| Hotline: 0983.970.780

Trái cây nào nguy cơ "vỡ trận"?

Vỡ quy hoạch vì sức ép thu nhập của nông dân

Thứ Sáu 18/05/2018 , 14:05 (GMT+7)

Về thực trạng nhiều vùng trồng cây ăn trái đang vỡ quy hoạch, gây ra những nguy hại không nhỏ như đã phản ánh trong loạt bài Trái cây nào nguy cơ "vỡ trận", PV NNVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp về công tác quy hoạch và những giải pháp khắc phục…...

 

18-32-32_img_3761
Ông Nguyễn Trọng Uyên, Phó Viện trưởng Phân Viện Quy hoạch Nông nghiệp Miền Nam

Thưa ông, thời gian gần đây vẫn liên tục diễn ra các cuộc “giải cứu” nông sản, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do vỡ quy hoạch, ông có thể cho biết những phân tích cụ thể?

Tôi cho rằng, không phải tất cả các cây trồng khi xảy ra tình trạng thừa cung đều là do nguyên nhân vỡ quy hoạch. Nếu cái gì cũng vỡ quy hoạch thì đất ở đâu ra, quỹ đất đã phân bố hết cho từng loại cây trồng. Việc nông sản rớt giá còn có nhiều nguyên nhân khác, đó là phụ thuộc vào cung cầu của thế giới và chính sách thương mại của các nước chứ không phải chỉ do quy hoạch. Điển hình như đối với thị trường nông sản của ta, nếu trong chính sách của Trung Quốc chỉ cần có thay đổi ngưng mua hay giảm giá thì Việt Nam gặp khó khăn liền…

Về lâu dài, quy hoạch cũng chỉ mang tính định hướng, không thể quy hoạch chi tiết cụ thể được. Hơn nữa tình hình phát triển nông nghiệp nói chung và các cây con chủ lực cũng đã được Bộ NN-PTNT xây dựng định hướng chung cho toàn vùng cũng như các tỉnh. Tuy nhiên, nông dân họ tự quyết định trồng cây gì, nuôi con gì trên mảnh đất của họ nên dẫn đến việc phát triển vượt quy hoạch như thực tế hiện nay.

Vỡ quy hoạch ở nhiều loại cây trồng như hiện nay dẫn đến thừa mứa, giá chạm đáy phải đổ bỏ, đây là bài toán khó giải của ngành trồng trọt khi không có giải pháp khống chế. Nhận định của ông như thế nào?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng thừa, nhưng theo tôi có lẽ một trong những nguyên nhân gây khủng hoảng thừa trong nông nghiệp là do công nghiệp chế biến chưa phát triển, để khi vào mùa thu hoạch rộ nếu xuất khẩu trái cây tươi bị chậm thì đưa vào các cơ sở, nhà máy chế biến sẽ hỗ trợ cho nông nghiệp giảm bớt được khủng hoảng thừa. Hay nguyên nhân chủ quan nữa như tiêu khi được giá thì diện tích ào ào tăng, hay cây có khả năng xuất khẩu như thanh long trước kia chỉ tập trung nhiều ở Bình Thuận, nhưng đến nay đã có nhiều tỉnh trồng. Tương tự, với cây có múi cũng thế, trước kia chỉ có ở một số vùng nhưng đến nay gần như có mặt trên khắp các tỉnh, thành.

Bộ đã định hướng quy hoạch cho từng loại cây, nhưng do các địa phương muốn tái cơ cấu, phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh, người nông dân khi thấy có hiệu quả cao cũng tự mở rộng diện tích như cây thanh long hiện nay đang phát triển "vỡ" quy hoạch. Hiệu lực kiểm soát khó thực hiện do cơ chế quản lý đất đai đang giao quyền cho người nông dân là chính và chưa có chế tài theo định hướng.

Hiện tượng nhiều mặt hàng nông sản không có đầu ra, chất đống đổ bỏ vì rớt giá thê thảm được ví như hình ảnh người dân “thả gà” rồi cơ quan quản lý đi đuổi theo đến khi vỡ quy hoạch diện tích trồng thì khó khống chế?

Thực tế việc quy hoạch các loại cây trồng đã có định hướng chứ không phải quy hoạch chạy theo nông dân. Cụ thể cách đây khoảng 5 năm khi các địa phương đang có xu hướng mở rộng diện tích, Bộ đã ra quy hoạch chỉ phát triển vùng tiêu tập trung khoảng 50.000ha và diện tích tiêu toàn quốc chỉ 70.000ha thì mới tham gia vào thị trường xuất khẩu ổn định. Tuy nhiên, đến nay diện tích cây tiêu đã vượt xa quy hoạch lên tới 130.000ha. Do vậy, dù có định hướng nhưng vẫn chưa có chế tài và chưa có giải pháp kiểm soát đủ mạnh.

Có ý kiến cho rằng ngành trồng trọt có hai điểm yếu. Thứ nhất là quy hoạch diện tích cây trồng vẫn chưa bám sát được thị trường. Thứ hai là vấn đề kiểm soát và giám sát thực tiễn quy hoạch cây trồng. Vậy theo ông làm sao khống chế được quy hoạch đó?

Có nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý hình như chưa đưa ra được một thống kê, dự báo nào về nhu cầu thị trường, mức tiêu thụ, cảnh báo cũng như điều phối, tìm thị trường trong và ngoài nước - một khâu có tính cách mạng trong sản xuất tiêu thụ. Quan điểm của ông ra sao?  

Tôi cho rằng công tác quản lý ngành hàng phải có nhiều nhà (cụ thể là “4 nhà”) tham gia một cách đồng bộ thì mới hiệu quả. Đối với việc quản lý một sản phẩm trái cây cụ thể thì dễ dự báo định hướng, nhưng đối với sản xuất thì có đến hàng nghìn, hàng triệu hộ dân cùng tham gia vào quá trình sản xuất thì công tác dự báo và quản lý rất khó kiểm soát. Thực tế hiện nay chúng ta đang quy hoạch những gì ta có, còn thực sự ta chưa làm chủ được thị trường; các hiệp hội của ta cũng còn rất hạn chế chưa có vai trò điều phối được thị trường.

Thực tế thị trường là yếu tố quyết định để sản xuất cây gì, nuôi con gì. Công tác dự báo thị trường thời gian qua cũng được tăng cường rất mạnh, đặc biệt Trung tâm thông tin của Bộ NN-PTNT cũng liên tục ra các bản tin hàng tháng, tuần… Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp khó hơn sản xuất công nghiệp và các ngành khác. Đối với sản xuất công nghiệp có những tập đoàn lớn hay DN lớn sẽ khống chế thị trường và có thể điều tiết được sản xuất.

Công tác quy hoạch phải dựa vào hiện trạng là điều kiện sinh thái và thực trạng sản xuất của địa phương cũng như định hướng thị trường. Tuy nhiên, tôi cho rằng tính pháp lý và hiệu lực của công tác quy hoạch cũng còn nhiều hạn chế.

Hiện nay có nhiều loại cây ăn quả có xu hướng vượt quy hoạch, trong khi Nhà nước lại không có công cụ để khống chế việc làm vỡ quy hoạch dẫn đến nhiều hệ lụy. Ông có nghĩ rằng thiệt thòi nhất vẫn là nông dân không?

Thời gian vừa qua, những loại cây trồng tăng diện tích hầu hết là cây có lợi thế xuất khẩu, có thể trong tương lai sẽ còn những cây trồng mới có lợi thế xuất khẩu cũng sẽ sản xuất vượt quy hoạch. Đối với cây ăn quả, cây thanh long ở tỉnh Bình Thuận hay vùng ĐBSCL hầu hết đều chuyển đổi từ đất lúa. Theo tôi, việc phá vỡ quy hoạch cây trồng, nông dân chính là người chịu hệ lụy và họ đang chịu sức ép rất lớn về thu nhập. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể đổ lỗi hết cho nông dân mà do chính sách quản lý còn nhiều hạn chế, chưa cương quyết. Thậm chí các địa phương còn đang loay hoay chưa có định hướng đúng bám sát thực tiễn để giúp nông dân chuyển đổi sản xuất hiệu quả.

Tình trạng vỡ quy hoạch cây trồng như hiện nay, giải pháp cần phải làm trong thời gian tới là gì để không tái diễn câu chuyện được mùa, mất giá và hạn chế nông dân đầu tư cho sản xuất theo phong trào, không tuân thủ quy hoạch vùng sản xuất tập trung của địa phương, thưa ông?

Để hạn chế sản xuất không theo quy hoạch và chạy theo phong trào, theo tôi cần nâng cao công tác dự báo thị trường; đồng thời phải có chính sách cụ thể, mạnh mẽ hơn. Như khi đã quy hoạch vùng trồng thanh long hay trồng lúa, người nông dân chuyển đổi từ thanh long sang lúa hay ngược lại thì họ sẽ được hưởng lợi gì nếu thị trường biến động? Còn đối với doanh nghiệp cũng phải đổi mới quan điểm, phải biết chia sẻ lợi ích với nông dân nhiều hơn thì mới có thể hình thành được vùng nguyên liệu lớn phục vụ cho nhà máy chế biến cũng như xuất khẩu; đồng thời giảm được rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

Thực tế hiện nay đã có quy hoạch cây, con chủ lực nhưng nông dân vẫn phá vỡ quy hoạch, về phía cơ quan nhà nước có cơ chế gì để xử lý vấn đề này? Hiện nay việc tiến hành quy hoạch có những đổi mới gì hiệu quả hơn không thưa ông?

Hiện nay Bộ cũng đã định hướng và chỉ đạo cụ thể các cây trồng chủ lực cho từng địa phương; đồng thời tổ chức đẩy mạnh giải pháp liên kết vùng và hình thành chuỗi sản xuất đến cung ứng. Để quy hoạch lại vùng trồng chúng tôi phải căn cứ vào thị trường và lợi thế cạnh tranh của các vùng sinh thái. Hiện trong công tác quy hoạch chúng tôi đang đổi mới theo hướng quy hoạch mở và quy hoạch mềm. Đồng thời áp dụng công nghệ tiên tiến phục vụ cho việc quy hoạch rất hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ định hướng đến những nhóm cây trồng, còn trồng cây gì thì do thị trường sẽ quyết định. Còn nếu cụ thể chi tiết quá không bám sát thực tế thị trường thì cũng sẽ bị vỡ quy hoạch.

Việc sản xuất nếu không tuân thủ theo quy hoạch và định hướng thì sẽ dẫn đến nhiều bất cập như hiện nay. Do vậy Bộ đang chỉ đạo các địa phương cần phải tái cơ cấu cây trồng hợp lý, tổ chức lại sản xuất. Đồng thời phải tổ chức được ngành hàng theo chuỗi có doanh nghiệp lớn mạnh tham gia với vai trò “nhạc trưởng” và liên kết vùng, tỉnh trong công tác quản lý mới bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Vấn đề quan trọng và lớn nhất hiện nay là thị trường Trung Quốc, vì các mặt hàng nông sản của ta hiện nay chủ yếu xuất thị trường này nhưng không ổn định. Sản xuất của ta đã có dự báo nhưng do thị trường nông sản có biến động mạnh, mặc dù sản phẩm của chúng ta có thể đứng thứ nhất, nhì thế giới về sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta thường bị thua thiệt về giá trị xuất khẩu vì chưa có hiệp hội mạnh, chưa xây dựng được chuỗi cung ứng đối với sản phẩm chủ lực nên còn rất bị động. Đặc biệt ta phải có tiếng nói trong chuỗi cung ứng và có vai trò điều tiết thị trường thì công tác dự báo mới đạt như mong muốn và việc quy hoạch mới bám sát được thị trường.

Ông Nguyễn Trọng Uyên

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.