| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 18/10/2017 , 06:24 (GMT+7)

06:24 - 18/10/2017

Vô cảm người mang sứ mệnh cao cả 'trồng người'

Ngày 12/10, một học sinh nữ của trường tiểu học Tam Quan 1 (xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tĩnh Vĩnh Phúc) đứng cạnh cổng trường, bị cánh cổng (đã hỏng từ trước) đổ ập xuống...

Cách đây không lâu, việc bà hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đi xe taxi vào sân trường, khiến xe tông gẫy chân một học sinh, nhưng sau đó dùng mọi cách để phủi trách nhiệm, đã gây nên một cơn bão trong dư luận.

Tưởng rằng đó là một bài học xương máu cho tất cả các nhà giáo trên cả nước, những người đang thực thi sứ mệnh cao cả “trồng người”. Nào ngờ vụ việc mới đây, lại còn khiến dư luận sôi sục hơn vì phẫn nộ.

Ngày 12/10, một học sinh nữ của trường tiểu học Tam Quan 1 (xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tĩnh Vĩnh Phúc) đứng cạnh cổng trường, bị cánh cổng (đã hỏng từ trước) đổ ập xuống, đè đứt xương vai, sưng đầu. Lập tức thầy hiệu trưởng Trần Xuân Ngọc tuyên bố: Nhà trường không chịu trách nhiệm trước vụ tai nạn này. Và khi phụ huynh đề nghị thầy đến bệnh viện thăm cháu, thì thầy chối phắt: “Không có nghĩa vụ đến thăm”, vì “Nếu thầy ốm, thì phụ huynh có đến thăm thầy không?”.

Cổng trường Tiểu học Tam Quan 1 - nơi xảy ra sự việc (Ảnh: Dân trí)

“Vô cảm”, “Nhẫn tâm”, “ Độc ác”... Hàng ngàn lời bình luận như thế đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội, về việc làm và phát ngôn đó của thầy hiệu trưởng. Với mỗi ngôi trường, hiệu trưởng là người phải chịu trách nhiệm cao nhất về tất cả các mặt, từ giờ giấc của giáo viên, sự an toàn của học sinh cho đến chất lượng giảng dạy, chất lượng học tập, cùng với toàn bộ cơ sở vật chất của nhà trường. Cánh cổng trường hỏng, việc đầu tiên là phải xuất tiền để sửa chữa. Nếu không có tiền, thì ít nhất cũng phải có một tấm biển cảnh báo nguy hiểm, để học sinh biết mà tránh xa, đồng thời yêu cầu bảo vệ không cho bất cứ một ai đến gần cánh cổng. Nhưng thầy hiệu trưởng đã không làm gì hết, để tai nạn xảy ra. Vậy thầy không chịu trách nhiệm thì ai chịu?

Khi tai nạn xảy ra, nếu xử sự có tình người, chắc chắn cháu học sinh kia sẽ bớt đi nỗi đau, còn bố mẹ cháu cũng được an ủi.

Đằng này, thầy lại thẳng thừng phủi tay. Câu nói “Nếu thầy ốm, phụ huynh có đến thăm thầy không?” của thầy, nghe chẳng khác gì câu nói của một đứa trẻ lên mười, bắt đầu có ý thức về giá trị, kiểu “Tao cho mày hòn bi, mày có cho tao miếng bánh không?”.

“Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, đây là một người thầy, không chỉ truyền dạy kiến thức, mà còn truyền dạy cả đạo đức, cách hành xử, và “con ngựa đau” ở đây, lại chính là học trò của mình.

Vụ trường tiểu học Nam Trung Yên kết thúc thế nào, mọi người đều đã rõ. Không biết với việc làm và phát ngôn trên của thầy hiệu trưởng Trần Xuân Ngọc, phòng GD-ĐT, và UBND huyện Tam Đảo sẽ xử lý thế nào?