| Hotline: 0983.970.780

Vợ chồng khắc khẩu vẫn hạnh phúc

Thứ Bảy 17/06/2017 , 08:38 (GMT+7)

Dù cơn giận lúc chiều chưa nguôi nhưng lo vợ đói bụng ngủ không được, anh Thái lò dò xuống bếp mở đèn. Hai vợ chồng nấu mì ngồi ăn rồi cười xì xòa.

Ảnh mang tính minh họa

“Khắc khẩu là vậy nhưng hai vợ chồng chưa bao giờ giận nhau quá một đêm!”, chị Xuân, vợ anh Thái cho biết. Đối với nhiều cặp vợ chồng, cãi nhau là chuyện bình thường, bởi ông bà hay nói “chén trong chạn còn khua” huống chi sống cùng một nhà. Có nhiều cặp đôi nói câu trước chưa xong câu sau đã cãi nhau chí chóe như trẻ con. Những đôi khắc khẩu quanh năm như thế không phải lúc nào cũng dẫn đến bi kịch, có người còn nói vậy cho vui cửa vui nhà.
 

Khi khẩu chiến là... thói quen

Chị Mai, nhân viên siêu thị kể, trước khi cưới, gia đình hai bên đi xem tuổi, ai cũng nói anh chị khắc tuổi, tứ hành xung, thuộc dạng khẩu hành, về ở cùng nhà mới thấy đúng thật. Anh Quốc, chồng chị thuộc dạng hiền lành, cộc tính; chị thì hay lo xa lại khôn lanh nên anh nói gì chị cũng thấy... sai, thế là cãi nhau.

Biết chị thích ăn nho, anh mua nho Mỹ về, chưa kịp khoe đã bị chị “dội gáo nước lạnh” chê anh mua phải nho dở, kém chất lượng. Tiếc công mua về cho vợ không được khen lại còn bị mắng, anh quăng bịch nho ra bàn rồi hậm hực bỏ ra phòng khách. Nghĩ chồng cũng thương mình nên chị Mai muốn làm lành, rửa nho bày ra đĩa rồi mang lên lân la đấu dịu. “Thôi, đồ kém chất lượng, lâu lâu ăn một lần cũng chẳng sao”.

Anh Thái đang xem đá banh, nghe vợ nói vậy cũng bớt nóng, định lấy nho ăn rồi vợ chồng cùng xem tivi, chưa kịp vui đã bị vợ trách: “suốt ngày cứ bóng đá, chẳng quan tâm đến thời sự xung quanh, nên hỏi gì cũng không biết”. Vậy là trận khẩu chiến lại tiếp tục cho đến giờ tắt đèn đi ngủ. Ấy vậy mà đến sáng hôm sau cả hai lại ngồi cùng bàn ăn sáng như chưa từng có chuyện gì. Xong đâu đấy anh chở chị đi làm vui vẻ như sáo!

Anh Duy chị Hồng, đều 30 tuổi, cưới nhau cũng được hơn hai năm, cuộc sống khá ổn định, vậy mà ngày nào trong nhà cũng nghe tiếng cãi nhau ỏm tỏi. Chị Hồng cho biết ngày hai người còn yêu nhau cũng có cãi, nhưng toàn được chồng nhường, năn nỉ trước nên quen, ai ngờ cưới về mỗi lần cãi nhau chẳng được anh ấy nhịn nữa mà toàn làm tới. Mà nghĩ cũng vui, làm như ngày nào không cãi là cơm ăn không ngon vậy.

Chiều đi làm về chị Hồng nói thèm ăn canh cải thịt bằm nên vào bếp nấu ăn. Anh Duy vốn không ưa thịt bằm nên nói vợ nấu món canh khác. Đang cơn thèm nhưng chồng nhất quyết không chiều theo, chị Hồng xẵng giọng và mạnh tay là nồi chảo kêu loảng xoảng trong bếp. Thấy vợ sắp nổi cơn tam bành, anh Duy sợ bị nhịn đói nên đành để mặc muốn làm gì thì làm. Suốt bữa cơm cả hai cúi gầm mặt ăn qua quýt cho xong mà chẳng thấy no. Tối ngủ, mỗi người quay lưng một góc. Thế nhưng chỉ qua một đêm, đôi vợ chồng trẻ lại quấn lấy nhau như sam, nói chuyện cười nói vui vẻ như trước.

Những cặp vợ chồng sáng cãi chiều làm lành với nhau thường không thiếu. Nhiều đôi sống đến gầm sáu mươi tuổi vẫn không thôi khẩu chiến mỗi ngày. Với họ, đôi khi đó là gia vị để cuộc sống thêm phần sinh động. “Yêu nhau lắm cắn nhau đau” - nhiều cặp đôi tự nhận như thế nên chưa bao giờ nghĩ mình phải sửa cái kiểu khắc khẩu đi, vì biết đâu chuyển sang kiệm lời, không cãi nhau nữa thì vợ chồng cũng trở nên xa cách rồi bất hạnh hơn.

Theo một số chuyên gia tâm lý, khắc khẩu chỉ là chuyện rất nhỏ trong cuộc sống vợ chồng nếu bạn biết điều khiển, đặt để nó vào vị trí nào trong cuộc sống. Nhờ nó mà vợ chồng có thể hiểu nhau tì cãi nhau cũng có tác dụng tốt, không phải là điều gì nghiêm trọng, bởi vì sự im lặng không phải lúc nào cũng là vàng.
 

Nghệ thuật tránh khẩu chiến

Tuy nhiên, chuyện khắc khẩu có thể là bề nổi của tảng băng chìm, nếu chỉ vì cái tôi của mỗi người quá lớn, thấy cái gì của mình cũng đúng, cũng tốt mà không nhận ra cái hya, cái đẹp, của người khác, thiếu tôn trọng bạn đời, không có sự cảm thông và nhường nhịn thì nên loại bỏ ngay, vì nó là lẻ phá bĩnh hạnh phúc. Nhiều cặp dẫn nhau ra tòa cũng vì lý do khắc khẩu đó.

Để tránh khẩu chiến, trước tiên là cố gắng kiềm chế bản thân, không nói những lời khó nghe làm tổn thương bạn đời, đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu được cảm giác, vì sao bạn đời phải tức giận, muốn tranh cãi. Không trao đổi vấn đề khi vợ chồng đang mệt mỏi. Tôn trọng chính kiến của bạn đời kể cả trường hợp cả hai bất đồng quan điểm.

Khi thấy câu chuyện có chiều hướng căng thẳng, hãy tránh đi nơi khác hoặc đấu dịu, sẽ trao đổi lại vấn đề vào lúc cả hai bình tĩnh. Mỗi khi quá giận, hãy thử nghĩ xem chỉ vì cãi tay đôi mà li dị thì có đáng không, nếu không, học cách nhịn là thượng sách.

(Kiến thức gia đình số 23)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?