| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh biệt nhạc sỹ của "Câu hò bên bờ Hiền Lương"

Thứ Năm 10/01/2013 , 08:07 (GMT+7)

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp, người nhạc sỹ tài hoa với nhiều tác phẩm ghi dấu ấn sâu đậm như "Câu hò bên bờ Hiền Lương" đã qua đời, hưởng thọ 82 tuổi.

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp
Nhạc sỹ Hoàng Hiệp, người nhạc sỹ tài hoa với nhiều tác phẩm ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Việt Nam như "Câu hò bên bờ Hiền Lương," "Nhớ về Hà Nội," "Ngọn đèn đứng gác"... đã qua đời ngày 9/1 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 82 tuổi.

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn, sinh ngày 1/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Ông tham gia cách mạng năm 1945, tham gia đoàn tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội văn nghệ Long Châu Hà. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1948.

"Câu hò bên bờ Hiền Lương," ca khúc cách mạng được nhạc sỹ Hoàng Hiệp sáng tác vào năm 1956, đặt lời cùng tác giả Đằng Giao, là điểm bắt đầu cho sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của ông. Khi đó, ông tập kết ra Bắc, rồi chuyển vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) hoạt động trong nỗi nhớ quê hương vô hạn.

Trên nhiều tờ báo, nhạc sỹ Hoàng Hiệp đã chia sẻ rằng: Khi ra bờ Bắc sông Bến Hải, cách cầu Hiền Lương vài trăm mét, ông thường đi dọc theo bờ, nhìn đau đáu sang bờ Nam. Phía bờ Nam cũng có nhiều người ngóng sang bờ Bắc những mong nhìn thấy một hình dáng người thân của mình...

Và "Câu hò bên bờ Hiền Lương," bài hát ra đời trong nỗi đau xót của bản thân nhạc sỹ với tâm trạng của bao người Việt Nam khác trong thời kỳ nước nhà bị chia cắt Nam-Bắc, đã ra đời từ đó. Bài hát mang đậm chất trữ tình, nhẹ nhàng, sâu lắng, để lại ấn tượng khó phai mờ trong lòng người nghe. Trong những năm tháng chiến tranh cứu nước ác liệt, bài hát này đã tạo động lực mạnh mẽ cho quân, dân cả nước quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước.

Bài hát này cũng góp phần làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sỹ, đầu tiên là ca sỹ Văn Hanh hát trên Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam năm 1957. Sau đó là các giọng hát lừng danh khác như nghệ sỹ nhân dân Quốc Hương, nghệ sỹ nhân dân Thanh Huyền, nghệ sỹ nhân dân Thu Hiền...

Lắng sâu ca khúc Hoàng Hiệp

Sau bài hát này, nhạc sỹ Hoàng Hiệp ở Hà Nội đến năm 1975. Trong vòng khoảng 20 năm sống ở Hà Nội, ông đã viết hơn 100 bài hát, nhiều bài trong đó là những tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kì chống Mỹ như "Lá đỏ", "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", "Cô gái vót chông", "Ngọn đèn đứng gác".

Sau năm 1975, Hoàng Hiệp trở về miền Nam. Ông công tác tại Nhà xuất bản Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, sau chuyển sang Hội âm nhạc thành phố và một thời gian làm Tổng thư ký Hội. Dấu ấn của thời kỳ sáng tác này là những khúc tình ca như "Con đường có lá me bay", "Mùa chim én bay" phổ thơ Diệp Minh Tuyền; "Em vẫn đợi anh về" phổ thơ Lê Giang, "Nơi anh gặp em" (bài hát trong phim "Tội lỗi cuối cùng")...

Tình yêu với quê hương, đất nước với những gian nan và khổ đau của dân tộc, đã làm nên sự nghiệp âm nhạc Hoàng Hiệp. Những tác phẩm của ông từ đó cũng thuộc về cuộc sống, người nghe có cùng nỗi nhớ, niềm vui với nhạc sỹ thông qua tác phẩm và cũng chính sự sẻ chia ấy tạo nên sức sống bền vững của tác phẩm.

Lúc sinh thời, có lần ông đã chia sẻ rằng, gia đình ông không có ai làm nghệ thuật nên không thể nói trong người ông có gen âm nhạc. Năm 18 tuổi, ông bắt đầu sáng tác nhưng chỉ là những bài mang tính chất nghiệp dư. Chỉ đến khi tập kết ra Bắc, được học ở Trường Âm nhạc Việt Nam, thấm thía sự đau thương khi đất nước chia cắt đôi miền khiến bao lớp người, bao gia đình phải đôi ngả chia cắt, ông mới thực sự có những rung cảm để sáng tác.

Thêm vào đó, ông nghe nhiều dân ca ba miền, những câu hò điệu hát ngân nga thấm sâu trong ông từ nhỏ nên sự nhớ nhung, mong mỏi của ông có lẽ được cô đọng trong những nốt nhạc. Có lẽ vì thế mà những ca khúc của ông thật tha thiết, đằm sâu trong nhiều thế hệ người Việt Nam.

Năm 2000, Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: "Câu hò bên bờ Hiền Lương" lời Đằng Giao; "Cô gái vót chông" lời thơ Môlô Ylavi (người Ê Đê); "Ngọn đèn đứng gác" lời thơ Chính Hữu, "Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây" lời thơ Phạm Tiến Duật, "Viếng Lăng Bác" (thơ Viễn Phương), "Nhớ về Hà Nội."

Những ca khúc của ông thường mang âm hưởng dân ca, trữ tình, dễ nhớ, dễ xúc động. Bài hát "Nhớ về Hà Nội" của Hoàng Hiệp là một tác phẩm đặc sắc của dòng nhạc đương đại những năm cuối thế kỷ 20 về tình yêu với thành phố bên bờ sông Hồng, nơi mà một phần tuổi trẻ của ông đã đi qua. Đây cũng được đánh giá là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về Hà Nội.

Ngoài sáng tác ca khúc, Hoàng Hiệp còn viết nhạc cho kịch nói, nhạc cho các vở cải lương, nhạc cho phim truyện và phim tài liệu. Ông còn là dịch giả cuốn "Nhạc lý cơ bản" của Spasspbine và là tác giả của nhiều sách giáo khoa âm nhạc...

Người nhạc sỹ tài hoa đã mất lúc 12 giờ 45 phút ngày 9/1 tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi qua đời, ông đã được trao tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.