| Hotline: 0983.970.780

Với dân quê, cháu như người nước ngoài ấy chứ!

Thứ Tư 31/01/2018 , 06:50 (GMT+7)

Tết nào vợ chồng cũng xé lẻ, mỗi mình cháu và một đứa con ra Bắc, chồng phải bàn thờ và các bà già, mãi lý lẽ ấy đấy cô...

Cô kính mến!

Cháu lấy chồng, “tài sản” của nhà chồng là má chồng cùng với cô chồng sống chung nhau từ trẻ. Gái Bắc yêu trai Nam, việc ấy giờ đâu có khác thường, đúng không cô?

Nhưng có khác là trong đây sinh nhiều, không kế hoạch nghiêm ngặt như bao cấp ở miền Bắc. Vậy nên cô chồng của cháu góa sớm, không con, ở vậy nuôi một bầy cháu, các loại cháu. Ngoài bầy con năm đứa của má chồng cháu, còn con của ba cô nữa không ở cùng nhưng đều sống dưới uy của cô này.

Người cô cháu đang nhắc tới là cô áp với bố chồng cháu. Bố là con đầu, bố liệt sĩ thời chiến tranh biên giới Tây Nam, khi ấy con út là chồng cháu mới có 2 tuổi. Ông là sĩ quan, vắt từ kháng chiến chống Mỹ sang cuộc chiến với Pôn Pốt, chiến tranh liên miên thế mà ông bà cũng có điều kiện để đẻ con liên miên. Anh hai của chồng cháu năm nay cũng mới có 47 tuổi, mười năm vợ chồng, ông bà sinh 5 đứa.

Cô ba của chồng cũng là vợ liệt sĩ, bạn của anh trai. Chưa hết chiến tranh thì hai người đàn ông quan trọng đã lên bàn thờ. Hồi mới quen chồng cháu, nghe anh kể cháu thương, rồi phục. Những người đàn bà can cường bên nhau, đơn lẻ, hiếm có.

Khi anh đưa cháu về nhà lần đầu, ấn tượng quá, mãi cho đến giờ. Chị dâu em chồng ở chung, chị dâu như vợ, em chồng lại như chồng. Nhờ thế mà con cái nhà họ ngoan, vững, không thì cháu đã không dám tiến tới. Từ hai suất liệt sĩ ấy, họ đưa nhau lên thành phố nhỏ này cho các cháu có tương lai học hành lâu dài. Má chồng nội trợ, cô bôn ba buôn bán, xây dựng dần dần.

Ở trong này con út phải theo luật là ôm bàn thờ gia tiên và chăm người già. Má chồng và cô đều chưa già lắm nhưng đó là hai cái ngôi mà chúng cháu phải cúi đầu. Sống chung thế quá mất tự do. Các anh chị đều ở riêng, được kỳ vọng mà không phải va chạm. Hai đứa con của cháu đến khổ vì hai bà, nghe người này thì người kia giận.

Chồng cháu bảo ngày xưa đâu có vậy, ưa hờn là triệu chứng của người già. Rất nhiều thứ cháu phải làm mất mình đi trước má và cô, trong mọi vấn đề. Ví như mái tóc của con gái cháu mà cháu cũng không tự do có tiếng nói nữa cô. Rồi thức ăn, nhiều hay ít đường, khách lu bù, bà con họ hàng quá đông, toàn người quê lên giỗ chạp và chữa bệnh…

Bố mẹ cháu xót xa cho cháu lắm. Nhưng lỡ chui đầu vào rồi cô. Chồng cháu rất được, rất đàn ông mà không gia trưởng, cháu còn chịu đựng được là nhờ thế cô ạ. Ấm áp, tình nghĩa, vui tính, siêng năng, hát hay…, anh có nhiều đức tính tốt lắm cô. Nhưng cháu vẫn ngao ngán và thèm được ở riêng cô ạ.

Tết nào vợ chồng cũng xé lẻ, mỗi mình cháu và một đứa con ra Bắc, chồng phải bàn thờ và các bà già, mãi lý lẽ ấy đấy cô. Cháu phải làm gì cô ơi?

---------------------

Cháu thân mến!

Thực ra ai cũng có “tài sản” của mình, thứ tài sản mà chúng ta để trong ngoặc kép ấy. Gia tộc cháu, hoặc gia đình bố mẹ cháu cũng có tài sản lịch sử, thế thôi. Vấn đề là mình thuộc về tài sản ấy nên mình quen, có khi mình chịu ơn nó, mình tự hào về nó và mình thấy nhẹ nhàng.

Ở trong Nam này cô biết, hầu như gia tộc nào cũng có người hy sinh như cô ba của chồng cháu. Không cô thì dì. Hy sinh là ở vậy, hoặc ở ế và phận hẩm biến thành đức độ lớn do gánh vác mà nên.

Gánh vác nhiều nên giỏi giang, có uy, có quyền và nổi tiếng. Họ nổi tiếng một cách không do khát vọng mà do tự nguyện. Họ có niềm vui tinh thần bất tận trong chuyện đó và họ xả thân cho cái điều mà họ cho là đơn giản: danh dự.

Hai vị liệt sĩ trên bàn thờ, chúng cháu đã luôn được phù hộ. Hai người đàn bà như vậy bên nhau cho đến lúc họ bạc đầu, hiếm lắm, chị dâu và em chồng, chồng và vợ. Biết bao buồn vui mà cháu không chứng kiến không trải qua cùng nhưng họ thì có, chồng cháu lớn lên trong hoàn cảnh ấy.

Không dưng mà cậu ấy như cháu ca ngợi, ấm áp, tử tế, giỏi, tốt, hay…Phải như thế nào thì cái cây ấy mới như vậy và trái ngọt là cháu hưởng, đúng không? Yêu chồng là yêu luôn từng mặt sang và mặt tối của chồng và cả nhà chồng, chẳng có công thức gì khác.

Nên nghĩ, trong được có mất và ngược lại. Cháu được một gia đình, một đại gia đình biết vì nhau, lo cho nhau, vượt qua bao nhiêu là biến cố. Mất tự do, chắc chắn rồi, nhưng cháu sẽ như má chống, vững tay nội tướng và được chồng khen, chồng yêu, chồng tự hào về mình.

Đừng tưởng cháu không là yếu tố lạ, với dân quê, cháu như người nước ngoài ấy chứ. Nhưng người nước ngoài thật còn lấy người Nam bộ được, huống chi mình, chỉ khác một chút khẩu vị, tiếng nói, thung thổ.

Lấy ai rồi cũng có một nhà chồng với đông đúc các thành viên để mình chung sống, cháu nhé. Được thế là may. Việc bị xé lẻ tết, đến lúc nào đó con lớn hẳn, nói với chồng nên ra nguyên gia đình. Và cũng có năm tết ở Nam nguyên gia đình nữa chứ. Một năm Bắc, một năm Nam, công bằng, khi nào các cụ già hẳn, già và yếu hẵng tính.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.