| Hotline: 0983.970.780

Vợ chồng già nuôi cháu ngoại bại não

Thứ Sáu 15/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Năm nay cháu Minh Quân đã 3 tuổi, nhưng cháu không biết ngồi, đứng, đi, cháu cũng không biết nói, suốt ngày chỉ nằm một chỗ gào khóc...

Chúng tôi tìm về xóm 2, thôn 3, xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương vào buổi chiều muộn. Giữa không gian làng quê được nghe câu chuyện buồn đầy nước mắt về gia đình cháu Nguyễn Bùi Minh Quân (3 tuổi), bị bệnh bại não co cứng 3 năm nay.

Căn nhà cấp bốn cũ kĩ, lụp xụp hoang vắng và lạnh lẽo nằm nép mình nơi cuối xóm càng trở nên ảm đạm. Đón chúng tôi là một phụ nữ gương mặt khắc khổ, thân hình nhỏ thó bế đứa cháu đang gào khóc ngằn ngặt trên tay ra mở cổng.

Trong suốt câu chuyện dài và đẫm nước mắt của người đàn bà khổ hạnh và đứa cháu luôn gào khóc, chúng tôi mới cảm nhận được thế nào là sự mất mát, số phận không may của con, của cháu bà.

Câu chuyện được bắt đầu từ ánh mắt buồn tủi và tiếng khóc ai oán của người mẹ già hướng về bàn thờ lạnh lẽo của người con trai xấu số Nguyễn Văn Trụ (sinh năm 1989) là bố cháu Minh Quân.

Do gia đình khó khăn, sau khi học hết lớp 9, anh Trụ lên TP Hải Dương làm thuê bằng nghề giã giò chả với mong muốn thoát nghèo. Sau một năm, anh Trụ theo bạn vào Cần Thơ. Cũng tại mảnh đất xứ người, anh đã gặp chị Bùi Thị Hiền kém anh 2 tuổi quê ở huyện Chương Mỹ - Hà Nội bán hàng rong.

Thương cảm anh Trụ, chị xích lại gần anh. Đầu năm 2012 lễ cưới của đôi vợ chồng nghèo diễn ra trong sự vui mừng của họ hàng nội tộc. Cưới nhau xong, trong tay có được chút vốn liếng và đã học được nghề, vợ chồng anh quyết định qua Long An lập nghiệp.

Do lao động quá sức và không có điều kiện, nên suốt quá trình mang thai, chị Hiền thường xuyên đâu ốm. Mang thai 6 tháng, chị Hiền đã sinh non cháu Minh Quân, 20 ngày nằm tại phòng cấp cứu khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Long An, là lúc cháu Quân phải đương đầu giữa sự sống và cái chết.

Sau đó cháu được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh). Tại đây, bác sĩ cho biết: Do cháu Minh Quân sinh non, não và các bộ phận trong cơ thể chưa hoàn thiện, nên cháu bị bệnh bại não co cứng, liệt hai chân, không có khả năng vận động.

Nhận được tin dữ, hai vợ chồng anh Trụ chết lặng. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm bấy lâu nay, vay mượn của anh em, họ hàng ở quê và bán một phần mảnh đất của bố mẹ, vợ chồng anh Trụ đều tập trung vào chữa bệnh cho con.

Khi khoản tiền vay mượn đã lên tới hàng trăm triệu mà bệnh tình của Minh Quân không tiến triển. Nhưng thương con, không đành lòng nhìn con chết dần, chết mòn, hai vợ chồng anh Trụ làm ngày, làm đêm để mong có tiền chữa bệnh.

Tưởng chừng sự cố gắng của hai vợ chồng nghèo sẽ được đền đáp, nhưng cuộc sống không bao giờ như chúng ta nghĩ. Tháng 12/2013, trong một lần đi giao hàng, anh Trụ bị tai nạn giao thông ở Long An và mất sau đó 2 tiếng.

Chồng chết, một số tiền nợ lớn để chữa bệnh cho con và bệnh tình của cháu Quân, khiến chị Hiền suy sụp hoàn toàn, chị như người ngây dại, về quê chồng được 3 tháng chị cũng bỏ vào Nam không tin tức.

“Khổ quá anh ạ! Không biết cháu Quân sẽ cầm cự được bao lâu nữa. Cháu đau ốm, suốt ngày quấy khóc, tiền mua thuốc không có. Mẹ thì bỏ nhà đi không một dòng tin tức….”. Bà Tám nói với những giọt nước mắt chua xót và tiếng khóc ai oán.

Để duy trì sự sống cho Minh Quân, một năm bà Tám đưa cháu Quân lên Hà Nội điều trị tại các bệnh viện trong vòng 7 tháng. Tập trung vào tiêm thuốc điều trị về não, châm cứu chữa bệnh bại liệt chân. Mỗi tháng đi điều trị hết từ 10-15 triệu đồng.

Hàng ngày, ông nội cháu Minh Quân đi phụ xây mong có được ít tiền về đong gạo cho gia đình. Năm nay cháu Minh Quân đã 3 tuổi, nhưng cháu không biết ngồi, đứng, đi, cháu cũng không biết nói, suốt ngày chỉ nằm một chỗ gào khóc. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Hệ - Trưởng thôn 3, xã Tân Hương buồn rầu chia sẻ: “Cuộc sống của gia đình bà Tám ngày trước đã rất khó khăn, giờ đây con chết, con dâu bỏ đi, cháu Quân bị bệnh như vậy ai cũng xót thương. Nhưng chúng tôi cũng chỉ biết tạo điều kiện cho cháu được hưởng chế độ người tàn tật và động viên chứ không giúp gì được nhiều hơn”.

Gia cảnh này đang rất cần sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Bà Hà Thị Tám, xóm 2, thôn 3, xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. ĐT: 01215321620. Hoặc gửi về văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tự Trọng, TP.Cần Thơ, ĐT: 07103.835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm