổng Cty sẽ phải đầu tư nhiều hơn, cả về dây chuyền thiết bị cũng như hỗ trợ nông dân kỹ thuật, giống, phân bón”, ông Trần Bá Hiếu, Trưởng ban Kinh doanh của Vinafood 1 cho hay.

Theo ông Đỗ Hải Điền, mô hình CĐL Nam Định đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân từ sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời, các HTX dịch vụ nông nghiệp cũng đã phát huy được vai trò tổ chức các hoạt động dịch vụ, từng bước làm quen với phương pháp triển khai, tổ chức chỉ đạo thực hiện các mô hình sản xuất mới thu hút nhiều hộ nông dân tham gia.

“Vai trò chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của chính quyền xã được nâng cao; ý thức sản xuất hàng hóa, ý thức cộng đồng và trình độ thâm canh của nông dân được nâng lên; giữa DN và các hộ nông dân bước đầu có sự gắn kết trong sản xuất, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm... Sản xuất theo CĐL tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh cơ giới hóa nông nghiệp và giảm thất thoát sau thu hoạch”, ông Điền nói.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm