| Hotline: 0983.970.780

Vợ chồng đắn đo cho và nhận

Chủ Nhật 29/10/2017 , 08:35 (GMT+7)

Đối với chị Minh Châu, nội trợ, có chồng là để nhờ cậy. Là đàn ông, anh Duy, chồng chị có bổn phận chu toàn cuộc sống gia đình.

Ảnh minh họa

Chị Châu xem việc mình được anh lo lắng từ vật chất tới tinh thần là đương nhiên. Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng sẽ không hạnh phúc khi bạn chỉ đòi nhận mà không biết cho đi. Hôn nhân là một mối quan hệ cần được vun vén từ cả hai phía. Thật sai lầm nếu coi những gì bạn đời làm cho mình là đương nhiên và cứ vô tư hưởng. Song nếu xem mình là người cho nhiều hơn nên cứ vô tư xem thường người nhận cũng là một sai lầm không kém.
 

Khi “được nhận” quá nhiều

Câu nói cửa miệng của chị Châu thường là:”Có vợ thì phải biết lo cho vợ chứ”. Còn chồng chị, anh Duy, kinh doanh vật liệu xây dựng, mỗi lần về đến nhà lại nghe vợ ca cẩm:”Anh được ra ngoài tự do, thoải mái nên phải biết làm việc nhà để vợ còn nghỉ ngơi một chút chứ”. Chị hành chồng bất kể anh bận hay rảnh, mệt hay khỏe. Anh Duy đi tỉnh gặp khách hàng, nhà có việc gì, chị cũng liên tục gọi điện thoại anh cho bằng được. Con đau, chị Châu bắt chồng cùng thức khuya chăm con. Theo chị, đó mới là chia sẻ trách nhiệm dù sáng hôm sau chồng chị có việc phải đi làm sớm.

Mọi thứ mất đi sự ổn định khi anh Duy gặp khó khăn trong công việc kinh doanh. Chị Châu luôn miệng cằn nhằn vì hết được anh cung phụng. Áp lực mưu sinh làm anh Duy mệt mỏi và không còn kiên nhẫn đáp ứng những yêu cầu lặt vặt của vợ đưa ra. Anh càng không nuốt nổi mấy món ăn nhạt nhẽo, khô khan mà ngày nào vợ cũng cho chồng con ăn trong bữa cơm. Thế là chị Châu thường xuyên giận lẫy, cho rằng chồng ỷ làm ra tiền rồi xem thường vợ. Chồng chị là đàn ông, lẽ đương nhiên anh phải lo nuôi vợ con. Anh Duy cũng hết kiên nhẫn, kết tội vợ chỉ biết nhận mà không muốn cho đi. Họ cãi nhau liên tục bởi quan niệm “ai kích kỷ hơn” không phân định rõ được.

Những ai quen nhận nhiều hơn cho đi chưa hẳn là người không biết quan tâm đến người thân, mà có khi chỉ vì thói quen đã trở thành sự mặc định. Thói quen như một sợi dây thừng bền chặt, làm cho chúng ta cảm thấy khó khăn khi suy nghĩ hoặc bộc lộ tình cảm theo cách khác đi. Thói quen ấy dần tước đi sự nhạy cảm cần có trong một mối quan hệ luôn cần sự chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau. Cuộc sống vốn đầy áp lực, bởi vậy cả chồng lẫn vợ đều cần được chia sẻ, chăm sóc và cảm thông. Một bàn tay ấm, một bữa cơm nóng sốt, một lần đưa đón nhau đi làm…tuy nhỏ nhưng mang đến hạnh phúc gấp nhiều lần.
 

Khi cho đi quá nhiều

Anh Tân là giảng viên đại học, còn vợ anh, chị Thu Hương là nhân viên bán hàng siêu thị. Để cưới chị, anh Tân bất chấp sự phản đối của gia đình. Anh hứa hẹn sẽ chu toàn, bảo bọc, yêu thương và tôn trọng chị. Nhưng khi vợ chồng đã có một mặt con, anh Tân lại bảo mình không tìm được sự chia sẻ của vợ trong công việc. Anh phàn nàn với bất kỳ ai hỏi thăm chuyện gia đình, rằng anh thật khổ khi quyết định sai lầm, rằng vợ anh không biết chăm sóc bản thân, gia đình, thiếu quan tâm đến nhà cửa, không biết ăn mặc đẹp. Anh Tân thường cao giọng với vợ mỗi khi có bà con họ hàng hai bên đến chơi. Nhiều lần, hàng xóm láng giềng không khỏi giật mình khi nghe anh Tân đay nghiến, chì chiết vợ những lời lẽ chói tai, đầy sự khinh miệt.

Câu chuyện gia đình họ qua lời tâm sự của chị Hương thì lại hoàn toàn khác. Lý do chị chưa làm tốt vai trò người vợ người mẹ theo ý chồng là do thu nhập của chị thấp hơn. Tiền không đủ xài thì lấy đâu mua quần áo đẹp. Còn tiền chồng đưa hàng tháng thường không đủ chi tiêu vì thứ gì anh Tân cũng đòi hàng sang, hàng chất lượng, lại còn chuyện ăn uống cho cả nhà, quần áo, thuốc men, sữa cho con. Đi làm cả ngày đến tối mới về nhà, chị Hương vẫn chu toàn cơm nước đầy đủ nhưng chẳng mấy khi chồng về cùng ăn chung. Kết cục của cuộc hôn nhân không có tiếng nói chung này là vợ chồng họ đường ai nấy đi.

Cho và nhận luôn phải ở thế cân xứng để người này không phải thầm nghĩ sao người kia không biết điều. Lỗi của người cho là không mau chóng và kiên trì phát đi tín hiệu cho thấy mình đang khó chịu. Vì cho nhiều quá nên người tự cho mình có cái quyền cao giọng với người nhận và dần dà không còn tôn trọng người nhận mà quên rằng tài sản gia đình là của chồng công vợ, đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm.

(Kiến thức gia đình số 42)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm