| Hotline: 0983.970.780

Vỡ mộng đóng tàu trên núi

Thứ Năm 08/07/2010 , 10:35 (GMT+7)

Đến nay, đã hơn 4 năm trôi qua, khu đất hơn 17ha (do UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận đầu tư và cho Vinashin thuê) vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Cả một khu đất trống rộng ngút ngàn, hiện chỉ có một nhà sàn với biển hiệu Công ty cổ phần đầu tư Vinashin - Hòa Bình và mấy chiếc ca nô bỏ không

Khi Vinashin, mà đại diện là Cty Công nghiệp tàu thủy và xây dựng Sông Hồng, được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận đầu tư và cho thuê đất tại huyện Cao Phong, ai cũng hỉ hả vì tỉnh miền núi này sẽ thêm phần công nghiệp hóa. Nhưng đến nay, đã hơn 4 năm trôi qua, khu đất hơn 17ha vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. 

>> ''Dư chấn'' Vinashin
>> Thêm đuôi, rồi cắt đuôi Vinashin vẫn bi đát
>> Lạm bàn chuyện ''con tàu'' Vinashin mắc cạn

Không chịu di dời, hóa hay

Ông Quách Công Lộc ở xóm Mới, xã Thung Nai, huyện Cao Phong hoan hỉ dẫn tôi đi vòng quanh khu đất của mình rộng chừng hơn 1000 m2, nói vui vẻ: Đấy chú xem, đất đai tươi tốt thế này, nếu họ (Cty Công nghiệp tàu thủy và xây dựng Sông Hồng) thu hồi mà không sử dụng, có phải phí đi không. 4 năm nay, tôi đã gieo trồng và chăm sóc cây cối thu hoạch khối tiền. Gía trước mà để họ thu thì bây giờ chắc chỉ có nước nhìn đất cằn dần mà khóc thôi.

Trường hợp của ông Lộc không chịu nhượng đất cho dự án, bởi cho rằng giá đền bù thấp, đối với miền xuôi, không phải hiếm. Nhưng ở xứ Mường này, trình độ dân trí còn hạn chế, thì đúng là hi hữu thật. Còn nhớ năm 2006, dự án NM đóng tàu Hòa Bình của Tập đoàn Vinashin mà Cty Công nghiệp tàu thủy Sông Hồng làm đại diện, bắt đầu được người Hòa Bình nhắc đến trong những câu chuyện trà dư tửu hậu, thì cũng chính là lúc mà người dân xã Thung Nai bị dự án đẩy ra khỏi mảnh đất đã hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nay, gắn bó với các thế hệ gia đình họ. 24 hộ dân của xã Thung Nai, thì có đến 23 hộ đã nhận tiền đền bù và di dời, chỉ duy nhất ông Lộc là còn bám trụ, vì người ta bảo ông dám “chê” giá đền bù đất thấp. Nhưng thực ra, trong thâm tâm, ông chả cần mấy chục triệu bạc. Cái ông vẫn đau đáu, trăn trở, là không biết mảnh đất cha ông để lại, có được người ta sử dụng hay không?

Đến giờ, người dân xã Thung Nai vẫn còn nhắc lại câu chuyện của gia đình ông Lộc với một sự tiếc rẻ, bởi họ đã dời đi, hộ thì vào khu tái định cư, hộ thì sử dụng tiền đền bù để sắm cho mình không mảnh đất thì một ngôi nhà khác. Nhưng nơi ở mới, lạ nước lạ cái, lại chả có ruộng vườn tươi tốt mà làm ăn, xem ra phát triển kinh tế lại thêm bội phần gian khó. Ấy là chưa kể đến việc cứ mỗi lần có việc, đi qua khu đất của mình trước đây đang bị bỏ hoang, người dân lại nhìn nhau, đau đáu…

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Văn Hành ở xóm Mới. Gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên di dời để xây dựng NM đóng tàu. Căn nhà cao và rộng. Ông cho biết: “Gia đình tôi có 4 người, kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp trồng lúa và trồng cây ăn quả. Trước đây, gia đình tôi có 1.583 m2 đất, nhà ở và 400 m2 ruộng để sản xuất. Sau khi được đền bù gần 200 triệu đồng, vợ chồng tôi lấy tiền đền bù mua đất và xây căn nhà này”. Khi được hỏi tại sao có khu tái định cư mà gia đình ông không dọn đến ở, ông Hành lắc đầu ngán ngẩm: “Khu tái cư vẫn chưa có điện và nguồn nước thiếu nên cũng không muốn vào”.

Không có đất gần nhà, hằng ngày cả gia đình ông Hành phải lên đồi trồng ngô, trồng sắn. Mỗi lần đi làm về qua khu nhà cũ, thấy đất để bỏ hoang cỏ mọc, tiếc quá mà không làm sao được. Trước đây, người dân xã Thung Nai hi vọng xây dựng nhà máy thì xã sẽ trở thành điểm du lịch đẹp để kinh tế phát triển, những người bị thu hồi đất mở cửa hàng hoặc xin được việc gì đó thì đời sống sẽ khá lên. Không ngờ…Anh Bùi Hồng Vui ở xóm Mới than thở: Gia đình tôi có 6 khẩu, kinh tế phụ thuộc vào 2.100m2 vườn và ruộng. Được tiền đền bù, tôi ra mua đất và làm nhà ở. Không có đất sản xuất, cả nhà phải đi ra bến Thung Nai bốc vác.

Còn ta với…lồng bàn

Người dân xã Thung Nai vẫn còn nhớ như in cái ngày  ngày 16/1/ 2006, khi UBND tỉnh ra quyết định thu hồi trên 17,6 ha đất cho Công ty Công nghiệp tàu thủy và xây dựng Sông Hồng (Vinashin) xây dựng nhà máy đóng tàu Hòa Bình tại xóm Mới, xã Thung Nai, huyện Cao Phong. Nhưng nay, đã quá 4 năm, dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Trước mắt chúng tôi là địa điểm của NM đóng tàu ở xóm Mới. Đây được coi là nơi “đắc địa” của xã Thung Nai cũng như trên vùng lòng hồ Hòa Bình. Nhưng giờ đây, nhiều chỗ cỏ mọc ngập đầu. Người dân ở đây gọi loại cỏ này là cỏ lồng bàn, loại cỏ mà trâu bò rất thích. “Giờ đây, cỏ mọc nhiều đến nỗi, giá như có vốn để đầu tư vào chăn nuôi bò, có khi hiệu quả kinh tế còn cao hơn cả nhà máy đóng tàu ấy chứ”, người dân  vẫn tếu táo với nhau như thế.

Trước mắt chúng tôi là địa điểm của NM đóng tàu ở xóm Mới. Đây được coi là nơi “đắc địa” của xã Thung Nai cũng như trên vùng lòng hồ Hòa Bình. Nhưng giờ đây, nhiều chỗ cỏ mọc ngập đầu. Người dân ở đây gọi loại cỏ này là cỏ lồng bàn, loại cỏ mà trâu bò rất thích. Giờ có lẽ nên chuyển dự án đóng tàu thành dự án nuôi bò thì hợp quá.
Cả một khu đất trống rộng ngút ngàn, hiện chỉ có một nhà sàn với biển hiệu Cty CP Đầu tư Vinashin - Hòa Bình và mấy chiếc ca nô bỏ không. Ngay giữa khu đất là vài chiếc chòi nghỉ mát lợp lá cọ, dưới có bộ ghế đá. Ông Bùi Văn Nhàn, Phó Chủ tịch UBND xã Thung Nai cho biết: Từ ngày thu hồi đất đến nay, nhà máy chỉ xây tường rào, nhà kho và làm vài cái chòi, còn lại vẫn chưa làm gì . Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, ông Vũ Đình Việt, khi chúng tôi nhắc đến chuyện xây dựng nhà máy đóng tàu, thì chán nản: “Hiện vẫn chưa biết thế nào. Chúng tôi có thông tin rằng một bộ phận của Vinashin đang được chuyển giao cho đơn vị khác, nhưng chẳng biết họ có tiếp tục thực hiện xây dựng ở khu này không?”.

Về chuyện đời sống của nhân dân đã bị di dời để lấy mặt bằng xây dựng nhà máy, ông Việt khẳng định: Về giải phóng mặt bằng, ngoài vướng nhà ông Lộc, còn lại một số hộ thắc mắc về thủ tục. Diện tích đã giải phóng có thể giao được cho chủ đầu tư. Còn khu tái định cư có tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng được thực hiện trên diện tích gần 2ha. Tính ra mỗi hộ được khoảng trên 400m2 đất. Hiện nay tuy đã có nước nhưng vẫn chưa có điện nên nhiều hộ chưa đến ở.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất